Tên gọi Grom (tên gọi khác của MSX tại một số thị trường) hay Grommet được giải thích là tiếng lóng của người dân địa phương vùng biển trêu chọc những “tay mơ” trong bộ môn lướt sóng. Còn đối với xe máy, đó là cách đặt tên cho một mẫu xe nhỏ gọn phù hợp với những người mới bắt đầu làm quen với xe mô tô.
Ý nghĩa này cũng tương tự với tên gọi “Monkey” của dòng xe cỡ nhỏ Honda Z-series với động cơ 50cc từ những năm 70 và 80. Câu chuyện về Monkey bắt đầu từ năm 1961 với mẫu Z100 tại Tama Tech Park, công viên giải trí đua xe thuộc sở hữu của Honda tại trường đua Suzuka.
Chiếc minibike có kiểu dáng thể thao nổi bật với bình xăng màu trắng nằm trên bộ khung sơn đỏ đi kèm cặp mâm 5inch bánh béo. Động cơ của mẫu xe này sử dụng chung với chiếc Super Cub, chính vì kích thước nhỏ gọn Z100 được mọi người miêu tả giống với những chú Khỉ, từ đó tên gọi “Monkey Bike” bắt đầu ra đời.
Đến năm 1964, Honda lần đầu giới thiệu phiên bản thương mại sử dụng trên đường phố của mẫu xe khỉ có tên CZ100, nhưng phải tới năm 1967 Honda mới bắt đầu sản xuất số lượng lớn dòng xe Monkey Bike sang châu Âu với tên gọi Z50M. Mẫu xe này có khung sơn đỏ và bình xăng màu trắng tương tự phiên bản từng giới thiệu trước đó. Ngoài ra yên xe với họa tiết ô quả trám có thể thay đổi vị trí, tay lái gập được khi cần thiết và động cơ 49cc với hộp số tự động 3 cấp là những yếu tố khiến Z50M được ưa chuộng.
Năm 1968 là thời điểm mẫu xe khỉ du nhập vào thị trường Mỹ với mẫu xe Z50A hay còn gọi là Mini Trail. Bình xăng của xe được sơn với hai trắng và đỏ, chắn bùn mạ chrome, gắp sơn trắng, bộ la-zăng tăng lên 8inch. Đây cũng là mẫu xe đầu tiên trong dòng Z-Series mà Honda bắt đầu sử dụng giảm xóc trước. Một năm sau để hợp thức hóa trên đường phố Mỹ, Z50A được trang bị thêm đèn pha và xi-nhan. Đến năm 1979, Honda Z50A đã được thay thế bằng Z50R thể thao hơn so với bản tiền nhiệm khi chủ sở hữu có thể đưa Monkey Bike vào trường đua.
Trong khi đó tại quê hương của Monkey Bike, mẫu xe này đã đi theo một con đường phát triển khác với tên gọi Z250J được giới thiệu vào năm 1972. Sau đó năm 1978, Honda giới thiệu phiên bản lớn hơn là Z50J-III được đặt tên là “Gorilla”. Xe sử dụng hộp số 4 cấp và có bình xăng lớn hơn, tuy nhiên ghi đông đã được gắn cố định và không thể gập như trước. Gorilla từng bị dừng sản xuất vào năm 1990 nhưng đã hồi sinh vào 8 năm sau đó và tiếp tục sản xuất đến năm 2007. Sau đó thế hệ tiếp theo Monkey R được trang bị phanh đĩa thay thế cho phanh tang trống.
Năm 2001, nhân kỷ niệm 50 năm ra đời xe khỉ, Honda xuất xưởng chiếc Ape 50 sử dụng động cơ Cub 50. Một năm sau đó Ape 100 ra đời với động cơ 100 phân khối. Phun xăng điện tử được sử dụng trên Ape năm 50 kể từ năm 2007 trong khi Ape 100 vẫn sử dụng chế hòa khí, hai mẫu xe này tại Nhật Bản rất được ưa chuộng bên cạnh Z50J. Năm 2009 Honda Z50J được nâng cấp lên hệ thống phun xăng điện tử, ống xả mới để đảm bảo yêu cầu khí thỉa và hộp số côn tay 4 cấp.
Đến năm 2013, Honda Grom/MSX 125 thế hệ hiện đại của dòng Monkey Bike với khối động cơ 125cc đã lần đầu được ra mắt, tới năm 2021 mẫu xe này đã bước sang thế hệ thứ 3 với nhiều nâng cấp đáng kể trong đó nổi bật nhất là thiết kết bên ngoài.
Bên cạnh Grom/MSX, Honda cũng đã tung ra mẫu Monkey 125 vào năm 2017 tại Triển lãm Tokyo Motor Show với kiểu dáng giống hệt với những người tiền nhiệm trước đây. Tới hiện tại mặc dù vẫn giữ nguyên kiểu dáng nhưng mẫu xe này đã được nâng cấp về mặt động cơ.
Khánh Phan
(Theo Nghe nhìn Việt Nam)