Chuyện thâu tóm trên thương trường đã và đang diễn ra hết sức thường lệ, giữa các công ty công nghệ, với số tiền hàng trăm triệu đô la Mỹ. Nhưng đó chưa phải là tin 'hot' nhất, khiến giới chuyên môn và mọi người quan tâm. Số tiền đưa ra ít nhất phải thuộc hàng tỷ USD mới được xem là 'chấn động'.
Dĩ nhiên, khi số tiền thâu tóm chạm ngưỡng hàng tỷ USD, thì cũng đủ biết sức ảnh hưởng của công ty (bị mua) đó với làng công nghệ như thế nào rồi. Một ví dụ điển hình và gần đây nhất, Microsoft mua lại LinkedIn với giá 26,2 tỷ USD, nhưng liệu 'gã khổng lồ' phần mềm sẽ thu được quả ngọt gì từ thương vụ này?
Xem thêm: Vì sao Microsoft thờ ơ WinPhone mà lại chi 26.2 tỉ USD mua LinkedIn?
Từ sự việc trên, mình xin tổng hợp lại 5 thương vụ thâu tóm lớn nhất làng di động trong những năm gần đây cho các bạn chưa biết nắm rõ, còn các bạn khác có thể đưa ra nhận xét sâu sắc về những sự kiện này bên dưới phần bình luận.
5. Oracle mua lại Sun: 7,4 tỷ USD
Sun Microsystems, thành lập năm 1983, là một công ty sản xuất phần mềm, bóng bán dẫn và máy tính có trụ sở tại Silicon Valley. Ngày 27/1/2010, Sun bị hãng Oracle Corporation mua với giá 7,4 tỷ USD, theo một thỏa ước ký ngày 20/4/2009. Một tháng sau đó, Sun được nhập với Oracle USA để trở thành Oracle America, Inc.
Các sản phẩm của Sun bao gồm máy tính, các máy chủ và máy trạm chạy trên bộ xử lý SPARC, các hệ điều hành SunOS và Solaris, hệ thống file mạng NFS (network file system), nền tảng Java, và (cùng với AT&T) chuẩn hóa Hệ thống Unix V bản 4. Một số sản phẩm kém thành công hơn có thể kể đến hệ thống cửa sổ NeWS và giao diện đồ họa người sử dụng OpenLook.
Nếu Google thua kiện trước Oracle, mã nguồn Android có thể phải viết lại hoàn toàn
Sau khi thâu tóm Sun, cũng là lúc Oracle khơi màu cuộc chiến pháp lý với Google. Oracle tố Google vi phạm bản quyền công nghệ của mình, cụ thể là 11.500 dòng lệnh trong 37 gói API jаvascript thuộc sở hữu của Sun, mà họ dùng để xây dựng API trong Android của Google khi hệ điều hành này được phát triển năm 2007.
Cuộc chiến pháp lý kéo dài nhiều năm trời. Tuy nhiên, tòa án đã mủi lòng với Google đến hai lần, nhưng Oracle không cam tâm và quyết kháng cáo giành thắng lợi cho bằng được. Ngày 26/5/2016, luật sư Dorian Daley của Oracle nói công ty này sẽ tiếp tục theo đuổi tới cùng vụ kiện.
4. Microsoft mua lại bộ phận Thiết bị và Dịch vụ của Nokia: 7,8 tỷ USD
Tối ngày 25/4/2014 theo giờ Việt Nam, Microsoft đã chính thức phát đi thông báo về việc Tập đoàn này đã hoàn tất mọi thủ tục mua lại Bộ phận Thiết bị và Dịch vụ của hãng điện thoại di động Nokia. Lực lượng nhân sự của Nokia đang hoạt động tại 50 quốc gia trên toàn thế giới sẽ về tay Microsoft. Ngoài ra còn có một số nhà máy với bộ phận thiết kế, phát triển sản xuất, tiếp thị và kinh doanh các thiết bị thông minh, điện thoại phổ thông và dịch vụ.
Vào thời điểm đó, Stephen Elop, Cựu chủ tịch và Giám đốc điều hành Nokia được giữ chức Phó Chủ tịch điều hành của Nhóm thiết bị Microsoft
Phần còn lại của Nokia đang có kế hoạch gia nhập thị trường điện thoại thông minh trong tương lai gần với dòng smartphone chạy nền tảng Android.
3. Google mua lại Motorola Mobility: 12,5 tỷ USD
Theo giới phân tích, Google đã bỏ ra 12,5 tỷ USD để mua lại Motorola nhằm thu nạp 17.000 bằng sáng chế của hãng này để tự bảo vệ mình trong cuộc chiến bản quyền với các đối thủ, như Apple và Microsoft.
Nhưng rồi thì sao? Vào năm 2014, Google đã đưa ra quyết định khiến giới công nghệ vô cùng bất ngờ, khi bán lại Motorola cho Lenovo với giá chỉ 2,91 tỷ USD mà thôi, bao gồm cả tiền mặt lẫn cổ phiếu. Đây được xem là mức giá không thể rẻ hơn khi mà Google phải chi đến 12,5 tỷ USD để chiếm hữu Motorola hồi năm 2011.
Sau tất cả, Motorola Mobility lại về tay của Lenovo
2. Facebook mua lại WhatsApp: 19 tỷ USD
Cũng giống như Instagram mà Facebook mua lại hồi năm 2012 với giá 1 tỷ USD, WhatsApp sẽ tiếp tục hoạt động độc lập. Được biết, theo bản hợp đồng, ngoài 16 tỷ USD cổ phiếu và tiền mặt, Facebook còn trả thêm 3 tỷ USD cổ phiếu hạn chế (RSUs - restricted stock units) cho các nhà sáng lập và nhân viên của WhatsApp.
WhatsApp - ứng dụng nhắn tin đa nền tảng chính thức thuộc về Facebook vào năm 2014
1. Avago mua lại Broadcom: 37 tỷ USD
Avago đã bỏ ra số tiền lên đến 37 tỷ USD (có cả tiền mặt lẫn cổ phiếu) để mua lại Broadcom - một công ty khá nổi tiếng trên thị trường di động. Hãng này sản xuất rất nhiều chip xử lý khác nhau cho Wifi và GNSS. Broadcom cũng sản xuất các con chip sử dụng trong các thiết bị mạng của các trung tâm dữ liệu.
Giới phân tích cho rằng, việc Avago thâu tóm Broadcom nhằm mục đích kết hợp danh mục sản phẩm của hai công ty lại với nhau để cạnh tranh với Intel và Qualcomm trong lĩnh vực mạng dây và không dây.
Thời gian - và những con số - sẽ nói lên tất cả về sự kết hợp này
Riêng bạn, nghĩ sao về 5 thương vụ thâu tóm trong làng công nghệ di động kể trên?
Xem thêm:
- 2015: Năm của những thương vụ và sự bành trướng từ các ông lớn!
- Alibaba thâu tóm Lazada, gã khổng lồ Trung Quốc bước vào Việt Nam
- Liệu Trung Quốc sẽ thâu tóm cả làng game mobile thế giới?