Điều những người lớn tuổi đến sàn khiêu vũ tìm kiếm không phải là chuyện tình yêu nam nữ mà là niềm vui tinh thần. Tuy nhiên đâu đó người ta vẫn gặp những 'mối tình đắng' sau ánh đèn mờ ảo và tiếng nhạc dập dìu.
Khiêu vũ cổ điển - niềm vui sống tuổi xế chiều
Lâu nay khiêu vũ cổ điển đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều người trong lứa tuổi xế chiều.
Dạo qua các khu vực như công viên Thống Nhất, tượng đài Lý Thái Tổ, công viên Lê Nin (Hà Nội) vào sáng sớm đều dễ dàng bắt gặp những cặp đôi lớn tuổi đang dập dìu khiêu vũ.
Bà Nguyễn Kim Anh (60 tuổi - Hoàn Kiếm, Hà Nội) thường ra khu nhà Kèn sau tượng đài Lý Thái Tổ tập luyện với bạn vào các ngày trong tuần.
Chỉ cần sắm một chiếc đài chạy bằng pin, tìm địa điểm rộng rãi là những người như bà Kim Anh có thể thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Bà Kim Anh cho hay, khi nhạc cất lên, bà cảm giác mình đang đắm chìm trong một thế giới khác và quên đi thực tại. Nhờ khiêu vũ, sức khỏe bà thay đổi rõ rệt, tay chân dẻo dai, tinh thần minh mẫn hơn trước.
Khiêu vũ dưỡng sinh là bộ môn phù hợp với đối tượng người cao tuổi.
Ông Vũ Thế Sơn (65 tuổi - Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội), sinh hoạt ở câu lạc bộ khiêu vũ Hà Đông, chia sẻ: “Tôi thích nhảy nhưng không thích lên sàn. Ở đó ngột ngạt, đông người, bí bách.
Tôi với mấy người bạn, chẳng cần cầu kỳ quần là áo lượt hay chuốt keo bóng nhoáng, sáng nào cũng ra công viên khiêu vũ”.
Theo ông Sơn, khiêu vũ rất phù hợp với người cao tuổi. Các bước nhảy giúp họ tiêu tan muộn phiền trong cuộc sống, đôi khi là liệu pháp tinh thần đưa họ vượt qua cả những cú sốc lớn trong đời.
Dù nắng hay mưa, công viên Lê Nin luôn có đông người cao tuổi đến khiêu vũ.
Như trường hợp ông Dương Văn Quang (58 tuổi - quận Đống Đa, Hà Nội). Ông là giám đốc một công ty vận tải. Hai vợ chồng sinh được mỗi cô con gái, hiện lấy chồng và sống ở nước ngoài.
Chỉ còn 2 năm nữa là ông về hưu, vợ chồng sẽ sang nước ngoài đoàn tụ với con gái. Vậy mà bà đột ngột qua đời sau cơn tai biến. Ông buồn bã suốt thời gian dài. Cả ngày ông quanh quẩn ở nhà ôn lại kỷ niệm cũ. Thấy ông lủi thủi một mình, người bạn rủ lên sàn nhảy để vơi bớt nỗi buồn.
Cả một đời làm lãnh đạo, thét ra lửa trước hàng trăm con người nhưng khi tập nhảy, chân tay ông trở nên vụng về, lúng túng. Giáo viên dạy nhảy liên tục bị ông dẫm vào chân.
Thế rồi, ông cũng quen dần với nhịp điệu nhảy. Hễ lên sàn là ông mạnh dạn, tự tin mời mọi người khiêu vũ. Ông Quang bắt đầu thấy phấn chấn, yêu đời trở lại. Nỗi muộn phiền cũng dần nguôi ngoai.
Những cuộc tình chóng vánh
Ông Quang cũng như nhiều người cao tuổi say mê khiêu vũ tôi có dịp trò chuyện, đều có chung quan điểm coi đây là bộ môn thể thao, rèn luyện sức khỏe.
Thứ họ tìm kiếm không phải là chuyện tình yêu nam nữ mà là niềm vui sống tuổi già. Tuy nhiên đâu đó người ta vẫn gặp những 'mối tình đắng' bên sàn khiêu vũ.
Chương, 40 tuổi, người thường xuyên đến sàn nhảy Thành Công (Ba đình, Hà Nội) bật mí cho tôi về những mảng tối ở sàn nhảy. Anh cho hay, đối tượng đến nhảy nhiều nhất có lẽ là lứa tuổi từ 50 đến 70 tuổi.
Có cặp đôi lớn tuổi, cô đơn, sau thời gian cùng khiêu vũ, họ phải lòng nhau rồi nên duyện vợ chồng.
Có cặp đôi lớn tuổi, phải lòng nhau rồi nên duyên vợ chồng. Có những người gia đình đang yên ấm nhưng vẫn hẹn hò chớp nhoáng với bạn nhảy.
Một số ít lại có sở thích là tìm 'đào, kép' (đào: nữ; kép: nam) trẻ tuổi. Anh Chương dẫn tôi ra bàn của bà Mỹ Nga (53 tuổi) - kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn giới thiệu.
Bà Nga tâm sự, mình mới đi nhảy hai năm nay. Gia đình bà trên phố cổ cũng thuộc hàng giàu có. Nhưng bà lấy chồng mấy chục năm chẳng có con. Chồng bà vẫn yêu thương vợ, chẳng trách móc nửa lời.
Thấy chồng như vậy, bà cảm động lắm, tận tụy cùng chồng gây dựng chuỗi nhà hàng, khách sạn. Bà cho rằng chồng sẽ trân trọng mình. Nhưng sau khi thành công, ông lại có tình cảm với cô gái là nhân viên quán bia.
Người tình báo tin có thai, chồng bà quyết tâm bỏ đi, mang theo số tiền lớn đoàn tụ với tình nhân. Bà chán nản, tìm đến sàn khiêu vũ giải khuây.
Từ người phụ nữ thô kệch, chỉ sau vài tháng lên sàn, bà Nga lột xác một cách ngoạn mục. Tại đây bà qua lại tìm hiểu với vài người. Có khi bà hẹn hò với 2, 3 người một lúc.
Người tình trẻ chỉ chồng/vợ với bà vài buổi là moi được chiếc xe máy nhưng tìm được đối tượng chịu chi hơn là anh ta nói lời tạm biệt.
Người tình già khó tính, bắt bà cung phụng tiền bạc nhưng cấm bà nhảy với ai khác ngoài mình. Bị gò ép, bà chán nên chia tay.
Ông Chương tiết lộ thêm, ở sàn, những người phụ nữ như bà Nga khá nhiều. Họ thừa tiền nhưng chỉ thiếu tình yêu.
Nhiều mối tình đắng chát diễn ra phía sau ánh đèn mờ ảo và tiếng nhạc dập dìu.
Chỉ vào nam thanh niên tóc xoăn đang nhảy cuồng nhiệt ngoài sàn, anh Chương kể, người này tên Hiếu, làm vũ công tự do.
Hiếu có sở thích thay người tình như thay áo. Với anh ta, nhan sắc có thể tàn phai, tiền mới quan trọng nhất. Bởi thế, đối tượng Hiếu tán tỉnh không phải những cô gái trẻ mà là phụ nữ trung tuổi giàu có.
Bằng nghệ thuật “cưa cẩm” tài tình, chỉ sau vài điệu nhảy mùi mẫn, tình cảm là Hiếu biết được người đó ở đâu, có tài sản hay không và anh ta bắt đầu chiến dịch 'đào mỏ' của mình.
'Những câu chuyện kể trên tôi gặp được trên sàn khiêu vũ, dù nó vẫn diễn ra nhưng nó chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong vô vàn chuyện thường nhật ở cuộc sống. Thực tế, không thể phủ nhận, khiêu vũ cổ điển đã và đang mang lại niềm vui sống cho nhiều người ở lứa tuổi xế chiều', ông Chương nói.
Nguồn: Nhật Linh/vietnamnet.vn