Nghiên cứu này giúp các nhà khoa học hiểu thêm về cách sống sót của các loài trong môi trường khắc nghiệt.
Theo Engadget, các nhà khoa học Nga tuyên bố đã hồi sinh một cặp giun tròn bị đông lạnh từ 30.000 đến 42.000 năm tuổi. Mẫu vật đầu tiên được cho là đã tồn tại cách đây 32.000 năm được tìm thấy trong một hang động gần công viên Pleistocene. Mẫu còn lại có niên đại khoảng 47.000 năm được tìm thấy ở độ sâu hơn 3 mét dưới lớp băng vĩnh cửu gần sông Alazeya.
Các mẫu được lưu trữ trong phòng thí nghiệm ở khoảng -20 độ C. Từng con giun sau đó sẽ được đưa lên mức 20 độ và được bao quanh bởi thức ăn. Sau vài tuần, những con giun này bắt đầu cho thấy dấu hiệu của sự sống, chúng di chuyển và ăn thức ăn. Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Doklady Biological Sciences. Họ nói: 'Các dữ liệu của chúng tôi cho thấy khả năng sinh vật đa bào tồn tại lâu dài (hàng chục nghìn năm) trong điều kiện bảo toàn tự nhiên'.
Tuy đã có nhiều nghiên cứu cho thấy một số loài giun tròn có thể sống trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt - chẳng hạn như đóng băng trong 25,5 năm hay bị sấy khô trong 39 năm - nghiên cứu mới này là lần đầu tiên chúng ta được thấy khả năng sinh tồn tuyệt vời của chúng.
Giblin-Davis, giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Fort Lauderdale thuộc Đại học Florida nói: 'Về mặt lý thuyết, nếu những sinh vật được bảo vệ trước những yếu tố có thể làm tổn hại đến sự toàn vẹn cấu trúc của chúng trong thời gian đông lạnh, chúng có thể hồi sinh khi băng tan sau một khoảng thời gian rất dài. Vấn đề lớn nhất là khả năng gây ô nhiễm giữa những mẫu vật cổ đại với các sinh vật hiện đại'.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ duy trì các điều kiện vô trùng thích hợp trong quá trình thu thập và vận chuyển mẫu. Việc rã đông không tiến hành ở độ sâu nơi mẫu giun được tìm thấy. Nếu phát hiện này là chính xác, chúng có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu được một số loài sống sót như thế nào trong điều kiện khắc nghiệt và cách loài giun tròn này tiến hóa theo thời gian.
Bạch Đằng