Khi ra mắt Mi 8, Xiaomi chính thức trở thành kẻ copy iPhone X một cách rõ rệt nhất. Không một đối thủ nào khác, kể cả Vivo hay OPPO, lại học hỏi cả mặt trước lẫn mặt sau của chiếc iPhone mới nhất một cách rõ rệt như vậy cả. Khi các hãng cùng ngồi 'chiếu dưới' chỉ học tai thỏ, Xiaomi học luôn cả mặt lưng.
Chỉ duy nhất phiên bản 'đặc biệt' của chiếc Mi 8 là có sự khác biệt. Mặt sau của Mi 8 Explorer Edition được làm từ nhựa trong suốt, khoe các 'linh kiện' như chip và RAM. Có thể nói, nỗ lực này rất đáng khen ngợi vì thiết kế sáng tạo và có cái 'chất' riêng.
Điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa Mi 8 EE và Mi 8 thường (vốn là bản sao iPhone X): mặt lưng trong để lộ 'bảng mạch'.
Vấn đề nằm ở chỗ mặt lưng này không khoe các linh kiện thật. Rất nhiều nguồn tin đã tiến hành mổ xẻ và phát hiện ra tất cả những gì Xiaomi nhét vào phía dưới lớp vỏ trong suốt chỉ là một bảng mạch vô dụng, không có điện chạy qua.
Tức là, tính năng 'đỉnh' nhất của Mi 8, thứ duy nhất có thể giúp cho chiếc smartphone này thoát khỏi cái bóng copy của Apple.... lại là một mô hình in không hơn không kém. Một khối nhựa/đồng tốn chỗ vô ích và có thể đánh đổi lấy không gian cho những tiện ích quen thuộc.
Ví dụ như jack tai nghe chẳng hạn.
Lập lòe với người mua
Xiaomi có đủ chỗ để 'nhét' bảng mạch vô dụng này vào Mi 8 EE, nhưng không có đủ chỗ cho jack tai nghe...
Nhưng chính cái cách Xiaomi 'khoe' loại linh kiện vô dụng này mới khiến người ta phải lắc đầu ngán ngẩm. Ban đầu, khi bị nhiều người lên tiếng nghi ngờ, nhà sản xuất Trung Quốc tuyên bố rằng bảng mạch sau lớp vỏ trong suốt là 'thật'. Tuyên bố 'có thể không phản ánh đúng linh kiện' bị chèn vào giữa một đoạn mô tả dài trên poster quảng bá.
Thậm chí, giám đốc marketing còn đăng đàn để khoe quá trình tạo bản mạch ở mặt lưng. 101 tụ điện, 32 điện trở, 6 IC chuyển mạch, 11 IC cảm biến và 7 IC là thông số của bản mạch này.
Nhưng không một lần Xiaomi nói rõ bản mạch này được dùng để làm gì cả. Cách hiểu của người dùng bị Xiaomi lèo lái theo hướng càng nhập nhằng càng tốt... Từ trước đến nay, đã có ai khoe linh kiện không 'thật' hay chưa?
Khi Xiaomi 'khoe' quá trình tạo bảng mạch (giả) sau lưng, hãng điện thoại Trung Quốc muốn người dùng lầm tưởng rằng bảng mạch này thực sự có ý nghĩa.
Khi Mi 8 EE lên kệ, phần vỏ được đưa ra mổ xẻ: những người có hiểu biết có thể nhận ngay ra rằng, bảng mạch này chẳng thể nào tương tác với các linh kiện khác của điện thoại, vốn là 'thật'.
Thế nào là 'thật'? 'Thật' tức là không phải in ra giấy và dán lên lưng điện thoại? Nếu hiểu từ 'thật' theo cách này, smartphone có cổng tai nghe nhưng không có tín hiệu chạy qua vẫn được coi là 'có cổng tai nghe'???
'Truyền thông nhập nhằng', sở trường của Xiaomi.
Phải chăng, nhập nhằng là để bảo vệ Xiaomi khỏi những sự thật bất lợi. Nếu người dùng phát hiện ra rằng ngay cả yếu tố duy nhất giúp phân biệt Mi 8 EE với Mi 8 thường ('bản sao iPhone X') lại là một khối nhựa vô dụng, doanh số EE chắc chắn sẽ giảm sút.
Cũng giống như khi IPO chỉ 1 tuần sau khi ra mắt Mi 8, Xiaomi tự xưng là công ty 'Internet' chứ không phải công ty điện thoại... Các nhà đầu tư nhìn thấu, và khoản tiền Xiaomi thu về chỉ bằng một nửa hy vọng ban đầu.
Xiaomi hoàn toàn có thể giải thích với người dùng đó là linh kiện giả và chúng ta có thể vẫn chấp nhận vì thiết kế này thực sự đẹp và đáng khen, nhưng tại sao họ lại chọn sự nhập nhằng? Rõ ràng là nhập nhằng không thể đem lại kết quả tốt. Vậy tại sao lại cứ nhập nhằng?