Giám đốc bộ phận khoa học hành tinh của NASA, James Green dự đoán khả năng con người sẽ phát hiện ra sự sống ngoài hành tinh ngay tại hệ Mặt trời trong 10 năm tới.
'Dữ liệu mà chúng tôi thu thập được là hết sức hứa hẹn, khiến chúng tôi nghĩ về vấn đề này theo cách mới và thú vị hơn. Tôi tin rằng chúng ta đang đi đúng con đường... Có khả năng là sự sống hiện diện ở khắp nơi ngay tại hệ Mặt trời. Chúng ta có thể không cô độc trong vũ trụ', ông Green nói trong chương trình TED Talk hồi tháng 11 năm ngoái. Thông tin này chỉ mới được công bố trong tháng 8.
Trong chương trình , ông Green diễn giải lý do vì sao NASA tin rằng con người sắp tìm ra câu trả lời và rằng hệ Mặt trời là nơi rất có thể có sự sống tồn tại.
Hệ Mặt trời là nơi rất có thể có sự sống tồn tại.
Dưới đây là 4 hành tinh NASA tin rằng có sự sống trong hệ Mặt trời.
Sao Hỏa
Thật khó hình dung môi trường khô, đất bụi ở sao Hỏa lại là nơi có thể tồn tại sự sống nhưng NASA gần đây đã chứng minh có đại dương cổ đại, nơi có nước cách đây hàng trăm triệu năm trước. Xe thám hiểm NASA gửi đến sao Hỏa ngày nay chưa tìm thấy sự sống nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy sao Hỏa từng ấm hơn, thậm chí là ẩm ướt trong hàng tỷ năm trước. Các nhiệm vụ thăm dò quỹ đạo cũng phát hiện thấy sao Hỏa không khô cằn như thường thấy.
Vài tháng trước, NASA ám chỉ về việc tìm thấy dấu hiệu của nước lỏng trong miệng núi lửa trên hành tinh đỏ. Sự sống cần nước nên luôn có hy vọng ở sao Hỏa. Kế hoạch tiếp theo của NASA là gửi thêm một xe thám hiểm đến sao Hỏa vào năm 2020, với các thiết bị hiện đại hơn để tìm kiếm các sinh vật cực nhỏ.
Enceladus (vệ tinh của sao Thổ)
Trong nhiều thập kỷ qua, Enceladus đã khiến các chuyên gia đặt câu hỏi vì sao thiên thể này phản xạ ánh sáng mạnh nhất trong hệ Mặt trời và mối liên kết của nó với vành đai sao Thổ. Cuối cùng, tàu vũ trụ Cassini đã phát hiện ra những vòi nước phun ra ở vùng cực nam mặt trăng sao Thổ. Những vòi phun này góp phần tạo ra vật chất mới cho vành đai bao quanh sao Thổ, có nguồn gốc từ một đại dương.
Các nhà khoa học đã tìm ra thành phần hóa học của thiên thể giàu silicon nằm trong vành đai E. Họ phát hiện ra rằng phân tử SiO2 (silica) có kích thước nano siêu nhỏ, chúng thẩm thấu cùng những phân tử nước dưới bề mặt lớp băng của Enceladus.
Giám đốc NASA tin rằng với các vật liệu hữu cơ cần thiết, có thể có sự sống tồn tại trên Enceladus.
Kích thước 4 hành tinh, vệ tinh thuộc hệ Mặt trời có khả năng tồn tại sự sống so với Trái đất.
Europa (vệ tinh của sao Mộc)
Kính viễn vọng không gian Hubble cho thấy có các tia nước phun ra từ cực Nam của Europa - Mặt Trăng phủ băng của sao Mộc vốn được xem là chứa một đại dương ngầm.
Hiện tượng thủy triều gây ra bởi lực hấp dẫn của sao Mộc và các vệ tinh khác dường như đã tạo ra đủ nhiệt để Europa tồn tại chất lỏng dù cách xa Mặt trời.
'Đây là một trong những khám phá tuyệt vời vì Europa đã ở trong môi trường như vậy hàng tỷ năm trước', ông Green nói.
Titan (vệ tinh của sao Thổ)
Hồ nước trên vệ tinh Titan gần như có cùng kích thước với Biển Đen. Dấu vết của metan cũng được tìm thấy
'Nếu như bất cứ nơi nào trong hệ Mặt trời có sự sống không giống như chúng ta, nơi thay thế nước bằng dung môi, đó chỉ có thể là vệ tinh Titan', ông Green cho biết.
Cập nhật: 01/09/2016
Theo Dân Việt