Mức tăng giá cao chưa từng có
TSMC bắt đầu tăng giá các sản phẩm từ 20%, được xem là mức điều chỉnh giá cao nhất từ trước đến nay của công ty. Theo Nikkei Asia, thời gian và mức giá tăng cụ thể áp dụng tùy thuộc vào từng khách hàng khác nhau. Với một số công ty nhận được thông báo từ TSMC, việc tăng giá có hiệu lực lập tức.
TSMC và các nhà sản xuất bán dẫn khác của Đài Loan tăng giá chip hơn 10% từ năm ngoái và kéo dài cho đến đầu năm nay. Nhưng với nhu cầu tăng mạnh vượt quá khả năng cung ứng, TSMC quyết định đưa giá cao hơn. Chi phí bị đẩy lên khi TSMC tăng cường sản xuất, huy động nguồn lực lớn trong thời gian ngắn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, vị thế của tập đoàn Đài Loan cũng lên cao hơn giúp khả năng thương lượng hợp đồng và giá bán tốt hơn trong bối cảnh khủng hoảng chip toàn cầu. Động thái của TSMC sẽ ảnh hưởng đến giá bán của các sản phẩm khi đến tay người dùng.
TSMC đang có vị thế khác biệt trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Trước đó, TSMC tuyên bố đầu tư 100 tỷ USD từ nay đến năm 2023 để tăng khả năng sản xuất. Các cổ đông của công ty lo ngại về khả năng sụt giảm lợi nhuận khi TSMC đẩy mạnh hoạt động ra thị trường quốc tế.
Hiện tại, TSMC vẫn duy trì tỷ suất lợi nhuận ròng cao 36% trong quý 2/2021. Tuy nhiên, việc sản xuất tại Mỹ và Nhật Bản trong tương lai sẽ khiến TSMC tiêu tốn nhiều nguồn lực hơn. Thành viên ban điều hành công ty cho biết, TSMC đang xây dựng cơ sở bán dẫn tiên tiến ở bang Arizona của Mỹ và đang chuẩn bị thành lập nhà máy chip đầu tiên ở Nhật Bản.
Các khách hàng lớn trên toàn cầu của tập đoàn Đài Loan như Toyota thông báo cắt giảm sản lượng do thiếu chất bán dẫn. Ngay lập tức, TSMC phản ứng bằng cách tăng sản lượng, nhưng công ty dự đoán tác động của khủng hoảng chip sẽ kéo dài cho đến năm sau.
Lỗi hẹn với khách hàng lớn Apple
Apple kỳ vọng nhà sản xuất chip hợp đồng đến từ Đài Loan có thể xuất xưởng kịp thời chip sản xuất trên quy trình 3nm để trang bị cho dòng iPhone 14 ra mắt trong năm 2022. Năm ngoái, TSMC bắt đầu đưa những chipset 5nm đến Apple. Cả A14 Bionic và Apple M1 đều sử dụng tiến trình 5nm này.
Chip A14 Bionic của Apple do TSMC sản xuất
Chipset 7nm cuối cùng được sử dụng để trang bị cho iPhone là A13 Bionic có trong dòng iPhone 11 ra mắt vào năm 2019. Con chip này sở hữu 8,5 tỷ transistor, thấp hơn so với 11,8 tỷ transistor có trong A14 Binonic và 16 tỷ transistor của Apple M1. Về lý thuyết, tiến trình càng thấp, số lượng transistor trong con chip càng cao, giúp tăng hiệu năng cũng như tiết kiệm năng lượng.
Tờ DigiTimes tiết lộ dòng iPhone 14 ra mắt năm 2022 sẽ được trang bị con chip A16 Bionic, sản xuất trên tiến trình 3nm của TSMC. TSMC dự định đưa nghệ tiến trình 3nm vào giai đoạn sản xuất số lượng lớn trong nửa cuối năm 2022 cho các thiết bị của Apple gồm iPhone và máy tính Mac”.
Nhưng mới đây TSMC xác nhận sự chậm trễ đối với việc sản xuất chip 3nm. Thay vào đó, công ty Đài Loan sẽ đưa ra lò A16 Binonic chỉ với tiến trình 4nm. Như vậy, các mẫu iPhone 2022 sẽ không có mang lại nhiều cải tiến về hiệu năng cũng như mức tiêu thụ năng lượng như kỳ vọng.
Dòng iPhone 14 năm 2022 có thể chưa trang bị chip 3nm
Sự chậm trễ này có thể tạo cơ hội cho Samsung bứt phá, trở thành xưởng đúc đầu tiên xuất xưởng các con chip 3nm thay vì TSMC. Điều này giúp các smartphone Android, trong đó có dòng Galaxy S23 của Samsung, trở thành thiết bị đầu tiên có SoC 3nm thay vài những mẫu iPhone 14 của Apple.