Trái đất luôn khiến chúng ta phải cảm thấy ngạc nhiên. Mỗi góc của hành tinh này đều chứa đựng nét đặc sắc riêng và những bí ẩn kì lạ.
Hãy cùng khám phá 10 nơi tuyệt vời như thế.
Thác Máu, Nam Cực
Đúng như tên gọi Thác Máu (Blood Fall), giữa nền tuyết và băng trắng xóa của Nam Cực, thác nước này đổ ra một dòng nước đỏ chói như máu. Màu sắc gây sốc của nó quả thật rất đáng sợ, nhưng tất nhiên, đây không phải là máu thật. Loại chất lỏng chảy ra từ Thác Máu thực chất là một loại nước giàu chất sắt, có nồng độ muối cao, rỉ ra từ một hồ muối bên dưới dòng sông băng.
Đồi Nam châm, Moncton, New Brunswick
Điều gì có thể khiến một chiếc ô tô chạy ngược lên dốc mà không nổ máy? Một lực từ tính nào đó từ bên trong lòng Trái đất chăng? Điều đó xem chừng không đơn giản như vậy? Kể từ những năm 1930, khi hiện tượng đồi nam châm được phát hiện rất nhiều khách du lịch và các nhà khoa học đã đổ về đây tham quan, nghiên cứu nhưng vẫn chưa có một lời giải nào có vẻ hợp lý cho bí ẩn này.
Đảo Surtsey, Iceland
Núi lửa ở Iceland. Islande-1965 (Gerard Gery/Paris Match thông qua Getty Images)
Nằm ở vùng biển phía Nam của Iceland, đảo núi lửa Surtsey được giới khoa học coi là một trong những hòn đảo độc đáo nhất thế giới.
Nó được tạo thành trong một vụ phun trào núi lửa năm 1963. Điểm phun trào nằm trên bề mặt đáy biển ở độ sâu khoảng 40 mét dưới mực nước biển. Vụ phun trào kéo dài đến tận ngày 5/6/1967 mới chấm dứt và tạo ra một hòn đảo với kích thước lên tới 2,7 km2. Trong các thập niên sau đó, hàng chục loài thực vật cùng chim chóc và các loài động vật lớn đã về cư ngụ trên đảo tạo ra một hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Năm 2008, UNESCO công nhận hòn đảo núi lửa Surtsey là di sản thiên nhiên thế giới vì những giá trị vô giá của nó về nghiên cứu khoa học.
Bãi đá Moeraki, New Zealand
Bãi đá này chứa những tảng đá hình cầu lớn. Có tảng tròn trĩnh, trơn láng, lại có tảng xù xì mai rùa giống như các công trình đang tạo tác dở dang. Lại có tảng bị nứt ra như bị đập thành nhiều mảnh hoặc có những vết nứt lớn. Còn có người cho rằng chúng là trứng khủng long, hay quả của những loài cây khổng lồ nào đó từ thời tiền sử. Thậm chí có người nêu giả thiết, chúng là những dị vật mà người ngoài hành tinh mang đến từ khi Trái đất mới hình thành. Và cho đến nay, cách thức chúng được tạo ra vẫn là một ẩn đố.
Longyearbyen, Na Uy
Longyearbyen là điểm định cư lớn nhất và là trung tâm hành chính của đảo Svalbard – một quần đảo thuộc Na Uy nằm ở phía bắc của đảo Greenland, Bắc Cực. Tại đây, từ 20/4 đến 23/8 hàng năm, mặt trời không bao giờ lặn gây ra những ảnh hưởng đáng kể tới đồng hồ sinh học của cư dân. Nếu sống ở đây, “hiện tại đang là giữa trưa hay nửa đêm?” sẽ là câu hỏi thường xuyên làm khó bạn.
Lâu đài Pamukkale, Thổ Nhĩ Kỳ
Pamukkale nằm tại thành phố Denizli, Tây Nam của Thổ Nhĩ Kỳ, cách Istanbul khoảng 650km. Nơi đây, giữa một vùng đất toàn rừng cây, đồi núi khô cằn sỏi đá là một vùng đồi trắng xóa mà nếu không lại gần, người ta sẽ ngỡ rằng đó là núi tuyết. Trên thực tế vùng đồi cao sừng sững ấy là sự tích tụ calcium carbonate từ 17 suối nước nóng qua hàng ngàn năm, tạo nên một vùng núi đá vôi đẹp tựa như một lâu đài trong cổ tích. Theo các nhà sử học, từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên, khi nhận ra công dụng của các dòng suối khoáng, người Roma đã tiến hành xây dựng thành phố ngay trên đỉnh đồi Pamukkale mang tên Hierapolis. Thời điểm đó người dân Roma thường đến đây để nghỉ dưỡng, xoa dịu những phiền não và đau đớn. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, hầu như Hierapolis chỉ còn lại những tàn tích bị vùi lấp trong cát bụi thời gian.
Racetrack Playa, thung lũng Chết, California
Làm thế nào những hòn đá bình thường có thể dịch chuyển những đoạn đường dài trên bề mặt của Racetrack Playa trong Vườn quốc gia Thung lũng Chết là một bí ẩn kể từ năm 1915, khi một người thăm dò mỏ và vợ ông nhận thấy các dấu vết chỉ ra rằng những viên đá đã bằng cách nào đó đã di chuyển theo những con đường riêng của mình. Một số quẹo, một số di chuyển theo đường thẳng, trong khi số khác theo đường e-lip hay lượn sóng, nhưng không một ai có thể nhìn thấy đá di chuyển như thế nào, cũng không ai biết được tốc độ đi chuyển của chúng ra sao. Một số hòn đá nặng khoảng 45 kg đã di chuyển xa đến 457 m trong thời gian từ 2 đến 5 năm. Giả thuyết đáng tin cậy nhất cho hiện tượng này liên quan đến việc vào mùa đông, băng hình thành xung quanh các tảng đá, khiến chúng có thể di chuyển và để lại một dấu vết trên bề mặt đã đi qua. Mặc dù vậy, nhiều du khách vẫn hy vọng vào một lời giải thích tốt hơn.
Ngọn lửa vĩnh cửu, công viên Chestnut Ridge, New York
Đằng sau một thác nước nhỏ trong công viên Chestnut Ridge, New York, bạn có thể thấy một ngọn lửa vàng luôn rực cháy. Trên thực tế, bạn sẽ ngửi thấy nó trước khi bạn nhìn thấy nó. Các nhà địa chất học cho rằng nó được tạo nên bởi khí đốt tự nhiên từ trong lòng trái đất. Một đứt gãy địa chất trong đá phiến cho phép khoảng 1 kg khí mê tan thoát ra mỗi ngày. Có thể là vào đầu thế kỷ 20, một du khách đã nảy ra ý tưởng đốt cháy dòng khí để tạo ra một ngọn lửa vĩnh cửu. Nước từ thác đôi khi cũng dập tắt ngọn lửa, nhưng luôn có một người leo núi với một cái bật lửa tiếp cận và giúp nó cháy sáng trở lại.
Mạch nước phun Faithful, công viên quốc gia Yellowstone, Hoa Kỳ
Công viên quốc gia Yellowstone là nơi có nhiều các mạch nước phun hơn bất kỳ nơi trên trái đất.Hơn 300 mạch nước có thể được tìm thấy trên khắp công viên, nổi tiếng nhất trong số đó là mạch phun Old Faithful trong bồn địa Norris Geyser. Chính Old Faithful là lý do khiến Yellowstone được công nhận là công viên quốc gia đầu tiên của Mỹ vào năm 1872.
Mạch nước này phun sau mỗi 55-120 phút và kéo dài trong 2-5 phút. Các vụ phun trào ngoạn mục này đã giúp thu hút hơn 3,5 triệu khách tham quan Yellowstone mỗi năm.
Relampago del Catatumbo, Ologa, Venezuela
Đến Relampago del Catatumbo bạn sẽ ngỡ rằng mình đang lạc vào xứ sở của thần Thor. Nhờ độ ẩm không khí, độ cao và sự đụng độ của những cơn gió từ núi và biển, góc Tây Nam của hồ Maracaibo ở Venezuela có tần suất cao nhất thế giới về hoạt động sét (khoảng 250 tia sét trên mỗi kilômét vuông một năm).
Hơn 200 đêm mỗi năm, với đỉnh điểm là vào tháng Năm và tháng Mười, các tia sét phủ kín bầu trời Relampago del Catatumbo với bình quân 25 tia mỗi phút. Nơi đây là một thách thức với việc nghiên cứu và dự báo của Trung tâm khí tượng quốc gia Venezuela. Mặc dù có vẻ khá nguy hiểm như vậy, đã từ lâu, nơi đây đã trở thành một điểm nhấn cho du khách khắp nơi đổ về cắm trại và chiêm ngưỡng màn trình diễn ánh sáng của thần Thor mỗi khi màn đêm buông xuống.
Theo Sunnyskyz
Tôn Kiên