Bạn có thể nói chuyện mặt đối mặt bình thường, nhưng khi qua điện thoại lại thấy rất ghét và lo sợ. Nếu là vậy thì có lẽ bạn đang mắc chứng sợ nghe điện thoại, bạn có thể tham khảo qua các đặc điểm bên dưới để biết mình có đang mắc hội chứng tâm lý này không.
Nghe có vẻ lạ, nhưng khá nhiều người trên thế giới đang mắc chứng sợ nghe điện thoại. Khi chiếc điện thoại của bạn bất ngờ đổ chuông và cảm giác đầu tiên của bạn không phải là thích thú vì sắp được nói chuyện mà thay vào đó bạn lại thấy lo sợ. Không phải là bạn ghét người đang gọi điện cho mình, cũng không phải bạn có vấn đề với cách ăn nói, chỉ là bạn không thích việc phải nói chuyện với ai đó qua điện thoại.
1. Khi điện thoại reo, bạn luôn để nó tự kết thúc
Dù cho ai gọi cũng vậy, bạn luôn cảm thấy hoảng loạn và tự nghĩ: “Có ai đang gọi kìa! Mình có nên trả lời không. Nhưng mình không muốn! Mình chắc đang bận rồi! Thôi cứ để nó đổ chuông vậy…”
Và cuối cùng bạn thấy thật thoải mái khi điện thoại không còn đổ chuông nữa, và lại thấy sợ khi biết rằng mình phải gọi lại cho người kia vào một lúc nào đó.
2. Bạn luôn chờ một lúc rồi mới gọi lại
Nếu bạn cần phải gọi lại cho người khác vì không thể nhắn tin được thì bạn luôn chờ một lúc rồi mới gọi. Bạn ghét cái cảm giác phải nhấn số, chờ người đó nghe máy rồi nói chuyện qua điện thoại. Bạn sẵn sàng chờ hơn 1 tiếng để gọi lại một cuộc gọi nhỡ, nhưng không phải bạn muốn, mà là buộc phải gọi lại.
3. Bạn luôn dùng một lý do để chống chế cho việc không nghe máy
Có lẽ bạn luôn sẵn sàng một lý do nào đó để trả lời khi bị hỏi về việc không nghe điện thoại, đó có thể là “điện thoại đang sạc trong phòng”, hay “tôi không cầm điện thoại theo”. Nhưng thật chất lúc đó bạn đang lướt web với chiếc smartphone trên tay.
4. Bạn luôn để máy ở chế độ im lặng
Nút mute trên iPhone
Bạn để điện thoại im lặng không hẳn là vì tránh làm phiền những người xung quanh mà là để hạn chế phải nghe điện thoại. Khi để ở chế độ này thì bạn không chỉ có thể “làm ngơ” cuộc gọi đến vì bạn không biết, mà còn tránh việc để cho người khác biết là mình đang 'né' nghe điện thoại.
5. Danh sách cuộc gọi nhỡ của bạn dài hơn cuộc gọi đã nhận
Khi đối với những người khác thì danh sách cuộc gọi đã nhận của họ rất dài, thì ngược lại với bạn danh sách cuộc gọi nhỡ mới dài nhất. Trên thực tế, có thể bạn còn tự xóa những cuộc gọi đã nhận để cảm thấy thoải mái hơn.
6. Bạn bè thường xuyên phàn nàn về việc bạn không nghe điện thoại
Bạn bè có thường phàn nàn bạn về vấn đề này không? Bạn xin lỗi và đưa ra lý do nào đó nhưng tận sâu bên trong thì bạn vẫn cảm thấy xấu hổ vì đã cố ý không nghe điện thoại của họ. Nhưng bạn cũng không thật sự quan tâm, bị nói một chút về việc hiếm khi nghe máy với bạn còn tốt hơn là phải nói chuyện qua điện thoại nhiều.
7. Danh bạ là người bạn tốt
Sàng lọc danh bạ sẽ giúp bạn biết được người đang gọi điện có quan trong hay không. Điều này không phải là để bạn chọn có nghe máy hay không, mà là để bạn nhắn tin lại cho họ với một lý do nào đó.
8. Bạn luôn ưu tiên nhắn tin hơn là gọi điện
Nếu bạn đang mắc chứng sợ nghe điện thoại thì bạn sẽ luôn ưu tiên cho tin nhắn. Nếu được thì bạn luôn chọn gửi tin thay vì gọi điện, bạn thấy như vậy sẽ dễ chịu hơn nhiều. Ngay cả khi với những cuộc gọi nhỡ thì bạn vẫn ưu tiên nhắn tin lại cho họ và đưa ra lý do nào đó, chứ không hề muốn gọi lại.
Thế nào? Sau khi đọc qua hết thì bạn có phải là một trong rất nhiều người đang mắc chứng sợ nghe điện thoại không?