Để xây dựng bản đồ, cơ sở dữ liệu đám mây của Kaspersky Security Network (KSN) tổng hợp tất cả các dữ liệu được gửi tự động từ hàng nghìn thiết bị bảo vệ mà người dùng đồng ý chia sẻ thông tin.
Sau khi so sánh hành vi của tập tin trên nhiều máy tính khác nhau, hệ thống sẽ kiểm tra từ cơ sở dữ liệu của vô số các ứng dụng hợp pháp qua thuật toán loại trừ và thông báo có mối đe dọa độc hại hay không. Nếu có, mạng lưới sẽ tiếp cận các đối tượng này và ngăn chặn kịp thời cho tất cả người dùng, từ đó ngăn ngừa việc phát tán và lây lan mã độc.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu KSN đưa lên bản đồ thế giới về các mối đe dọa trong thời gian thực để người dùng có thể dễ dàng theo dõi tốc độ lây lan của chúng.
Người dùng có thể dùng chuột máy tính điều khiển xoay/phóng to quả địa cầu và bất cứ khu vực nào của thế giới trên bản đồ để có cái nhìn sâu hơn về các mối nguy cơ cho từng khu vực địa phương.
Ngoài ra, người dùng có thể xem mô tả của mỗi một mối đe dọa hoặc tắt màn hình hiển thị này. Bản đồ cũng có các tính năng chia sẻ với mạng xã hội, chuyển đổi màu nền, giao diện, ngôn ngữ và chế độ hiển thị (dạng phẳng 2D hoặc xoay). Đặc biệt, bản đồ có liên kết giúp người dùng kiểm tra xem máy tính của mình có bị nhiễm phần mềm độc hại hay không.
Ông Denis Zenkin, Trưởng phòng thông tin liên lạc doanh nghiệp của Kaspersky Lab cho biết, mỗi ngày Kaspersky Lab xử lý hơn 300.000 đối tượng nguy hiểm và họ nhận được nhiều câu hỏi như: Các cuộc tấn công đến từ đâu? Nơi nào người dùng thường nhấp vào liên kết độc hại nhất? Loại phần mềm độc hại nào phổ biến nhất?... Và, bản đồ tổng quan mối đe dọa sẽ trả lời hàng loạt câu hỏi trên./.