9. Tìm điểm tương đồng giữa bạn và người phỏng vấn
Như đã nói ở phần trước, trong não bộ của con người luôn tồn tại những neuron phản chiếu, khiến chúng ta vô thức “bắt tín hiệu” của người khác thông qua những hành động, cử chỉ tương đồng. Khi thấy mình “giống nhau”, chúng ta dễ “cảm mến nhau”, bởi đó là dấu hiệu của đồng loại, sự tương trợ, thấu hiểu và an toàn – những cảm nghiệm đã ăn sâu vào tiềm thức con người từ thời kỳ tiến hóa sơ khai.
' >Chia sẻ định hướng với doanh nghiệp, hoặc những trải nghiệm - thậm chí là sở thích, thói quen - với người phỏng vấn sẽ khiến bạn 'ghi điểm'. Ảnh minh họa (Internet).
Điều này cũng áp dụng cho những quan điểm, suy nghĩ, hướng tiếp cận vấn đề bộc lộ trong quá trình trao đổi, trả lời và đặt câu hỏi. Trong buổi phỏng vấn, hãy cho thấy bạn cùng chung mục tiêu với doanh nghiệp ra sao, với người phỏng vấn như thế nào (có thể bắt đầu với “em hoàn toàn đồng ý với anh/ chị” và nhắc lại điều họ nói khiến bạn “tâm đắc”). Tất nhiên, đừng “đóng kịch” hay làm quá, bởi với tư cách một chuyên viên tuyển dụng dạn dày, họ sẽ sớm nhận ra thôi! Thêm vào đó, một người liên tục đồng tình với ý kiến của người khác cũng có thể bị xem là thiếu tư duy phản biện hay lập trường cá nhân. Nên biết đâu là điểm dừng của các “chiến thuật tâm lý”.
10. Khen ngợi chân thành
Khen ngợi người khác thật không dễ dàng, một số người không biết phải nói như thế nào, còn một số lại khen “quá lố”. Khả năng nào cũng sẽ đem lại những kết quả không như mong muốn. Nên nhớ, con người là một sinh vật đầy mâu thuẫn: vừa muốn được ngợi ca, vừa sợ người ta không thật lòng.
Vậy nên, biết khen đúng nơi – đúng lúc – đúng chỗ là một nghệ thuật, và khen ngợi chân thành sẽ khác xa nịnh bợ lấy lòng. Chắc chắn khi ứng tuyển vào một công ty, bạn phải có một lý do rõ ràng nào đó: vì đó là công ty có uy tín, có nhiều dự án thú vị, danh mục đối tác “khủng”, văn hóa tuyệt vời, đội ngũ nhân viên trẻ trung, đãi ngộ tốt, đang có nhiều tiềm năng phát triển mới… Hãy biến những lý do của mình thành những lời khen vừa ý nhị, vừa thật tâm. Còn với người phỏng vấn, khen ngợi kinh nghiệm chuyên môn, những dự án thành công họ từng chỉ đạo không đơn giản làm họ “phổng mũi”, mà còn là tín hiệu ngầm cho thấy bạn nghiêm túc với công việc này và có óc quan sát, phân tích nhạy bén.
11. Thân thiện nhưng dứt khoát
Hãy mỉm cười, đồng thời vui vẻ chia sẻ những trải nghiệm và quan điểm làm việc của mình. Ảnh minh họa (Internet).
Vì sao những ứng viên quá lo lắng, hồi hộp lại dễ “tạch” phỏng vấn? Đôi khi, không phải vì họ không thể hiện đủ tốt, mà do lo lắng thái quá, họ trở nên kém thân thiện, thiếu quyết đoán – những tố chất quan trọng cho thấy ứng viên phù hợp với doanh nghiệp.
12. Vừa phải tự tin, vừa cần kính cẩn
Tự tin với những việc mình đã làm được và có thể làm được, song đừng bao giờ coi mình là số 1, là tốt nhất hay không thể vượt qua. Ranh giới giữa “tự tin” và “ngạo mạn” trong một cuộc phỏng vấn rất mong manh, nhất là khi những tính từ so sánh ở mức cao nhất và ngôn ngữ hình thể quá đà bị lạm dụng (thường là hiệu ứng xảy ra do chính sự căng thẳng, tâm lý tự ti bên trong).
Tự tin là tốt, song cũng đừng quên thể hiện sự tôn trọng đúng mực với người đang phỏng vấn bạn. Ảnh minh họa (Internet).
Nên nhớ, người ngồi đối diện bạn là một người từng trải và thậm chí rất giỏi trong chính lĩnh vực bạn hướng đến, vậy nên hãy khiêm tốn, thể hiện sự kính nể và tôn trọng đúng mực với họ. Biết đâu, họ sẽ chính là người thầy hay cộng sự tuyệt vời của bạn trong tương lai.
13. Thẳng thắn thừa nhận những yếu điểm
Con người không hoàn hảo, kể cả những người tử tế nhất, giỏi giang nhất. Che dấu khuyết điểm chỉ khiến nó càng dễ “lộ” hơn. Tốt nhất là phơi bày một số yếu điểm có-thể-khắc-phục-được và nhất là có khả năng là tạo điều kiện phát sinh các ưu điểm phù-hợp-với-mục-đích-công việc. Lấy một ví dụ như sau:
Bạn nói nhược điểm của mình là “Hay dậy muộn”. Đây là một điểm yếu “chết” bởi bạn nêu lên một thói quen xấu, mà thói quen thì thường khó bỏ, lại thêm việc bạn trình bày chung chung hoặc không trình bày cách thức giải quyết khiến nhà tuyển dụng “chán hẳn”. Họ đâu muốn tuyển một nhân viên có khả năng đi muộn suốt ngày, không hoàn thành đủ số đầu việc mà lại còn khiến cộng sự khó chịu, ghen tức.
' >Đừng sợ 'điểm yếu', bởi đó có thể là tiền đề để bạn bộc lộ thêm rất nhiều 'thế mạnh'. Ảnh minh họa (Internet).
Nhưng nếu bạn nói “Đôi khi tôi dậy muộn, bởi tôi hay thức khuya làm việc. Tôi nhận thấy mình làm việc rất hiệu quả vào buổi tối, ví dụ dự án ABC mà tôi nhắc đến lúc nãy là thành quả sau một đêm thức trắng phác thảo ý tưởng của tôi. Tuy nhiên, về lâu về dài điều này không tốt cho cả sức khỏe và công việc, vậy nên tôi đang tìm cách điều chỉnh bằng một chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh hơn.” Một thói quen xấu (dậy muộn) bắt nguồn từ ý thức tốt (thức khuya làm việc cho hiệu quả, dẫn chứng cụ thể) và có khả năng được khắc phục triệt để (bạn đang xây dựng chế độ sinh hoạt mới tốt hơn). Nhà tuyển dụng sẽ hài lòng với một nhân viên thành thực, siêng năng và lại còn có tinh thần sửa đổi, cầu thị như thế.
14. Nhấn mạnh vào cách bạn giải quyết vấn đề trong quá khứ
Những trải nghiệm trong quá khứ giúp định hình nhân cách và nhận thức trong con người bạn hôm nay. Cách bạn giải quyết các tình huống có thực cũng cho thấy kỹ năng xử lý và thậm chí tư cách đạo đức của bạn. Một vị trí kinh doanh đòi hỏi bạn là một người kiên trì, quyết liệt nhưng “chơi đẹp”, vậy nên chi tiết về việc bạn đã chốt hợp đồng với công ty X như thế nào chắc chắn được nhà tuyển dụng chăm chú lắng nghe. Hãy chọn một kinh nghiệm hay câu chuyện phù hợp để kể cho nhà tuyển dụng. Câu chuyện “đủ hay”, bạn có cơ chiến thắng!
15. Bạn “SẼ” làm được gì quan trọng hơn bạn “ĐÔ làm được gì
Lẽ dĩ nhiên, những điều bạn làm trong quá khứ rất quan trọng, và chính trải nghiệm là thứ nói lên con người bạn (#14). Tuy nhiên, nếu chỉ đắm chìm trong những thành công của ngày cũ dẫn tới tự mãn, chủ quan là điều rất không nên. Hãy nhớ, thái độ quyết định cuộc sống. Trong một buổi phỏng vấn xin việc, sự cầu thị, thái độ “ưa” học hỏi là điều thực sự khiến nhà tuyển dụng hứng thú.
' >Tự mình trả lời câu hỏi 'Mình sẽ làm được gì?' cũng là cách bạn củng cố sự tự tin và niềm tin nơi nhà tuyển dụng. Ảnh minh họa (Internet).
Hãy nói về những điều bạn muốn học, muốn làm và có thể làm tốt trong tương lai. Điều này lại càng hữu dụng với các bạn sinh viên mới ra trường, những người nhảy việc nhiều hoặc có các kinh nghiệm làm việc không liên quan tới vị trí ứng tuyển. Với những thứ ít ỏi có trong tay, hãy cố gắng nêu bật những tố chất, tiềm năng, kỹ năng mềm giúp bạn vươn lên trong một thử thách hoàn toàn mới mẻ. Nếu bạn dám đương đầu và sẵn sàng học hỏi, doanh nghiệp cũng sẽ chấp nhận “mạo hiểm” với bạn thôi!
Quỳnh Anh (Theo BI/ Thế Giới Trẻ)