Tình hình an ninh mạng phức tạp
Bộ Công an vừa có tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng. Bộ cho rằng tình hình an ninh mạng diễn biến phức tạp với hoạt động sử dụng không gian mạng đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, sai sự thật. Theo thống kê của Bộ Công an, mạng xã hội là nơi thường xuyên diễn ra tình trạng đăng tải thông tin xấu độc, sai sự thật. Chỉ tính riêng tình hình dịch COVID-19, cơ quan công an xử lý hàng trăm trường hợp tung tin sai sự thật, tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong dư luận, có xử phạt vi phạm hành chính nhưng mức độ chưa đủ sức răn đe.
Tính đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động cho 455 mạng xã hội trong nước. Một số mạng xã hội bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý, bảo mật, kiểm duyệt, kiểm soát thông tin công cộng, để người dùng đăng tải thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hiện có khoảng 200 trang thông tin điện tử không phép, đăng ký “ẩn danh”, máy chủ đặt tại nước ngoài hoạt động như tờ báo tư nhân trá hình, mạo danh các cơ quan, tổ chức trong nước đăng tải thông tin không chính thống từ nhiều nguồn, tin giả, tin sai sự thật. Nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội có lượng thành viên lớn, đăng các bài viết bịa đặt, bình luận tiêu cực về các vấn đề chính trị, xã hội, sự kiện “nóng” trong nước, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc tin tức “giật gân”.
Mạng xã hội phát triển rất nhanh ở Việt Nam
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn nước ngoài né tránh thực hiện các quy định pháp luật về an ninh mạng, đáp ứng hạn chế các yêu cầu từ phía cơ quan chức năng Việt Nam, trong một số trường hợp không đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, hoạt động tán phát thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật vẫn diễn ra thường xuyên trên các nền tảng dịch vụ của Facebook, YouTube.
Tờ trình dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng của Bộ Công an nêu rõ: “Tình trạng truyền bá, phát tán ấn phẩm đồi trụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thuần phong, mỹ tục, hoạt động phát tán phim ảnh khiêu dâm trẻ em gia tăng. Các đối tượng hình sự sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền lối sống, văn hóa đi ngược lại đạo đức xã hội, coi thường pháp luật... tác động, ảnh hưởng đến nhận thức, lối sống của thanh thiếu niên.
Hoạt động vi phạm bản quyền phần mềm máy tính, bản quyền nhạc số, phim số, truyền hình, quyền tác giả, tác phẩm đang làm giảm sức cạnh tranh kinh tế của Việt Nam và các nước trong khu vực. Các đường dây mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, các thiết bị nghe lén, định vị ngụy trang trên mạng Internet diễn ra công khai. Hoạt động mua bán giấy tờ, bằng cấp giả trên không gian mạng, rao bán ma túy, chất gây nghiện, ảo giác trên mạng Internet vẫn tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức như tạo lập tài khoản mạng xã hội Facebook nhận làm bằng cấp và các loại chứng chỉ đào tạo nghề hoặc tạo lập hội nhóm kín trên mạng xã hội Facebook, Zalo để đăng tải, quảng cáo cho việc mua bán các loại ma túy, chất gây nghiện, chất gây ảo giác”.
Một vấn đề gây bức xúc trong dư luận cũng được nêu trong tờ trình của Bộ Công an là tình trạng sàn thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật về buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo trong hoạt động mua bán, giao nhận hàng hóa qua sàn...
Trò chơi trực tuyến có thể là mầm mống tội phạm
Trong khi đó, dịch vụ trò chơi trực tuyến tiếp tục hoạt động mạnh ở Việt Nam, gia tăng nhiều trò chơi trực tuyến mô phỏng cờ bạc hoặc có nội dung nhạy cảm về chính trị, chứa đựng yếu tố khiêu dâm, bạo lực. Nhiều trò chơi trực tuyến bị đính kèm mã độc có chức năng nghe lén điện thoại, thu thập thông tin người dùng. Hoạt động “tín dụng đen” trên mạng xuất hiện hình thức mới (cho vay ngang hàng - P2P Lending) có dấu hiệu cho vay nặng lãi, một số vụ có đối tượng người nước ngoài tham gia, tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng để núp bóng hoạt động đánh bạc qua mạng, lừa đảo, trốn thuế, rửa tiền, tài trợ cho tổ chức khủng bố hoặc huy động tài chính đa cấp.
Khó khăn để xử lý vi phạm
Bộ Công an cho rằng tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai pháp luật. Các hành vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng chưa được xác định cụ thể, nhiều hành vi được quy định rải rác trong các văn bản xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực khác nhau, một số chưa có cách, áp dụng thống nhất hoặc chưa được đồng thuận trong thực tiễn. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng được quy định trong Luật An ninh mạng và một số văn bản hướng dẫn thi hành nhưng chưa có chế tài xử phạt.
Về quy định mức phạt tiền, với mức độ lợi nhuận thu được từ các hoạt động trên không gian mạng, nếu không áp dụng mức phạt tối đa đối với một số hành vi vi phạm về an ninh mạng sẽ không đủ sức răn đe, chưa tương xứng với hậu quả thiệt hại gây ra, chưa phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, dẫn đến tình trạng tuy không phổ biến nhưng nhiều cá nhân, tổ chức hiện đang tồn tại tâm lý chung chấp nhận nộp phạt vi phạm hành chính vẫn có lợi hơn so với phải chấp hành đúng quy định của pháp luật.
Việc quản lý mạng xã hội nước ngoài gặp khó khăn
Hiện nay, 2 hình thức xử phạt chính được áp dụng là cảnh cáo và phạt tiền. Tuy nhiên, với đặc thù của an ninh mạng, Bộ Công an đề xuất cần áp dụng thêm một số hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với an ninh mạng như tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc khôi phục, buộc gỡ bỏ, buộc đính chính, buộc xin lỗi, buộc kiểm tra, đánh giá, chứng nhận lại, buộc cải chính kết quả kiểm tra, đánh giá, chứng nhận.
Do đây là lĩnh vực mới, được quy định cụ thể trong Luật An ninh mạng, Bộ Công an đề nghị bổ sung thêm thẩm quyền của Bộ Công an, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng.