Điều này lý giải vì sao chúng ta không thể nhận ra mình đang ở trong một giấc mơ, và đôi khi, chúng ta nhầm lẫn những chuyện kỳ quái đã xảy ra trong mơ với những chuyện thực tại.
Tuy nhiên, một số người được gọi là 'lucid dreamers' (những kẻ mộng mơ sáng suốt) lại có thể nhận thức được trong giấc mơ của mình, bằng cách “tái thức tỉnh” một số khía cạnh trong ý thức ở trạng thái tỉnh táo của họ. Họ thậm chí còn có thể kiểm soát và hành động theo mong muốn của mình trong thế giới giấc mơ.
Cho đến nay, Lucid Dream (giấc mơ sáng suốt) vẫn là một đề tài chưa thể nghiên cứu kỹ lưỡng, tuy nhiên những tiến bộ về khoa học và kỹ thuật trong khoảng thời gian trở lại đây cho thấy đó là một trạng thái lai giữa ý thức khi tỉnh táo và giấc ngủ. Lucid Dream là một trong rất nhiều trải nghiệm bất thường có thể xảy ra khi chúng ta ngủ. Sleep paralysis hay bóng đè là hiện tượng xảy ra khi bạn cố gắng thức dậy trong trạng thái sợ hãi và bị tê liệt, lúc bấy giờ, bạn vẫn còn trong trạng thái ngủ. Ngoài ra, còn có một hiện tượng khác gọi là 'false awakenings” (thức giả), xảy ra khi bạn tin rằng mình đã thức dậy và sinh hoạt bình thường, chẳng hạn như vào nhà vệ sinh và “xả nước” nhưng trên thực tế, bạn vẫn còn đang mơ.
Lucid Dream và những hiện tượng kỳ lạ này được cho là phản ánh sự gia tăng trong nhận thức chủ quan của chúng ta khi chúng ta đang trong trạng thái ngủ. Để tìm hiểu thêm nhiều thông tin về ý thức và quá trình chuyển đổi giữa các giai đoạn trong lúc ngủ, các nhà khoa học đã thực hiện một cuộc khảo sát trên quy mô lớn về những trải nghiệm khi ngủ để phân tích mối liên hệ giữa các giai đoạn khác nhau của ý thức hỗn hợp.
Lucid Dream và não bộ
Khoảng 1/2 dân số trên thế giới được cho là trải qua ít nhất một lần hiện tượng Lucid Dream trong đời. Đó rõ ràng là một trải nghiệm đáng mong đợi bởi lúc bấy giờ, bạn có thể tìm đến và ôm hôn thắm thiết người tình trong mộng của mình, hoặc quyết đấu với một tướng quân thời trung cổ chẳng hạn. Một số bằng chứng từng cho thấy con người có thể chủ động tạo ra giấc mơ sáng suốt, thậm chí một lượng lớn các cộng đồng online cũng được lập ra để chia sẻ những bí quyết và thủ thuật để bạn có thể trở nên sáng suốt hơn trong những giấc mơ của mình.
Trong một nghiên cứu, các tình nguyện viên - những người từng trải qua Lucid Dream cho biết họ có thể kiểm soát tốt hơn suy nghĩ và hành động của mình trong những giấc mơ, có khả năng suy nghĩ một cách logic, và thậm chí còn có thể tiếp cận với những ký ức tốt hơn so với lúc tỉnh táo. Ở một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã tập trung vào khả năng đưa ra quyết định khi tỉnh táo, cũng như trong giấc mơ sáng suốt và không sáng suốt. Họ phát hiện có sự chồng chéo khá lớn giữa khả năng tự chủ khi tỉnh táo và lúc trong giấc mơ sáng suốt. Tuy nhiên, khả năng lên kế hoạch được cho là tệ hơn đáng kể trong lúc Lucid Dream so với khi chúng ta thức.
Ảnh: Youtube
Giấc mơ sáng suốt và không sáng suốt chắc chắn là những trải nghiệm chủ quan, và 2 hiện tượng này có thể đều liên quan đến các dạng hoạt động não khác nhau. Tuy nhiên, không dễ để có thể khẳng định điều này. Trong nghiên cứu trên, các tình nguyện viên đã được quét não trong suốt đêm, và các nhà nghiên cứu khi đó phải giải mã được lúc nào một giấc mơ sáng suốt đang diễn ra, để có thể so sánh hoạt động não giữa giấc mơ sáng suốt và không sáng suốt. Quá trình thực hiện nghiên cứu đã cho ra đời một mã truyền tín hiệu giữa những người trải qua Lucid Dream và các nhà nghiên cứu, thông qua giai đoạn Chuyển động mắt nhanh (giấc ngủ REM), thường diễn ra khi mơ.
Trước khi bắt đầu đi vào giấc ngủ, người tham gia và các nhà nghiên cứu quy ước với nhau về một chuyển động mắt cụ thể (ví dụ như hai di chuyển sang trái, sau đó sang phải) , để báo hiệu rằng họ đang trong trạng thái Lucid Dream. Bằng cách sử dụng phương pháp này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự chuyển đổi từ giấc ngủ REM không sáng suốt đến sáng suốt gắn liền với một hoạt động mạnh hơn hơn ngay vùng phía trước của não bộ. Đáng chú ý, các khu vực này có liên quan đến chức năng nhận thức 'bậc cao' như suy luận logic và hành vi tự chủ, thường chỉ vận động khi tỉnh táo.
Một số hình thức quan sát hoạt động não khác, chẳng hạn như hoạt động của sóng não gamma, cũng được biết đến là cung cấp cho các nhà khoa học các khía cạnh khác nhau về trải nghiệm của chúng ta, trong đó bao gồm khả năng nhận thức, cảm xúc, suy nghĩ và những ký ức. Một nghiên cứu khác cũng từng cho thấy kích thích điện ở các khu vực này sẽ làm gia tăng mức độ sáng suốt khi chúng ta mơ. Trong một nghiên cứu về Lucid Dream, các nhà khoa học đến từ Viện Tâm thần học Max Planck ở Munich, Đức nhận thấy não của những người trải qua giấc mơ sáng suốt sẽ hoạt động mạnh mẽ ở các vùng như vỏ não trước trán hay tiểu thùy tứ giác (precuneus). Những vùng nào này đều có liên quan đến khả năng nhận thức như tự tham chiếu và các giác quan - một lần nữa ủng hộ quan điểm cho rằng giấc mơ sáng suốt là một trạng thái lai của ý thức.
Giải quyết vấn đề ý thức
Làm thế nào để ý thức hình thành trong não bộ là một trong những câu hỏi hóc búa nhất trong khoa học thần kinh. Tuy nhiên, giấc mơ sáng suốt được cho là có thể mở ra một con đường mới để các nhà nghiên cứu có thể đi tìm lời đáp cho vấn đề này. Điều này là do giấc ngủ REM không sáng suốt và sáng suốt là 2 giai đoạn mà khả năng ý thức của chúng ta khác nhau một cách rõ rệt, nhưng trạng thái của não về tổng thể lúc bấy giờ vẫn giữ nguyên.
Bằng cách so sánh sự khác biệt cụ thể đối với hoạt động não ở một giấc mơ sáng suốt và không sáng suốt, sau đó, chúng ta có thể biết được những yếu tố với khả năng tạo điều kiện để thúc đẩy sự nhận thức trong giấc mơ sáng suốt. Hơn nữa, sử dụng tín hiệu mắt như một dấu hiệu khi ai đó đang trải qua giấc mơ sáng suốt có thể sẽ là tiền đề cho việc tiến hành các nghiên cứu về hoạt động thần kinh khác, nhằm hiểu rõ hơn không chỉ về ý thức mà còn tìm ra cội nguồn của nó.
Theo: Business Insider