Các nghiên cứu sau đó cũng xác nhận rằng tần suất xuất hiện và mức độ mãnh liệt của các cảm xúc như vui, buồn, lo âu hay tức giận dường như không mấy cải thiện hay vượt quá một điểm nhất định khi bạn trở nên giàu có.
Điều này có liên quan đến một hiện tượng được gọi là Sự thích nghi với niềm khoái lạc. Hiện tượng này mô tả một xu hướng chung của con người chính là thích nghi với tình hình mới để duy trì trạng thái cân bằng của cảm xúc, hay nói cách khác, làm cho cảm xúc trở nên ổn định trong bất kỳ tình huống nào. Nói về cảm giác hạnh phúc, hầu hết mỗi người đều đặt riêng cho mình một mức độ cơ bản nào đó của sự hạnh phúc, và định mức này thường không thay đổi theo thời gian.
Tất nhiên, sự mới lạ của sơn hào hải vị, kỳ nghỉ cao cấp, siêu xe hay những ngôi biệt thự xa hoa ban đầu sẽ giúp cho bạn cảm thấy như mình đang lơ lửng trên chín tầng mây, nhưng một khi đã quen với những thứ ấy, cảm xúc của bạn lại quay về với trạng thái mặc định ban đầu. Nghe có vẻ khá ảm đạm nhưng thích nghi với niềm khoái lạc sẽ giúp cho chúng ta ít nhạy cảm hơn về mặt cảm xúc đối với bất kỳ sự thay đổi nào, bao gồm cả những thay đổi theo chiều hướng tiêu cực.
Ở nghiên cứu nói trên, ngoài việc thực hiện dựa vào các cuộc khảo sát với những người trúng số, các nhà nghiên cứu bên cạnh đó cũng phân tích tâm lý của những người bị liệt sau khi trải qua tai nạn. Khi được hỏi họ cảm thấy như thế nào vài tháng sau khi sự việc không may xảy ra, gần như tất cả đều cho rằng mức độ hạnh phúc của họ đang tiệm cận mức cơ bản ban đầu. Vì vậy, ngoài việc ức chế sự khoái lạc của chúng ta đối với những thảy đổi tích cực, hiện tượng thích nghi với niềm khoái lạc còn có thể trở thành công cụ cho phép chúng ta khôi phục tâm trạng của mình sau nghịch cảnh.
Có một vài lý do khác khiến cho niềm vui trúng số của chúng ta không thể kéo dài, chẳng hạn như: bạn gặp khó khăn để quản lý một số tiền quá lớn, một số người trúng số bắt đầu chi tiêu hoang phí để rồi tiền bay đi một cách nhanh chóng.
Hoặc cũng có thể người trúng số bắt đầu trở nên cô lập với xã hội. Khi ai đó trúng số, gần như chắc chắn sẽ có rất nhiều người đến nhận bà con, kèm theo đó là những lời ngon ngọt hay kể khổ để kiếm chút đỉnh. Những yêu cầu không được chào đó này sẽ khiến cho người trúng số tìm cách biệt lập khỏi những người khác.
Ngoài ra, trúng số cũng có thể làm cho bạn trở nên “khó ưa” hơn. Trong một nghiên cứu, các tình nguyện viên được mời tham gia chơi Cờ tỷ phú, nhưng trò chơi không diễn ra theo cách thông thường, đó là một bàn cờ vốn đã được định đoạt bởi các nhà nghiên cứu. Nói cách khác, một trong số những người chơi sẽ được chọn ngẫu nhiên để nhanh chóng trở nên giàu có bằng cách tạo cho họ nhiều lợi thế hơn.
Sau một hiệp, những người chơi giàu hơn nhanh chóng nhận ra có một số thứ đã được sắp đặt, họ được nhận nhiều tiền hơn so với người kia, nhưng khi trò chơi diễn ra, thái độ giữa hai người chơi vẫn có sự khác biệt rất rõ. Người giàu hơn bắt đầu tỏ thái độ trịch thượng so với người chơi nghèo, họ di chuyển các quân cờ một cách mạnh bạo nhằm thể hiện uy quyền, đồng thời họ cũng ăn nhiều hơn những cái bánh quy lẽ ra phải được chia cho đối thủ.
Mặc dù việc có một đống tiền khổng lồ từ trên trời rơi xuống có thể không mang đến cho cuộc sống của bạn niềm vui, nhưng điều đó không có nghĩa là tiền không thể làm bạn hạnh phúc hơn. Kết quả của các nghiên cứu từng cho thấy con người rất dễ thích nghi với các tác động vật chất bên ngoài, chẳng hạn như một chiếc xe mới hay một ngôi nhà to hơn.
Sự thích ứng này diễn ra với tốc độ nhanh hơn nhiều so với khi chúng ta có một trải nghiệm mới, chẳng hạn như đến tham quan tại một địa điểm hoặc học một kỹ năng mới. Từ đây, chúng ta có thể lập luận rằng nếu bạn càng chi nhiều tiền cho những trải nghiệm thay vì vật chất, bạn sẽ hạnh phúc nhiều hơn.
Có một cách khác để chuyển tiền mà bạn có được thành niềm vui, đó chính là gửi nó cho người khác. Trong một nghiên cứu, người tham gia được đưa cho một số tiền và được yêu cầu hãy chi tiêu số tiền đó cho mục đích cá nhân hoặc cũng có thể cho người khác. Tối hôm đó, các nhà nghiên cứu gọi cho những tình nguyện viên và hỏi xem họ đang cảm thấy như thế nào. Kết quả là mức độ hạnh phúc của những người chi tiền cho người khác cao hơn đáng kể so với nhóm dùng tiền để chi tiêu cho mục đích cá nhân.
Và điều này dường như vẫn đúng ở khắp nơi trên thế giới. Liên quan đến vấn đề này, trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra mức độ hào phóng của hơn 200.000 người đến từ 136 quốc gia khác nhau. Sau cùng, nhóm chuyên gia nhận thấy trong số hơn 90% người đến từ các quốc gia này, những người thường mang vật chất đến cho người khác sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn so với những người không làm điều đó.
Tuy nhiên, những điều vừa nêu ra nói thì dễ hơn bắt tay vào làm. Thử đặt trường hợp 1 triệu đô la Mỹ rơi vào tài khoản của bạn vào ngày mai, bạn sẽ làm gì với nó?