Từ lâu đã có nhiều giả thuyết cho rằng Christopher Columbus không phải là người nước ngoài đầu tiên đặt chân lên Châu Mỹ khi ông đến đó vào năm 1492, theo Ancient Origins.
Một số giả thuyết đã được đưa ra, trong đó tuyên bố rằng người Viking ở Bắc Âu, người Trung Quốc, người Hy Lạp và người Italia đều đã đến Tân Thế giới trước Columbus. Hiện bằng chứng mới xuất hiện cho thấy người Ai Cập cổ đại đã đến Châu Mỹ từ giai đoạn 1.000 năm TCN, kèm theo một lý do đáng kinh ngạc
Nhà khoa học người Đức TS Svetla Balabanova khi đang nghiên cứu xác ướp của Quý bà Henut Taui, một thành viên của giai cấp thống trị, đã có một khám phá đáng kinh ngạc – xác ướp chứa dấu vết của nicotin (trong thuốc lá) và cocain (trong thuốc phiện).
Cảm thấy khó tin trước phát hiện này, nhiều giả thuyết thay thế đã được đưa ra, ví như kết quả phân tích bị sai lệch hoặc xác ướp là giả mạo. Nhưng các giả thuyết này đã bị bác bỏ sau đó và kết quả phân tích ban đầu được xác thực.
Một xác ướp Ai Cập.
Kết quả này đặc biệt đáng kinh ngạc bởi lẽ thuốc lá và cây coca (cocain được chiết xuất từ lá cây này), vốn chỉ có ở Châu Mỹ vào thời điểm đó, không được xuất khẩu ra bên ngoài mãi cho đến thời nữ hoàng Victoria vào thế kỷ 19. Phải chăng người Ai Cập cổ đại đã cập bến Châu Mỹ vào 3.000 năm trước để thu thập những loài cây này?
Một số phát hiện khảo cổ đã chứng tỏ người Ai Cập là bậc thầy chinh phục đại dương. Vào khoảng năm 1477 TCN, Hoàng hậu Hatshephut đã tài trợ một chuyến hành trình vượt biển bí ẩn đến Vùng đất Punt, vốn được miêu tả trên bức tranh chạm nổi tại Deir el-Bahri (tại thành phố Luxor ngày nay).
Bức tranh miêu tả năm chiếc thuyền, mỗi chiếc dài khoảng 21 m, mang theo 210 người và được chất đầy vàng, cây cối cùng các loài động vật ngoại lai vốn chỉ được tìm thấy dọc bờ biển Châu Phi và bán đảo Ả Rập. Điều này cho thấy người Ai Cập có thể thực hiện các chuyến hành trình vượt đại dương trên phạm vi tương đối lớn.
Bức chạm nổi tại Deir el-Bahri miêu tả hành trình vượt biển của người Ai Cập đến Vùng đất Punt.
Sau đó, vào năm 2011, một loạt các khám phá ấn tượng tại vùng ven bờ Biển Đỏ đã một lần nữa chứng tỏ khả năng đi biển của người Ai Cập xưa. Các nhà khảo cổ học khai quật một vũng nước biển cạn khô ven bờ, gọi là Mersa Gawasis, đã tìm thấy các dấu tích của một bến cảng cổ đại từng là nơi ra khơi của nhiều tàu bè.
Bên trong một loạt các hang động nhân tạo người ta đã tìm thấy gỗ, hệ thống dây buộc cột buồm, trục buồm và cánh buồm, mỏ neo bằng đá vôi, mái chèo, thảm bằng sậy, tấm ván gỗ cây tuyết tùng, và xác những con tàu vượt biển cổ nhất từng được phát hiện, cung cấp bằng chứng thép về hoạt động đi biển của người Ai Cập xưa.
Bằng chứng bổ sung về việc người Ai Cập từng đến Châu Mỹ đến từ một khám phá thú vị nhưng chưa được xác nhận tại khu vực Marble ở Vườn quốc gia Grand Canyon, Mỹ. Theo tờ Arizona Gazette, số ra ngày 5/4/1909, hai nhà thám hiểm được tài trợ bởi Viện nghiên cứu Smithsonian đã tìm thấy nhiều hiện vật Ai Cập bao gồm phiến đá khắc chữ tượng hình bên trong hang động.
Một khám phá như vậy rõ ràng cung cấp những bằng chứng tin cậy về việc người Ai Cập đã từng đến Châu Mỹ. Và điều này đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ phải nhìn nhận lại các tài liệu lịch sử và thay đổi các truyền thống lâu đời như Ngày lễ kỷ niệm Columbus tìm ra Châu Mỹ.
Quý Khải (theo Ancient Origins)