Quan điểm từ David Price - một chuyên gia âm thanh đồng thời là biên tập viên có thâm niêm 10 năm hoạt động ở thế giới Hi-Fi, về sự bùng nổ của nhạc số trực tuyến trong những năm trở lại đây. Bên cạnh đó, lợi nhuận ít ỏi kiếm được từ việc stream nhạc có nguy cơ gây ảnh hưởng lâu dài tới những tác phẩm âm nhạc mới.
Như bao thị trường khác, thị trường âm nhạc cũng có nhiều lần thay đổi mạnh mẽ, bao gồm việc chuyển dần sang nhạc số trực tuyến với tốc độ chóng mặt như hiện nay. Lấy ví dụ từ nước Anh, thống kê từ British Phonographic Institute (hay BPI) cho thấy nhạc số trực tuyến chiếm 80,6% lượng tiêu thụ âm nhạc vào năm 2020, trong khi doanh số CD tiếp tục giảm thêm 10,3%. So với năm trước đó, lượt nghe nhạc trực tuyến đã tăng từ 114 tỉ lên tới 139 tỉ, có xu hướng tiếp tục tăng thêm do mọi người phải ở nhà tránh dịch Covid-19.
Xét về mặt tích cực thì đây thực sự là một tuyệt vời. Điều này là hoàn toàn tất yếu khi mọi người đều có thể truy cập vào tất cả những album, ca khúc trên toàn cầu ngay từ chiếc điện thoại thông minh của mình. Hơn nữa, nhạc số trực tuyến còn mang nhiều lợi thế khác, ví dụ như khả năng cung cấp nhạc chất lượng cao (các dịch vụ như Tidal, Qobuz…) để kết hợp cùng những hệ thống nhạc số cao cấp, có giá vừa phải cho tới rất đắt, mang tới âm thanh thỏa mãn đôi tai của những audiophile khó tính nhất.
Tuy nhiên thì vẫn có điều khiến tôi băn khoăn. Việc thường xuyên thực hành trải nghiệm mọi chiếc đầu streamer có một tầm quan trọng nhất định, từ chiếc Logitech Squeezebox nguyên bản cho tới đầu streaming/DAC đầu tay mang tên Vivaldi của dCS và cơ số thiết bị tuyệt vời khác đã khiến tôi khó có thể trở thành người tụt hậu về mặt công nghệ. Hơn nữa, hầu hết công việc liên quan tới nhạc số và thiết bị phát nhạc số cũng chứng minh rằng tôi không phải người chối bỏ các công nghệ tiên tiến hay vì đam mê với vinyl mà từ chối nhạc số.
Vì sao tôi phải đính chính trước khi trình bày tiếp? Việc chuyển đổi sang nhạc số trực tuyến không chỉ thay đổi cách âm nhạc được phân phối mà còn ảnh hướng tới cách ngành công nghiệp trả tiền cho nghệ sĩ thu âm. Đối với tôi, điều này không hề tốt cho tương lai của ngành thu âm. Trong những năm qua, nhiều nhân vật dũng cảm của ngành công nghiệp như Nile Rodgers (Chic) cho tới Bjorn Ulvaeus (ABBA) đã lên tiếng những khó khăn nghiêm trọng mà nhiều nhạc sĩ gặp phải. Trong số đó, nổi bật nhất chính là việc họ chỉ nhận lại nguồn lợi nhuận ít ỏi được chia lại từ nhạc số trực tuyến.
Dĩ nhiên, những chuyện như thế đã được đưa ra điều tra chính xác. Bản thân Rodgers cũng kêu gọi các hãng đĩa lớn hãy trả thù lao công bằng hơn cho nhạc sĩ và minh bạch về lợi nhuận từ nhạc số trực tuyến. Ông cho biết các hãng đĩa vẫn chưa thực hiện đủ trách nhiệm để chia sẻ doanh thu thực tế cho nhạc sĩ, tác giả bài hát và nghệ sĩ. Dĩ nhiên, ông vẫn đánh giá cao nhạc số trực tuyến khi gọi đây là “một cách hiệu quả và tuyệt vời” để phân phối nhạc, nhưng việc phương thức này tồn tại cũng đem lại quá nhiều quyền lực cho hãng đĩa.
Rodgers chỉ ra rằng những thỏa thuận không được tiết lộ từ hãng đĩa khiến nghệ sĩ khó lòng nói ra chính xác số tiền họ nhận được ở mỗi lượt phát nhạc. Gary Numan - nhà tiên phong trong thể loại nhạc điện tử, đã kiểm chứng điều đó và cho biết ông chỉ thu được 112 Bảng Anh từ hàng trăm giấy tờ thống kê lượt phát. Thậm chí, một trong những ca khúc của Numan đã được phát tới hơn 1 triệu lần và chỉ đem về có 37 Bảng Anh - một con số thấp tới mức vô lý.
Một vấn đề nhức nhối khác cũng được đề cập đến chính là phân bổ sai tiền bản quyền. Björn Ulvaeus nói rằng các dịch vụ phát nhạc trực tuyến thường không biết trả tiền cho ai do thiếu hoặc sai lệch thông tin về bản quyền. Do đó, ông đã khởi động một dự án có tên Credits Due để đảm bảo nhạc sĩ và tác giả ca khúc được định danh chính xác khi một ca khúc được thu âm. Trên thực tế, khoảng nửa tỷ Bảng Anh được cho là gửi tới sai người hàng năm hoặc không được thanh toán.
Điều khiến tôi lo lắng là mức doanh thu ít ỏi từ nhạc số trực tuyến khiến các thế hệ nhạc sĩ tương lai khó lòng phát triển mạnh. Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong hơn 50 năm qua đều đến từ một mô hình đào tạo khác biệt, biến họ từ những viên ngọc thô thành người có tiềm năng đem lại lợi nhuận lớn trong tương lai. Có nhiều ban nhạc chẳng đi đến đâu và gây tổn thất đáng kể cho công ty thu âm, những đồng thời, có những nghệ sĩ đã thành công và cho thấy khoản đầu tu vào họ là hoàn toàn đúng đắn. Một ví dụ điển hình là Glenn Gregory (Heaven 17) với album The Luxury Gap (1982) đã tiêu tốn số tiền tương đương 1,1 triệu Bảng Anh ở thời điểm hiện nay để sản xuất.
Quả thật, tôi thật sự lo ngại rằng một thế giới nhạc số trực tuyến như hiện nay, bất kể những lợi ích hiển nhiên, có thể khiến nghệ sĩ trở nên rỗng túi và thậm chí còn không tạo điều kiện cho những tài năng mới phát triển. Dù không nhất thiết tới mức phải quay về hình thức đào tạo của thập niên 80 hay 90, ngành công nghiệp âm nhạc thực sụ vẫn phải đưa ra mức đầu tư hợp lý hơn vào tài năng mới cũng như trả công một cách công bằng hơn cho giới nghệ sĩ hiện tại.
Tóm tắt: Nhạc số trực tuyến không xấu mà trái lại, đây là phương thức giúp mọi người dễ dàng tiếp cận với âm nhạc ở mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, mức lợi nhuận rẻ mạt mà nghệ sĩ kiếm được từ các dịch vụ lại không đủ để họ trang trải cuộc sống hằng ngày và khó lòng tạo ra được sản phẩm hay cho công chúng.
Theo: stereonet
Tiêu Dao