Các mẫu protein lấy từ xác ướp người Ai Cập cổ đại cho thấy họ có thể mắc các căn bệnh nhiễm trùng và ung thư.
Theo Live Science, trong báo cáo công bố trên tạp chí Philosophical Transaction of the Royal Society A hôm 19/9, nhóm nghiên cứu quốc tế tới từ Australia và Hàn Quốc tìm ra nguyên nhân tử vong của người Ai Cập cổ đại bằng cách lấy protein từ mẫu da và cơ của các xác ướp 4.200 năm tuổi.
Nhóm nghiên cứu thu thập 4 mẫu da và một mẫu sinh thiết cơ từ ba xác ướp đặt tại Bảo tàng Ai Cập ở Turin, Italy. Các xác ướp có từ năm 2181 đến 2055 trước Công nguyên (trong thời kỳ Hỗn loạn đầu tiên), được khai quật tại nghĩa trang ở Assiut và Gebelein, Ai Cập vào khoảng năm 1911 – 1920 trong dự án do Ernesto Schiaparelli, nhà khảo cổ học người Italy phụ trách.
Hai xác ướp ở Assiut gồm người phụ nữ tên Khepeshet và người đàn ông tên Idi, được chôn cùng nhiều đồ vật trong quan tài bằng gỗ bịt kín, còn xác ướp ở Gebelein nằm trong quan tài làm từ thân cây rỗng.
Nhóm nghiên cứu lấy hơn 230 protein từ các mẫu xác ướp và tìm thấy bằng chứng của chứng viêm, nhiễm trùng và dấu hiệu bệnh ung thư. Khi phân tích mô da của xác ướp Khepeshet, họ tìm ra một protein là dấu hiệu của phản ứng miễn dịch nghiêm trọng.
Nguyên nhân cái chết của xác ướp Ai Cập cổ đại có thể là do nhiễm trùng và ung thư. (Ảnh: Macquarie University).
'Tập hợp của các protein này có liên quan lớn tới căn bệnh nhiễm trùng phổi do vi khuẩn, ví dụ như bệnh lao. Đây có thể là nguyên nhân khiến người phụ nữ này tử vong', Paul Haynes, Đại học Macqurie, nhận xét.
Xác ướp Idi nhiều khả năng cũng mắc một căn bệnh chết người. Kết quả phân tích mẫu da và cơ chỉ ra một số lượng lớn protein có liên quan tới chứng viêm và phản ứng miễn dịch.
Trong mẫu cơ của Idi, nhóm nghiên cứu phát hiện hai protein là DMBT-1, có chức năng ức chế khối u, và enzyme transglutaminase. Haynes giải thích số lượng DMBT-1 và enzyme transglutaminase tăng lên thường tương ứng với sự phát triển của bệnh ung thư tuyến tụy.
'Idi có thể mắc ung thư tuyến tụy hoặc một số căn bệnh ung thư khác', Haynes cho biết.
Nhóm nghiên cứu chỉ lấy được một ít protein từ xác ướp thứ ba, do đó họ chưa thể kết luận chi tiết về nguyên nhân tử vong của người này. 'Bộ xương không được mai táng trong quan tài kín mà đặt trong một khúc gỗ rỗng. Việc xác ướp tiếp xúc với các yếu tố trong môi trường có thể khiến lượng protein giảm xuống', Jones cho biết.
Thời kỳ Hỗn loạn đầu tiên là giai đoạn chính trị loạn lạc, hạn hán và đói kém nghiêm trọng của Ai Cập, Jana Jones, Đại học Macquarie, giải thích.
Mặc dù có ít thông tin về tình trạng sức khỏe của dân cư trong thời kỳ đó, chắc chắn là sự thiếu hụt về nước và thức ăn làm suy giảm hệ miễn dịch, dẫn tới các căn bệnh truyền nhiễm như sốt rét, lao phổi, bệnh do ký sinh trùng Leishmania và các căn bệnh nhiễm trùng đường ruột dễ lây khác.
'Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bối cảnh lịch sử của các căn bệnh mà ngày nay vẫn còn xuất hiện', Jones nhấn mạnh.
Cập nhật: 22/09/2016
Theo VnExpress