Các ngân hàng lo lắng nếu không giữ Giấy đăng ký xe sẽ gia tăng rủi ro, nợ xấu
Không chấp nhận đăng ký bản sao
Anh Đỗ Đình Quỳnh (Hoàng Mai, Hà Nội) có vay trả góp tại một ngân hàng để mua chiếc xe Toyota Vios làm phương tiện đi lại, đồng thời để hợp đồng chở khách với một hãng taxi công nghệ. Theo thông lệ, anh để lại đăng ký xe cho phía ngân hàng giữ như một tài sản thế chấp và chỉ giữ bản sao cùng với xác nhận của ngân hàng.
Trước đây, khi bị lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra, anh Quỳnh vẫn đưa giấy tờ bản sao và được chấp nhận. Tuy nhiên, mới đây, anh nghe thông tin cơ quan Công an không chấp nhận bản sao đăng ký xe và những người vay tiền mua xe như anh có thể sẽ bị phạt với lỗi không có Giấy đăng ký xe. Điều này khiến anh vô cùng lo lắng. “Tôi gọi điện đến ngân hàng hỏi thì được nhân viên ngân hàng giải thích rằng theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, nếu chủ xe và ngân hàng đã thỏa thuận, khách hàng đồng ý thì phía ngân hàng giữ giấy tờ thế chấp là hợp pháp” - anh Quỳnh cho biết.
Tuy nhiên, phía cơ quan Công an và Ngân hàng Nhà nước lại cho rằng việc ngân hàng giữ bản gốc giấy tờ xe là sai. Mới đây, Bộ Công an đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước cho biết, trường hợp người điều khiển phương tiện không có Giấy đăng ký xe bản gốc thì sẽ bị lập biên bản và xử phạt lỗi không có Giấy đăng ký xe.
Về vấn đề này, phía NHNN khẳng định, theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP thì bên thế chấp giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực. Như vậy, việc các tổ chức tín dụng giữ Giấy đăng ký xe bản chính của người thế chấp là phạm luật. Vì vậy, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các quy định về việc bên thế chấp giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông.
Ngân hàng “tiến thoái lưỡng nan”
Tuy vậy, phía các tổ chức tín dụng lại cho rằng, nếu không giữ giấy tờ xe bản gốc làm tài sản thế chấp thì sẽ gia tăng rủi ro, nợ xấu. Vì nếu bên thế chấp vẫn giữ đăng ký xe bản gốc thì khả năng một tài sản thế chấp nhiều nơi là dễ xảy ra. “Khoản vay mua xe có thể lên tới 70% giá trị xe. Nếu ngân hàng không giữ giấy tờ xe thì không khác nào cho vay tín chấp, khi khách hàng không trả được nợ hoặc cố tình chây ỳ sẽ rất khó xử lý” - Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cho biết.
Về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cũng cho rằng, trong hoạt động cho vay, ngân hàng phải đảm bảo có lợi nhuận và hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất. “Nếu cho vay mua ô tô, xe máy trả góp mà không có gì để đảm bảo thì ngân hàng làm sao dám cho vay. Còn khách hàng đã vay thế chấp thì phải đưa giấy tờ xe cho ngân hàng và cũng phải chấp nhận bị phạt nếu cơ quan công an kiểm tra” - luật sư Trương Thanh Đức nói.
Cũng theo vị luật sư này, ngay cả trước đây, khi ngân hàng được phép giữ Giấy đăng ký xe của khách hàng nhưng vẫn xảy ra rủi ro không đòi được nợ, có ngân hàng từng phải “treo thưởng” để tìm được chiếc xe mà chủ xe đã thế chấp Giấy đăng ký xe ở ngân hàng. Vì vậy, nếu ngân hàng cho vay mà không giữ giấy tờ thì rủi ro còn cao hơn nhiều.
Cũng theo các luật sư, trên thực tế việc khách hàng thế chấp tài sản (là phương tiện giao thông, giấy đăng ký quyền sở hữu phương tiện giao thông…) để phục vụ nhu cầu vay tiền của mình là không có gì sai. Ngay cả trong Bộ luật Dân sự 2015 cũng cho phép các bên tự thỏa thuận việc giữ giấy tờ bản chính liên quan đến tài sản thế chấp.
Với lý do đó, chuyên gia ngân hàng, luật sư Bùi Quang Tín cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm ban hành quy định cho phép ngân hàng được giữ giấy tờ xe hoặc đánh dấu trên giấy chứng nhận để bên thứ ba nhận biết được rõ ràng rằng xe ô tô đang sử dụng đã được dùng làm bảo đảm nghĩa vụ dân sự. Từ đó sẽ giúp người dân thuận tiện khi tham gia giao thông trên đường, đồng thời các ngân hàng không vi phạm quy định.
Linh Nhật (ANTĐ)