Tuy nhiên theo dự báo cùng sự tăng trưởng GDP, nhu cầu dùng điện sẽ tăng gấp đôi sau 10 năm. Tiêu thụ năng lượng trong ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất, gần 50% tổng tiêu thụ điện của cả nước.
Tiêu thụ điện trên đầu người ở Việt Nam ở mức thấp so với các nước
Ông Chu Bá Thi, chuyên gia năng lượng của WB đánh giá: “Sau thời kỳ dịch bệnh COVID-19, nhu cầu dùng điện có thể tăng lên 2 con số. Điều này dẫn đến quy mô hệ thống điện phải mở rộng, yêu cầu vốn đầu tư lớn. Theo dự thảo của Quy hoạch VIII, yêu cầu về vốn đầu tư cho ngành điện khoảng 10 tỷ USD 1 năm. Đây là số tiền lớn đòi hỏi sự tham gia của khu vực tư nhân”.
Ngoài ra, ngành điện đối mặt với tình trạng phát thải khí nhà kính cao. Tỷ lệ này trên đầu người nhỏ hơn các nước trong khu vực, tuy nhiên, có chiều hướng tăng nhanh hơn. Hệ số phát thải của hệ thống điện Việt Nam cao hơn nhiều các nước trong khu vực, ở mức 0,98 kg carbon/kWh do cơ cấu nguồn điện còn nhiều điện than.
Theo ông Thi, để giảm phát thải, cần phải tích hợp năng lượng tái tạo ở mức cao hơn. Điều này đặt ra nhiều thách thức về đầu tư cho hệ thống lưới truyền tải, công nghệ về dự trữ năng lượng như thuỷ điện tích năng, pin tích trữ điện, hạ tầng công nghệ điều độ hệ thống.
“Để khuyến khích đầu tư nước ngoài, tư nhân vào khu vực năng lượng tái tạo, cơ chế giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) không còn được áp dụng, cần xây dựng cơ chế đấu thầu hiệu quả, cạnh tranh, công bằng và minh bạch. Đồng thời từng bước áp dụng hợp đồng mẫu PPA theo thông lệ quốc tế, để đảm bảo chia sẻ rủi ro giữa các bên, thực hiện dự án, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đạt giá điện cạnh tranh hơn”, ông Thi nhận định.
Ngành điện Việt Nam cần giảm điện than để phát triển bền vững
Số liệu của WB cho thấy nguồn phát thải lớn nhất của ngành điện hiện nay là các nhà máy điện than. Tổng phát thải liên quan đến năng lượng gồm cả bên cung và bên cầu khoảng 65%, trong đó phát thải ngành điện chiếm 61%. Công suất nhà máy điện tăng nhanh, từ 5 GW từ năm 2010 lên 20 GW vào 2020.
Dù tổng công suất nguồn điện than chỉ chiếm 30%, sản lượng điện chiếm 59%, lượng than tiêu thụ lớn, khoảng 88 triệu tấn vào năm 2020, chiếm 1% lượng tiêu thụ than toàn cầu. Ngành công nghiệp Việt Nam trong đó có ngành điện gây phát thải nhiều nhất, chiếm hơn 60% tổng phát thải quốc gia. Nếu không thực hiện các biện pháp giảm, phát thải của ngành này chiếm hơn 80% vào năm 2030.
Ngành điện thành công trong việc đảm bảo cho nhu cầu dùng điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội. WB thấy chỉ số vận hành của ngành điện rất tốt, so với các nước tiên tiến. Tỷ lệ nối lưới cao, đạt trên 99%, tỷ lệ tổn thất kỹ thuật và thương mại ở mức thấp, xếp hạng tín dụng EVN ở mức BB ổn định, ngang bằng xếp hạng tín dụng quốc gia. Đây là chỉ số giúp EVN tăng khả năng tiếp cận vốn thương mại nước ngoài với điều kiện vay tốt hơn.
Năng lượng tái tạo là xu hướng của tương lai
Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo chuyên gia của WB, đây là đích đến đầy thách thức lớn bởi công suất nguồn điện than còn lớn trong hệ thống.
“Chúng ta không thể đóng cửa nhà máy điện than trong ngắn và trung hạn. Phải có giai đoạn quá độ, cần lộ trình để thay điện than bằng năng lượng tái tạo. Điều này cần nỗ lực trong nước và hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật từ các nước phát triển”, ông Chu Bá Thi cho biết.
Chuyên gia này đưa ra lộ trình cắt giảm thải nhà kính để đạt phát thải ròng bằng 0 năm 2050 với 3 kịch bản. Kịch bản cơ sở có tỷ lệ tăng điện than 3 lần vào 2030, kịch bản 2 là tỷ lệ điện than tăng 2 lần 2030 và kịch bản 3 là điện than đạt đỉnh vào năm 2025, sau đó giảm dần để hoàn thành mục tiêu phát thải ròng 0% năm 2050. Ở kịch bản 3, mức giảm phát thải 80% khi thay thế hết điện than bằng năng lượng tái tạo và công suất của các nguồn dự trữ.
Để cắt giảm khí thải nhà kính, cần lượng vốn rất lớn đầu tư cho hệ thống tích trữ năng lượng như thuỷ điện tích năng, pin tích trữ và hệ thống truyền tải, công nghệ kỹ thuật năng lượng khác. Chi phí hệ thống tăng 30%, 70% cho kịch bản 2, 3.
“Ở kịch bản 3, cần đóng cửa sớm các nhà máy điện than công suất 18 MW phải đóng cửa, ảnh hưởng việc làm của người lao động, giá điện tăng. Để bù đắp chi phí tăng, cần 19 tỷ USD để giữ điện theo kịch bản thông thường, 1 tỷ USD hàng năm đầu tư cho ngành điện”, chuyên gia của WB nhận định.
Theo đánh giá của WB, Việt Nam có lợi thế về tiềm năng năng lượng tái tạo thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Số liệu của tổ chức này cho thấy tiềm năng kỹ thuật là 470 MW điện gió ngoài khơi, đủ để xây dựng thị trường gió ngoài khơi đầy đủ gồm chuỗi cung ứng vật liệu, vật tư, nhân lực, vận hành.
Việt Nam có tiềm năng lớn về điện gió ngoài khơi
Tuy nhiên để tích hợp tối đa năng lượng tái tạo, cần đầu tư vào hạ tầng lưới điện, bao gồm cả đưa công nghệ truyền tải mới, điện cao thế 1 chiều HVDC, hạ tầng điều độ tối ưu, công nghệ AI, hệ thống dự trữ năng lượng như thuỷ điện tĩnh năng, pin tích trữ năng lượng.
Ông Chu Bá Thi cho rằng Việt Nam cần “ứng dụng các công nghệ mới như hydrogen, công nghệ thu hồi và chôn lấp carbon, tổ máy linh hoạt ICE sử dụng NLG. Ngoài các giải pháp bên cung, cần áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, chương trình quản lý cầu, lưới điện thông minh, chuyển đổi xe điện, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn để giảm tiêu hao năng lượng và bảo vệ môi trường”.
Các giải pháp được chuyên gia WB đề xuất gồm xây dựng quy hoạch gió ngoài khơi bao gồm quy hoạch không gian biển và hạ tầng đấu nối, tạo cơ chế đầu tư, giá cho tích trữ năng lượng, phát triển chuỗi cung điện khí, áp dụng hợp đồng PPA mẫu theo thông lệ quốc tế để đảm bảo chia sẻ rủi ro giữa các bên khi tham gia dự án, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng nước ngoài tài trợ vốn cho dự án năng lượng ở Việt Nam.