Chính sách thuế cần đi trước để tạo khung pháp lý hoàn chỉnh cho người dân, doanh nghiệp
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý cần phản ứng nhạy bén hơn với các loại hình kinh doanh mới, dự báo là sẽ được du nhập liên tục vào VN.
Uber bắt đầu nộp thuế
Vào VN từ giữa năm 2014, Công ty Uber B.V Hà Lan (gọi tắt là Uber) đã và đang tạo ra một mô hình kinh doanh mới trong việc ứng dụng công nghệ cao khá ấn tượng. Tuy nhiên, do thiếu hành lang pháp lý, lại không có hướng dẫn cụ thể, nên trong suốt một thời gian cục thuế vẫn không thu được thuế của doanh nghiệp (DN) này theo mong muốn.
Cần phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành như Công thương, GTVT. Đặc biệt có ứng dụng công nghệ cao cần vai trò của Bộ KH-CN... Các bộ cùng ngồi lại để xây dựng, sửa đổi, ban hành khung chính sách cho DN hoạt động
Ông Nguyễn Đại Trí,
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
Vào giữa năm nay, Tổng cục Thuế đã ra văn bản hướng dẫn cụ thể nghĩa vụ thuế của công ty này. Theo đó, Uber phải chịu thuế nhà thầu với tỷ lệ trên doanh thu 20% (Uber ký kết với các đối tác, cá nhân cung cấp vận tải tại VN, và thu phí theo tỷ lệ 20 - 80%). Các sắc thuế này bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN. Tuy nhiên, do tiền cước của mỗi chuyến đi được chuyển 100% về tài khoản của Uber, nên việc cục thuế “bắt” tài xế phải kê khai, đóng thuế hộ cho Uber trở nên bất khả thi.
Bộ Tài chính đã phải tuyên bố hủy bỏ văn bản trên, đồng thời ban hành Công văn 11828 để hướng dẫn lại với hai nội dung cơ bản: Thứ nhất, Uber đóng thuế giá trị gia tăng 3% trên doanh thu được hưởng, tương tự đối với thuế thu nhập DN là 2%. Tổng cộng 2 sắc thuế, Uber nộp 5% trên 20% doanh thu mình được hưởng. Thứ hai, Uber hoặc đứng ra hoặc ủy quyền cho Uber VN kê khai, nộp thuế thay cho các tài xế.
Ngoài ra, đối với tổ chức kinh doanh vận tải có ký hợp đồng với Uber, phải có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập DN với phần doanh thu được hưởng theo hợp đồng. Cá nhân ký hợp đồng với Uber sẽ nộp thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu được hưởng, không bao gồm phần phí 20% phải trả Uber. Riêng với cá nhân, tỷ lệ nộp được quy định bao gồm 3% thuế giá trị gia tăng và 1,5% thuế thu nhập cá nhân tính trên doanh thu được hưởng.
Ông Damian Kassabgi - Giám đốc chính sách công, Uber châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Uber cam kết tuân thủ nghiêm túc quy định mới để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty này cũng kiến nghị: “Chúng tôi cam kết sẽ thực hiện đúng chỉ đạo Bộ Tài chính đã đưa ra trong Công văn 11828. Khi vấn đề về thuế đã được giải quyết, chúng tôi rất mong đợi sự công nhận chính thức từ Bộ GTVT về Uber cũng như những đóng góp tích cực của Uber tới ngành dịch vụ chia sẻ phương tiện tại VN”.
Chưa biết xếp Uber vào loại hình gì
DN đã có đề xuất, tuy nhiên theo nguồn tin của Thanh Niên, phía Bộ GTVT và các bộ, ngành có liên quan vẫn đang loay hoay, chưa thể ngồi lại với nhau để xác định xem Uber thuộc loại hình kinh doanh gì. Người thì cho rằng đó là kinh doanh vận tải, người khác nói dịch vụ kỹ thuật số, người thì lại khẳng định chia sẻ trực tuyến chuyến đi. Theo luật hiện hành, nếu Uber là loại hình kinh doanh ứng dụng công nghệ cao sẽ gần như không phải nộp thuế, còn nếu là loại hình kinh doanh vận tải thông thường thì lại không hoàn toàn đúng.
Ông Nguyễn Đại Trí, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thừa nhận với Thanh Niên rằng đó là một mô hình quá hiệu quả, được hàng chục quốc gia trên thế giới công nhận. Tương lai, chắc chắn không chỉ có taxi mà ngay cả xe khách, xe tải cũng sẽ áp dụng phương thức kinh doanh mới mẻ, hiện đại này để tiết giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận. “Chúng tôi nghĩ rằng với mỗi loại hình kinh doanh mới, cần phải có sự vào cuộc của các bộ, ngành như Công thương, GTVT. Đặc biệt có ứng dụng công nghệ cao cần vai trò của Bộ KH-CN... Các bộ cùng ngồi lại để xây dựng, sửa đổi, ban hành khung chính sách cho DN hoạt động”, ông Trí nói.
Nhìn từ góc độ của người làm chính sách, theo chuyên gia kinh tế PGS-TS Ngô Trí Long, cơ quan quản lý thuế đã đánh mất đi quyền được đánh thuế trong thời gian dài, một nguồn thu đáng kể cho ngân sách khi quá chậm chạp, bị động và có thể là thiếu cả chuyên môn, nghiệp vụ để theo kịp hình thức kinh doanh mới mẻ. Trường hợp này cũng tương tự như hai “ông lớn” khác trong ngành công nghệ là Facebook và Google, khi mới bắt đầu có mặt tại VN.
Tiêu Phong