Facebook đối mặt làn sóng tẩy chay trên toàn cầu, hashtag #DeleteFacebook trở thành từ khóa trending
Hành động của Facebook khi cắt quyền truy cập thông tin của cả nước Úc đang đối mặt với một chiến dịch tẩy chay quy mô lớn trên toàn cầu.
Theo The Economic Times, sau hành động cắt quyền truy cập thông tin của cả nước Úc, Facebook hiện đang đối mặt với làn sóng tẩy chay quy mô lớn trên toàn cầu.
Facebook hiện đang đối mặt với làn sóng tẩy chay quy mô lớn trên toàn cầu. (Ảnh minh họa: Woody Harrington/For The Washington Post)
Cụ thể, nhiều người dùng mạng xã hội đã đổ xô lên Twitter để kêu gọi tẩy chay Facebook. Những dòng hashtag như “#DeleteFacebook” (Xóa Facebook), “#BoycottZuckerberg” (Tẩy chay Zuckerberg), “#FacebookWeNeedToTalk” (Facebook, chúng ta cần nói chuyện)… xuất hiện hàng loạt trên Twitter và thu hút được rất nhiều người tham gia.
Chiến dịch này đã dẫn đến sự gia tăng về số người dùng xóa ứng dụng Facebook khỏi thiết bị của họ, theo The Economic Times.
Lý do từ khóa #DeleteFacebook lọt top trending trên Twitter?
Tối ngày 17/2 (theo giờ địa phương), Hạ viện Australia đã thông qua “Bộ luật thương lượng bắt buộc về nền tảng kỹ thuật số và truyền thông tin tức”. Theo báo chí Australia, dự luật sẽ được Thượng viện biểu quyết vào tuần tới và có hiệu lực ngay sau đó.
Một người dùng kêu gọi tẩy chay Facebook. (Ảnh chụp màn hình)
Dự luật này do Bộ Tài chính Australia khởi xướng, nhằm mục đích phân phối lại lợi nhuận trong nền kinh tế Internet, buộc các công ty đóng vai trò là trung gian phân phối tin tức như Facebook và Google, phải trả tiền cho các tổ chức tin tức.
Bộ trưởng Tài chính Úc – Josh Fredenberg từng tuyên bố, dự luật này “sẽ đảm bảo rằng các phương tiện truyền thông báo chí nhận được thù lao về kinh tế công bằng cho các nội dung mà họ sản xuất, qua đó bảo vệ báo chí của Úc trong việc phục vụ lợi ích công chúng”. Đây cũng là dự luật liên quan đầu tiên trên thế giới.
Facebook ngay lập tức tung ra hành động “trả đũa” sau khi biết kết quả cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Úc.
(Ảnh chụp màn hình)
(Ảnh chụp màn hình)
Theo đó, vào hôm 18/2, Facebook đã quyết định cấm nhà xuất bản và người dùng nước Úc chia sẻ hay xem tin tức trong nước lẫn quốc tế.
Với động thái từ Facebook, người dùng tại Úc không thể chia sẻ liên kết từ mọi tờ báo, trang tin, trong khi người dùng quốc tế bị cấm chia sẻ liên kết dẫn tới các ấn phẩm báo chí Úc. Facebook sử dụng máy học và trí tuệ nhân tạo để kiểm duyệt ngay từ cấp độ đầu tiên.
Hành động của Facebook khi cắt quyền truy cập thông tin của cả nước Úc đang đối mặt với một chiến dịch tẩy chay quy mô lớn.
Cựu giám đốc điều hành Facebook tại Úc kêu gọi xóa ứng dụng
Theo New York Post, cựu giám đốc điều hành Facebook tại Úc – Stephen Scheeler – đã công khai kêu gọi người dùng xóa Facebook. Ông đã chỉ trích CEO Mark Zuckerberg và cho rằng động thái của mạng xã hội tại Úc là “đáng báo động”.
Cựu giám đốc điều hành Facebook tại Úc – Stephen Scheeler – đã công khai kêu gọi người dùng xóa Facebook. (Ảnh: The Australian)
“Tôi từng tự hào khi là một Facebooker, nhưng trong những năm qua, tôi ngày càng bực tức hơn với mạng xã hội này. Đối với Facebook và Mark, họ quan tâm quá nhiều tới tiền bạc và quyền lực hơn là lợi ích. Tất cả người dân Úc nên cảm thấy đáng báo động về điều này”.
Cựu giám đốc điều hành Facebook tại Úc, người đã từ chức vào năm 2017, khuyến khích người dân Úc gửi thông điệp mạnh mẽ đến công ty bằng cách xóa ứng dụng, đồng thời kêu gọi “quy định nhiều hơn” với Facebook.
Về phần mình, Facebook đổ lỗi cho chính phủ Úc đã định nghĩa “mông lung và mơ hồ” về “tin tức” trong luật mới của mình.
“Dự luật đã hiểu sai mối quan hệ giữa nền tảng của chúng tôi và các đơn vị xuất bản. Trái với suy nghĩ của một số người, Facebook không ‘ăn cắp’ tin tức, chính hãng tin mới là đơn vị muốn chia sẻ thông tin trên mạng xã hội này”, Campbell Brown, Phó chủ tịch mảng quan hệ tin tức quốc tế Facebook cho biết.
Duy Huỳnh