Quỷ Quyệt: Chìa Khoá Quỷ Dữ, tên tiếng Anh là Insidious: The Last Key, là phần 4 trong loạt phim kinh dị được rất nhiều người yêu thích Insidious (Quỷ Quyệt). Sử dụng tình cảm gia đình làm động lực, bối cảnh phim vẽ nên một thế giới nơi con người phải chống lại những linh hồn độc ác trong bóng tối để bảo vệ người thân. Điểm nhấn của Quỷ Quyệt chính là cách hù doạ đầy tinh tế, đánh vào tâm lý để khơi nên nỗi sợ hãi sâu thẳm trong tâm hồn người xem. Đó chính là cách mà phim tạo sự khác biệt so với những thể loại phim kinh dị Mỹ truyền thống, chủ yếu sử dụng những hình ảnh ghê rợn hoặc bạo lực để gây sợ hãi cho khán giả. Ít nhất thì đó là lý do mà 2 phần đầu tiên do James Wan đạo diễn đã chiếm được trái tim của khán giả.
Không biết bạn thế nào nhưng chỉ cần nhìn vào poster phim là mình đã cảm thấy kinh hãi. Hãi không phải vì hình ảnh con ma với những ngón tay chìa khoá ghê rợn, mình xem phim kinh dị đủ nhiều để miễn nhiễm phần nào với ngoại hình của mấy em quỷ này, mà là hãi ở 3 nhà sản xuất của phim. Quỷ Quyệt: Chìa Khoá Quỷ Dữ được quảng bá bằng cách sử dụng tên tuổi của 3 nhà sản xuất của Light Out (James Wan), Paranormal Activity (Oren Peil) và Get Out (Jason Blum). Đây là những bộ phim kinh dị rất hay, nhưng phong cách của chúng chả có ăn nhập gì với nhau cả. Còn anh đạo diễn Adam Robitel thì bảng lý lịch gần như chẳng có phim nào ra hồn. Nhưng dĩ nhiên, chúng ta cũng không nên đánh giá một bộ phim thông qua tên diễn viên và đạo diễn, vì... ừ thì cứ cho là ai cũng nên có cơ hội được thể hiện.
Phim lấy bối cảnh sau phần 3 nhưng vẫn là tiền truyện của Quỷ Quyệt 1 và 2. Theo chân nhà ngoại cảm Elise, khán giả sẽ bước vào cuộc phiêu lưu về quá khứ để khám phá nỗi ám ảnh khủng khiếp mà bà phải chịu đựng từ thời thơ ấu. Và khi quá khứ bắt kịp thực tại, đó là lúc mà Elise phải đối mặt với linh hồn độc ác đã huỷ hoại gia đình của mình.
Quỷ Quyệt 1 và 2 được đạo diễn bởi James Wan không hẳn là xuất sắc, nhưng phim có rất nhiều ý tưởng hay mà sau đó trở thành tiền đề giúp tạo ra loạt phim The Conjuring (Ám Ảnh Kinh Hoàng) cực kỳ xuất sắc. Tuy nhiên sau khi James Wan lui về hậu trường với vai trò nhà sản xuất, Quỷ Quyệt đã trở thành nạn nhân của Hollywood và truyền thống vắt sữa không thương tiếc. Quỷ Quyệt: Chìa Khoá Quỷ Dữ là phần mới nhất, cũng là phần cạn kiệt ý tưởng nhất, đồng thời cũng là phần bị xâu xé tàn bạo nhất. Điểm đáng sợ nhất không phải là những gì bạn thấy trên màn hình, mà là ý nghĩ vì sao mà ê-kíp làm phim sẵn sàng bán đi linh hồn để vắt kiệt một loạt phim được rất nhiều người yêu thích.
Công bằng mà nói thì mình đã sai hoàn toàn khi lo ngại 3 nhà sản xuất, mỗi người có phong cách riêng, sẽ chi phối và làm hỏng cả bộ phim. Bởi lẽ thực chất ngoài một vài cảnh quay theo góc độ máy quay cầm tay na ná Paranormal Activity thì Quỷ Quyệt: Chìa Khoá Quỷ Dữ là một bộ phim kinh dị chẳng có môt chút bản sắc nào cả. Kịch bản tổng thể của phim không đến nỗi tệ nếu không muốn nói là đầy tiềm năng. Mạch phim cũng được sắp xếp tương đối hợp lý, có thắt có mở, có khởi đầu cũng có kết thúc. Đáng buồn là mỗi tình tiết, mỗi nhân vật trong phim đều được xây dựng quá hời hợt. Tuy không nhất thiết phải xem những phần trước, nhưng có lẽ phải dõi từ những chương đầu tiên thì bạn mới hiểu được vì sao nhà ngoại cảm Elise lại 'xứng đáng' có một bộ phim cho riêng mình. Còn không thì tất cả những gì mà chúng ta thấy là một bà lão dở người chuyện nhà chưa xong đi lo chuyện thiên hạ.
Thủ pháp hù doạ của Quỷ Quyệt: Chìa Khoá Quỷ Dữ rơi vào vết xe đổ của những bộ phim kinh dị kinh loại B. Thay vì giúp khán giả thấu hiểu, đứng ở góc độ của nhân vật để cảm nhận được sự sợ hãi vốn đã trở thành thương hiệu của Quỷ Quyệt và Ám Ảnh Kinh Hoàng; phim gần như phụ thuộc hoàn toàn vào những pha hù doạ dựa vào sự bất ngờ. Chẳng hạn như trong trailer có một đoạn Elise mò mẫm trong bóng tối, bất ngờ một con ma bay ra khiến mọi người hết cả hồn. Nói sợ thì cũng đúng, nhưng kiểu hù doạ này nó thô thiển và thiếu tinh tế. So về đẳng cấp thì Quỷ Quyệt: Chìa Khoá Quỷ Dữ giống như một đứa bạn tinh nghịch thích hù cho người ta giật mình, trong khi các phần do James Wan đạo diễn thì như nghe Nguyễn Ngọc Ngạn kể chuyện ma vậy. Dĩ nhiên là bạn vẫn sẽ sợ, mình cũng giật bắn mình khá nhiều lần. Nhưng mọi thứ kết thúc chóng vánh mà chẳng đọng lại được chút cảm xúc nào cả, mà một bộ phim không đọng lại cảm xúc thì đó là vấn đề không hề nhỏ.
Còn nhớ phần 1 tuy chỉ là phim kinh phí thấp nhưng dàn diễn viên góp mặt không có tiếng thì cũng có miếng với Patrick Wilson (Josh Lambert) và Rose Byrne (Renai Lambert). Trừ Lin Shaye, dàn diễn viên của Quỷ Quyệt: Chìa Khoá Quỷ Dữ có thể nói là mặt mũi sáng láng nhưng đóng chán thôi rồi. Trong phim nhân vật Tucker (Angus Sampson) có câu đùa có thể dịch ra đại loại là thế này: 'Bà ấy là nhà tâm linh (ám chỉ Elise) còn tụi tui là âm binh (ý nói 2 nhân vật trợ lý Specs và Tucker)'. Không biết vô tình hay có ý, nhưng quả thật nó thể hiện chính xác những gì diễn ra trong phim. Chỉ có Elise là đáng để xem, tất cả còn lại đều là... à mà thôi.
Nhà ngoại cảm Elise do diễn viên kỳ cựu Lin Shaye thủ vai là ngôi sao sáng nhất phim. Khuôn mặt già nua ở tuổi xế chiều luôn phản phát nỗi giằn xé của quá khứ của bà vẫn tiếp tục khiến khán giả phải 'mềm lòng', nhưng quả thật quá khó để cứu được một kịch bản quá thảm hại. Quỷ Quyệt từng rất thành công trong việc xây dựng nhân vật, lấy tình cảm gia đình để tạo ra động lực cho nhân vật. Chính vì vậy mà dưới danh nghĩa của cảm xúc làm mở lý trí, chẳng hạn như sự yêu thương của vợ chồng nhà Lambert đối với con trong phần 1 và 2, người xem dễ dàng bỏ qua những hành động 'ngốc nghếch' của các nhân vật. Elise trong Quỷ Quyệt: Chìa Khoá Quỷ Dữ thì không được may mắn như vậy, thay vì cảm thông thì mình có cảm giác 'ngu mà lỳ thì cuộc đời bất hạnh chứ đâu có gì là bất công'.
Một trong những đặc điểm của phim kinh dị rẻ tiền là sử dụng 'bình hoa di động' để câu khách, và Quỷ Quyệt: Chìa Khoá Quỷ Dữ cũng không ngoại lệ. 2 nhân vật nữ mới là Imogen Rainier (Caitlin Gerard) và Melissa Rainier (Spencer Locke) được đưa vào chủ yếu là để giúp khán giả chào cờ, không hơn không kém. Cảnh hồi hộp nhất trong phim đối với mình chính là cảnh Spencer Locke nằm la hét trong lúc con ma dần dần tiến với, với góc quay khéo léo giúp biến đồi thành núi lên xuống trập trùng. Còn Caitlin Gerard? Vâng em này có lẽ được đưa vào chỉ để anh biên kịch kiêm diễn viên Leigh Whannell được đè ra hôn vào cuối phim thôi.
Không biết có liên quan hay không, nhưng Quỷ Quyệt: Chìa Khoá Quỷ Dữ ban đầu được lên lịch công chiếu vào dịp Halloween cuối tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên sau đó phim bị đá ra và thay thế bằng Happy Death Day, một bộ phim kinh dị tuy sử dụng đề tài cũ mèm nhưng lại hay một cách bất ngờ. Bạn có thể đọc bài đánh giá của mình ở đây: [Đánh giá phim] Happy Death Day - Phim kinh dị hài dễ thương dành cho mùa Halloween.
Tóm lại thì Quỷ Quyệt: Chìa Khoá Quỷ Dữ đánh dấu sự thay đổi quá lớn của loạt phim kinh dị Quỷ Quyệt. Người ta nói bất quá tam, nhưng ai cũng biết kẻ tham thì luôn sẽ làm liều. Có những loạt phim nên kết thúc từ lâu khi lên đỉnh của thành công, và có những nhà sản xuất không nên bán rẻ tên tuổi của mình để câu khách. Bạn thích phim kinh dị thì Quỷ Quyệt: Chìa Khoá Quỷ Dữ vẫn đáng để xem, vì tuần này rạp cũng không có đặc sắc cả, chỉ là đừng mong đợi nó đạt được đẳng cấp của The Conjuring hay thậm chí là Annabelle.
Chúc các bạn vui vẻ!