Rừng ngập mặn, rừng cong, rừng cây móng rồng nằm trong số những khu rừng độc đáo nhất trên thế giới.
Rừng tảo bẹ
Theo Mother Nature Network, rừng không chỉ tồn tại trên đất liền mà còn có thể mọc ở dưới nước. Một trong những ví dụ nổi bật nhất là những rừng tảo bẹ có thể tìm thấy ở khắp các đại dương trên thế giới. Những tán tảo biển mọc dày đặc này rất giàu chất dinh dưỡng, đóng vai trò cung cấp môi trường sống cho các động vật biển cũng như thực phẩm cho con người suốt nhiều thiên niên kỷ. (Ảnh: Ethan Daniels).
Rừng cây quiver
Tuy sa mạc dường như không phải nơi thích hợp để rừng phát triển, các nhà nghiên cứu vẫn tìm thấy những rừng cây quiver (một loài thuộc họ lô hội) trên sa mạc miền nam Namibia. Tên khoa học Aloe dichotoma của cây xuất phát từ những cành cây rỗng từng được thổ dân địa phương sử dụng làm ống đựng tên. Hiện nay, rừng cây thưa thớt này có khoảng 250 cá thể, đa số có tuổi thọ từ 200 đến 300 năm. (Ảnh: Matthieu Gallet).
Rừng ngập mặn
Bắt rễ bên dưới mặt nước như rong biển nhưng lại có thân mọc vươn dài lên không trung như những loài thực vật trên cạn, rừng ngập mặn được xem như những nàng tiên cá trong hệ sinh thái rừng. Rừng ngập mặn thường được tìm thấy dọc theo bờ biển của vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi cây rừng phát triển mạnh trong môi trường đặc thù là nước lợ nhờ khả năng lọc muối đặc biệt. Hệ thống rễ bám sâu dưới đất giúp chúng đứng vững trước sóng lớn từ đại dương. (Ảnh: Seaphotoart).
Rừng thông cổ thụ (Methusaleh)
Nằm trong Khu bảo tồn rừng quốc gia Inyo của bang California, Mỹ, rừng cây thông Pinus longaeva được đặt theo tên một trong những cá thể lâu đời nhất, Methusaleh, có tuổi thọ lên đến 4.847 năm. Loài cây này không chỉ có đặc trưng là tuổi thọ cao mà còn mang hình dáng xương xẩu. (Ảnh: Heather Lucia Snow).
Rừng chìm hồ Kaindy
Không giống nhiều khu rừng lạ thường khác, rừng chìm hồ Kaindy ở Kazakhstan không còn sinh trưởng. Khu rừng từng mọc trên cạn. Năm 1911, một trận động đất khiến những con dốc xung quanh sạt lở, tạo thành con đập lưu trữ nước mưa ngày nay. Giữa hồ nước dài 396 m, các loại cây từng mọc tại đây hoàn toàn bị nhấn chìm bởi mực nước dâng cao. Qua nhiều năm, các cây chết dần, chỉ còn lại những cọc gỗ. Dù vậy, tàn dư của hệ thực vật dày đặc vẫn tồn tại bên dưới hồ. (Ảnh: allenkayaa).
Nghĩa địa cây khô Deadvlei
Nghĩa địa cây khô Deadvlei tại Namibia từng là một lòng chảo đất sét sa mạc màu mỡ. Nhưng khoảng 900 năm trước, nó bắt đầu khô cạn dần sau khi bị những cồn cát xâm lấn cắt khỏi dòng chảy sông Tsauchab. Dù các cây sống trong đầm lầy đã chết, chúng vẫn chưa bị phân hủy trong suốt nhiều thế kỷ do môi trường quá khô hạn. Rừng cây khẳng khiu, khô đen chết từ 1.000 năm trước đối lập hoàn toàn với cồn cát màu cam và mặt đất phẳng màu trắng. Đây là một trong những cảnh quan siêu thực nhất ở châu Phi. (Ảnh: Oleg Znamenskiy).
Đại lộ cây baobab
Nằm gần bờ biển phía tây của Menabe, Madagascar, khu rừng baobab quý hiếm là một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất tại quốc đảo này. Cây baobab lâu đời nhất có tuổi thọ 800 năm, khi khu đất xung quanh vẫn còn là rừng nhiệt đới rậm rạp và tươi tốt. Giờ đây, sau nạn phá rừng và sự phát triển nông nghiệp thiếu kiểm soát kéo dài nhiều thập kỷ, những cây thân khổng lồ này giờ chỉ là những người lính gác cô độc trông ra đồng lúa và rừng mía ngày càng mở rộng. (Ảnh: Dudarev Mikhail).
Rừng cong
400 cây thông có gốc uốn cong được trồng vào khoảng năm 1930, ngay bên ngoài thị trấn Nowe Czarnowo ở phía tây Pomerania, Ba Lan. Nguyên nhân khiến chúng có hình dạng kỳ lạ như vậy chưa được làm rõ, dù có nhiều ý kiến cho rằng đây là kết quả can thiệp của con người. Ả(nh: seawhisper).
Rừng cây huyết rồng
Với tán lá hình ô, cành lá xương xẩu và nhựa màu đỏ, loài cây huyết rồng nổi tiếng của Yemen (Dracaena cinnabari) đang trở nên ngày càng dễ tổn thương khi đảo Socotra khô cằn dần do biến đổi khí hậu. Theo Globaltrees.org, dự đoán đến năm 2080, cây huyết rồng có thể mất đến 45% môi trường sống.
Cập nhật: 12/08/2016
Theo VnExpress