Thí điểm từ năm 2009, xe 4 bánh gắn động cơ chở người vẫn chưa có quy định quản lý
25 địa phương xin thí điểm
Tại văn bản đồng ý việc thí điểm xe 4 bánh chở người gắn động cơ, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, việc thí điểm chỉ thực hiện đối với phương tiện mới và đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường; được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật trước khi lưu hành.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố có liên quan quy định về thời gian hoạt động trong ngày, lộ trình tuyến đường được phép hoạt động trên địa bàn; lưu ý việc vận hành các phương tiện nêu trên phải tuân thủ các quy định của pháp luật giao thông đường bộ khi tham gia giao thông.
Theo Bộ GTVT, đến thời điểm hiện tại, có 13 địa phương trên cả nước với tổng số 40 doanh nghiệp và một số hộ kinh doanh, số lượng khoảng 4.000 xe (chạy bằng xăng và năng lượng điện) đang hoạt động khai thác phục vụ khá tốt nhu cầu đi lại của khách du lịch trong phạm vi hạn chế. Ngoài ra, hiện còn 12 địa phương cũng có văn bản kiến nghị được đưa xe gắn động cơ 4 bánh vào thí điểm chở khách du lịch. Tuy nhiên, số liệu thống kê mới nhất từ Cục Đăng kiểm cho thấy, đến nay mới có 2.142 xe được kiểm định.
Sau khi nghiên cứu đề xuất của các địa phương, Bộ GTVT thấy rằng, địa bàn địa phương này có nhu cầu hoạt động xe 4 bánh có gắn động cơ để chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế là phù hợp. Song, trong số các địa phương có nhu cầu hoạt động thì còn có nhiều địa phương chưa có đề án, phương án hoặc có nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý hiện hành. Nhiều địa phương trước đó cũng đã bày tỏ ý kiến cần quản chặt loại hình phương tiện này, vì nhiều nơi xe chạy ra ngoài khu vực du lịch, chạy trên các tuyến đường giao thông gây mất ATGT và đặc biệt, nhiều xe chưa đăng ký đăng kiểm.
Phải sớm đưa vào quản lý
Mặc dù loại xe này đã được đưa vào thí điểm từ năm 2009 nhưng đến nay, Bộ GTVT vẫn đang trong quá trình xây dựng quy định tạm thời về quản lý hoạt động thí điểm.
Theo đó, tại dự thảo quy định quản lý loại xe này, Bộ GTVT cho rằng, người điều khiển xe sẽ phải thực hiện theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đồng thời phải có Giấy phép lái xe hạng B2 trở lên. Đối với xe tham gia thí điểm phải đáp ứng các quy định tại Thông tư 86/2014/TT-BGTVT ngày 31-12-2014 của Bộ GTVT quy định về điều kiện kinh doanh vận tải; Có đăng ký xe theo quy định của Bộ Công an và chỉ được phép tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế; khi di chuyển ngoài phạm vi hạn chế phải được chở trên phương tiện cơ giới khác theo quy định.
Doanh nghiệp tham gia thí điểm phải chịu trách nhiệm bảo đảm thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế theo quy định; xử lý chất thải phát sinh từ hoạt động của xe (ắc quy, dầu nhờn…) theo quy định để bảo đảm môi trường.
Theo Bộ TN-MT, việc cho phép hoạt động các phương tiện này cần tuân thủ các điều kiện về an toàn và bảo vệ môi trường, tránh việc bị lợi dụng chủ trương để đưa vào tham gia giao thông một số phương tiện kém an toàn và không đủ điều kiện bảo vệ môi trường hoặc sử dụng không đúng mục đích gây mất an toàn xã hội.
Bộ Tài chính cho rằng, dự thảo quy định của Bộ GTVT chưa đề cập đến việc xử lý vi phạm đối với trường hợp phát hiện xe 4 bánh thí điểm không có chứng từ, nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Do đó, Bộ này đề nghị Bộ GTVT bổ sung quy định, trong trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước thì thực hiện xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định hiện hành.
Đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị, dự thảo nên bổ sung quy định chỉ cấp phép cho doanh nghiệp, không nên cấp phép cho cá nhân, hộ gia đình nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, hạn chế việc tranh giành. UBND TP Hà Nội đề nghị bổ sung, người lái xe phải có GPLX hạng B2 trở lên đối với xe đến 9 chỗ ngồi và hạng D đối với xe 10-30 chỗ ngồi. Ngoài ra, lái xe phục vụ khách du lịch phải được tập huấn kiến thức về du lịch…
Ngân Tuyền (ANTĐ)