Theo Iflscience, video ghi lại buổi phỏng vấn của CCTV2 với Tiến sĩ Chen Yue, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc về động cơ EmDrive, và các kỹ sư khác tại Học viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc.
Mặc dù hầu hết các tính năng kỹ thuật động cơ không được thảo luận trong video, nó có nhiều chi tiết cho thấy sự tiến bộ của Trung Quốc về loại công nghệ này.
EmDrive là công nghệ động cơ được đưa ra bởi nhà khoa học người Anh, Roger Shawyer vào năm 1999. Ông đã dành nhiều năm để thực hiện nghiên cứu mặc dù phần lớn các ý kiến đều cho rằng đây là điều điên rồ không tưởng và vi phạm nhiều định luật cốt lõi của vật lý.
EmDrive được phát triển dựa trên thuyết tương đối hẹp, cho rằng có thể chuyển hóa năng lượng điện thành lực đẩy mà không cần đốt nhiên liệu để tạo ra phản lực như các động cơ chúng ta vẫn biết.
Các tàu vũ trụ hiện nay bị giới hạn phạm vi và tốc độ do phụ thuộc vào nhiên liệu mang theo (Ảnh: NASA)
Giới phê bình cho rằng theo định luật bảo toàn động lượng, một vật muốn tiến về phía trước thì phải có một lực khác cùng phương nhưng ngược chiều đẩy ra phía sau, vì vậy, EmDrive là không khả thi.
Tuy nhiên, EmDrive không vi phạm định luật bảo tồn động lượng và năng lượng. Nó có cấu tạo và hoạt động khá đơn giản: chuyển dòng điện thành vi sóng bên trong một khoang khép kín, khi đó chúng sẽ tự va chạm, sinh ra lực đẩy giúp thiết bị tăng tốc tiến về phía trước.
Thậm chí Shawyer còn chứng minh rằng nếu bạn có một con tàu vũ trụ 100 kg, lực đẩy sẽ được tạo thành theo chiều kim đồng hồ và con tàu sẽ di chuyển theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.
EmDrive được kỳ vọng giúp di chuyển từ Trái Đất lên Mặt Trăng chỉ trong 4 giờ (Ảnh minh họa)
Phần lớn chi phí thăm dò vũ trụ và vệ tinh hiện nay nằm ở quá trình phóng. Do đó, về mặt lý thuyết, nếu phát triển thành công, EmDrive sẽ thay thế hoàn toàn bộ mặt ngành hàng không vũ trụ.
Phương pháp đẩy này có tiềm năng làm giảm các chi phí đầu vào, nâng trọng tải và kéo dài tuổi thọ vệ tinh. Nó cũng mở ra khả năng của các chuyến đi đến sao Hỏa chỉ trong 70 ngày. Tuy nhiên, đây là những lời hứa rất lớn và nhiều nhà phê bình vẫn bác bỏ EmDrive là thứ rác rưởi và không tưởng.
Tuy nhiên, năm 2015, các kỹ sư của NASA từng đăng tải một báo cáo cho biết đã đạt được những thành công đầu tiên. Đó là một bước tiến lớn trong sự phát triển của giả thuyết và nay chúng ta biết rằng Trung Quốc không đứng ngoài cuộc chơi, và rất có thể họ đang dẫn đầu.
Động cơ đẩy EmDrive của NASA (Ảnh: NASA)
Vào tháng 12 năm 2016, cơ quan không gian Trung Quốc tuyên bố họ đã thử nghiệm một động cơ EmDrive trong không gian trên trạm vũ trụ Thiên Cung-2.
Một số thông tin về thử nghiệm này xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông phương Tây. Tuy nhiên giống như EmDrive nói chung, nhiều người hoài nghi về những tuyên bố của Trung Quốc về tiến bộ của họ về loại công nghệ đầy tranh cãi này.
Hoài Anh