Báo cáo miêu tả chi tiết tình trạng của một người đàn ông 34 tuổi tại Anh, sức khỏe bình thường. Nhưng ngay sau khi cố gắng ngăn cơn hắt hơi bằng cách bịt cả mũi lẫn miệng, ông bỗng cảm thấy cảm giác cực kỳ đau đớn trong họng. Khi được đưa tới phòng cấp cứu, bệnh nhân đã mất khả năng nói và gần như không thể nuốt. Khi chẩn đoán sơ bộ, các bác sĩ còn nghe được cả âm thanh răng rắc chạy từ cổ tới lồng ngực của bệnh nhân này.
Kết quả chẩn đoán hình ảnh sau đó cho thấy lực tạo ra từ cú hắt hơi bên trong đã vô tình chọc thủng cổ họng, cụ thể là gây tổn thương nghiêm trọng phần họng sau miệng và mũi, trước thực quản và thanh quản. Cảm giác răng rắc, bụp bụp được y học gọi là crepitus, gây ra bởi các bóng khí xâm nhập vào và cọ xát lên những mô mềm trong cổ và phần không gian giữa phổi. Tình trạng này khiến bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng cổ và lồng ngực cực cao, khiến các bác sĩ tại bệnh viện phải đặt ống dẫn thức ăn và liên tục dùng kháng sinh.
May mắn thay là bệnh nhân này đã được chữa trị kịp thời và đang hồi phục. Tới ngày thứ 7, họng cơ bản đã lành đủ để tháo ống dẫn thức ăn, không lâu sau đó thì được xuất viện nhưng với cảnh báo rằng tuyệt đối đừng bao giờ “ém” hắt hơi bất cứ lần nào nữa. Tuy nhiên, không chỉ có kìm nén hắt hơi mà tình huống tương tự cũng có thể xảy ra khi cố kìm nén cơn ho, nôn ói hoặc bất cứ hành động nào có khả năng tạo nên áp lực đột ngột trong lòng mạch.
Mặt khác, việc kìm nén cơn hắt hơi không chỉ gây tổn thương đến họng và ngực mà còn có thể khiến màn nhĩ bị rách và thậm chí là vỡ mạch máu não, thường được biết tới với tên gọi phình mạch và tất nhiên là tỷ lệ tử vong cực cao. Dù vậy, các bác sĩ cho biết tình huống lần này là khá hiếm nên cũng đừng quá lo lắng, tuy nhiên, để an toàn nhất có thể thì hãy để sự hắt hơi, cơn ho,… diễn ra một cách tự nhiên và có kiểm soát bằng những yếu tố khác, thí dụ như một mảnh khăn giấy hoặc chiếc khăn mù xoa che hờ mũi miệng chẳng hạn.
Tham khảo BMJ