Làm gì để đón làn sóng đầu tư 2021?
Những lợi thế cạnh tranh sẵn có, tham gia các FTA, cùng những biện pháp phòng chống COVID-19 hiệu quả là điểm tựa vững chắc để Việt Nam đón sóng đầu tư trong 2021.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến 20/11/2020, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,4 tỷ USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 2.313 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13,6 tỷ USD, giảm 33,5% về số dự án và giảm 7,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Điểm sáng le lói
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, có 1.535 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp gần 2,7 tỷ USD, và 4.277 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị hơn 3,8 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng ước tính đạt 17,2 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam đã thực hiện tốt việc cải thiện môi trường đầu tư trong những năm qua, đồng thời đã và đang thực hiện có hiệu quả mục tiêp kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. (Ảnh: Moit)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, tuy giảm sút so với cùng kỳ, nhưng xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế. Hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.
Đáng chú ý, có một tín hiệu rất mừng là, sau những tháng đầu năm bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng 11/2020. Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam – điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả.
Ngoài ra, năm 2020, thế giới chứng kiến làn sóng FDI chuyển dịch sang Việt Nam. Các thống kê cho thấy, trong 67% doanh nghiệp có ý định dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, 42% muốn chuyển sang Việt Nam. Một số doanh nghiệp lớn đã hiện thực hóa mong muốn của mình. LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Apple sẽ sản xuất 3 – 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam. Panasonic hay Foxconn,… cũng đã lựa chọn Việt Nam làm điểm đến.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho rằng, các con số nêu trên cho thấy Việt Nam đã thực hiện tốt việc cải thiện môi trường đầu tư trong những năm qua, đồng thời đã và đang thực hiện có hiệu quả mục tiêp kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
“Hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay đến từ các yếu tố bên trong của nội tại của nền kinh tế và các tác động của yếu tố bên ngoài. Nói chung, Việt Nam có nhiều cơ hội để đón làn sóng chuyển dịch này do có nhiều lợi thế về môi trường đầu tư cũng như sự thành công trong việc kiểm soát dịch thời gian vừa qua”, chuyên gia nhấn mạnh.
Cần giải pháp đột phá
Sự gia tăng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau khi nước ta khống chế hiệu quả dịch COVID-19 cho thấy các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhìn thấy Việt Nam là địa điểm đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh vốn có. Động thái này đã và đang “tạo cảm hứng” cho dòng vốn FDI toàn cầu. Thế nhưng, cơ hội luôn đi cùng thách thức. Làm thế nào để duy trì được vị thế của mình, thậm chí còn tăng cường sức hấp dẫn với dòng vốn FDI là câu hỏi không dễ trả lời. Cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp đồng hành cùng nhau thì Việt Nam mới có thể trở thành điểm đến lý tưởng cho FDI.
Chi phí không chính thức chính là rào cản, là “nút thắt” cản trở rất nhiều đến dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI, mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.
TS. Nguyễn Đình Cung
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, để tận dụng được làn sóng đầu tư mới này, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, chủ động và nhất quán về chính sách thu hút đầu tư, đồng thời, chính các doanh nghiệp trong nước cũng phải chủ động hơn nữa. “Chỉ khi có những giải pháp đột phá, Việt Nam mới tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu”, ông Long nói.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, ngoài cải cách thể chế, xây dựng chính sách, còn cần gỡ bỏ rào cản. Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài “e ngại” các “rào cản” thủ tục hành chính quá rườm rà, phức tạp, thậm chí nạn vòi vĩnh, “tham nhũng vặt” của một số công chức trong bộ máy hành chính cả ở trung ương và địa phương. Do đó, cần nhanh chóng xóa bỏ vấn nạn “phong bì”, “hoa hồng”, “bôi trơn”…
“Chi phí không chính thức chính là rào cản, là “nút thắt” cản trở rất nhiều đến dòng vốn đầu tư không chỉ của các doanh nghiệp FDI, mà còn của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Điều này cần phải xóa bỏ triệt để và nhanh chóng. Có như vậy, Việt Nam mới tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu”, ông Cung nói.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Chính phủ Việt Nam đã sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư để có thể đẩy nhanh các quy trình, đơn giản hóa thủ tục và tạo hành lang thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam đầu tư và hợp tác kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Hoàng cho hay, để chuẩn bị đón làn sóng đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tiến hành rà soát quỹ đất khu công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chương trình hành động, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các dự án FDI lớn, đặc biệt là tháo gỡ các khó khăn và đẩy nhanh quy trình tạo hành lang thông thoáng, cải thiện môi trường kinh doanh.
Tuy nhiên, đây là những giải pháp chung nhất, còn trước mắt, trong năm 2021, cùng vượt COVID-19 mới là nút thắt quan trọng để thu hút dòng vốn FDI, bởi dịch bệnh là nguyên nhân chính khiến thế giới diễn ra làn sóng dịch chuyển FDI sang Việt Nam.
Hòa Bình