Vào năm 2020, giữa cơn đại dịch bùng nổ, McLaren Elva – chiếc xe nhẹ nhất mà thương hiệu từng chế tạo, được giới thiệu và hoàn thành sản xuất đúng với thời hạn đưa ra. Khi nói về siêu xe Elva, phải kể đến “sự tích” của nguồn cảm hứng của nó – chính là chiếc McLaren M1A, được sản xuất vào năm 1964. Một điều khó tin được khi thế giới biết đến Elva là một cuộc cách mạng trong ngành công nghệ sản xuất siêu xe lại được lấy cảm hứng từ một chiếc xe ra mắt cách đây gần 60 năm!
M1A được xem là chiếc McLaren ‘thực sự’ đầu tiên (vì trước đó Bruce tự lắp xe mình chạy mà chưa lập đội). M1A là một chiếc xe đua siêu nhẹ, mui trần, động cơ đua loại vừa, được tạo ra với mục đích duy nhất là mang lại trải nghiệm tốc độ và một cảm xúc hào hứng như trên đường đua thật. Chỉ nặng 551kg, với khung gầm bằng thép ống, chiếc xe đua thể thao nguyên mẫu đầu tiên của McLaren không chỉ nhẹ mà còn cực kỳ nhạy.
Hệ thống treo tiên tiến - với cấu trúc tay đòn hoàn toàn độc lập và bộ giảm xóc lò xo cuộn có thể điều chỉnh ở phía trước và tay đòn dưới đảo ngược ở treo sau - là một thiết kế đi trước thời đại.
Bruce mong muốn mang đến một trải nghiệm về cảm xúc thuần khiết nhất cho những người đam mê tốc độ, hiểu được và luôn khao khát có được những cú lướt trong gió khi đang cầm lái. Đây là lý tưởng cơ bản mà người kế nhiệm của nó – Elva được sản xuất hình thành nên.
M1A cũng được xem là một chiếc xe “bất cần” hơn so với Elva thời nay – vì những ngày đó những kẻ đua xe thật sự chỉ quan tâm đến tốc độ, chứ không có những suy nghĩ cân nhắc về yếu tố an toàn như bây giờ. M1A được Bruce cho ra mắt với 1 tiêu chí duy nhất: tốc độ và chỉ tốc độ! Vào dịp chạy thử nghiệm chiếc M1A tại Goodwood Circuit, cả Bruce lẫn M1A đều tạo ra một kỳ tích không tưởng: M1A đã hoàn tất một vòng trong 1 phút 21,6 giây. Nghĩa là gì? Nghĩa là con số này nhanh hơn không dưới 3,2 giây so với kỷ lục đua xe của chính Bruce được thiết lập trên đường đua và nhanh hơn 0,4 giây so với kỷ lục tổng thể do Graham Hill nắm giữ trong F1 BRM.
Là một khởi đầu quá sức mong đợi và chỉ mới thử nghiệm chạy thôi còn chưa đua nữa. Dù là một buổi thử nghiệm kín trong quá trình sản xuất, nhưng chiếc M1A không khỏi làm những người có mặt phải ngoái đầu – trong đó có ông Denis 'Jenks' Jenkinson - hoa tiêu của Stirling Moss, người tình cờ có mặt tại đường đua Goodwood trong khi chiếc M1A đang lập kỷ lục vòng đua. Denis đã xin một ghế bên cạnh Bruce để trải nghiệm cảm giác nhanh ngoái đầu theo không kịp với chiếc M1A này!
Sau cuộc lái thử này cùng với sự ngỡ ngàng của ông Denis, Bruce biết rằng đã đến lúc phải mang M1A đến với thế giới để họ biết được tương lai của xe đua thể thao là thế nào. Vào giải đua Canadian-American Challenge Cup mà các tay đua đội McLaren đã giành được trong 5 năm liên tiếp từ năm 1967 đến năm 1971 - chiếc M1A do Bruce tự lái đã giành vị trí thứ ba chung cuộc. Đồng thời, M1A đã chứng tỏ mình là chiếc xe nhanh nhất trên đường đua, cân bằng kỷ lục vòng đua bốn lần và tự phá vỡ của mình bảy lần nữa. Qua màn khởi động hoành tráng này đã mang lại 24 đơn hàng đặt cho chiếc xe đua McLaren đầu tiên – M1A, là chiếc xe đua thể thao được săn đón cho các đội đua cũng như cho những cá nhân đam mê tốc độ mà chỉ M1A có thể thỏa mãn được.
Với số lượng 24 đơn hàng dồn dập, công ty McLaren với nguồn nhân lực chỉ có 8 người thợ, nghĩa là phải hợp tác sản xuất với bên ngoài để đảm bảo tiến độ. Frank Nichols của Elva Cars Ltd, một nhà sản xuất xe thể thao quy mô nhỏ chuyên dụng, có trụ sở tại Sussex (Anh), đã đề xuất rằng ông có thể chế tạo các phiên bản sao chép của M1A. Vào tháng 11 năm 1964, McLaren và công ty mẹ của Elva đã đồng ý các điều khoản để tiến hành hợp tác dự án này.
Đây là một quan hệ đối tác hiệu quả. McLaren-Elva M1A kiểu dáng đẹp và đặc biệt nổi bật với chi tiết mũi nhọn và đuôi xe thấp. Từ đây, M1A phát triển thành M1B, và cuối cùng là chiếc M1C là sự khép lại cho mối quan hệ hợp tác McLaren – Elva, khép lại một giai đoạn đã định hình được một phần nào về định vị thương hiệu của McLaren, đồng thời tạo dựng riêng cho hãng một thế lực cực kỳ lớn trong làng đua xe thể thao.
Cả 3 mẫu McLaren-Elva năm đó đều duy trì các nguyên tắc thiết kế quan trọng đó là “hình thức phải tuân theo chức năng” và “mọi thứ đều có lý do của nó”. Đến bây giờ hai nguyên tắc này vẫn tồn tại trong quá trình sản xuất siêu xe McLaren Elva hiện đại ngày nay.
Ngoài đường đua, thế giới có thương hiệu McLaren Automotive và những thiết kế siêu phẩm mang lại cảm giác mạo hiểm từ tốc độ, cùng lúc đó trong trường đua thực thụ, đội đua McLaren Racing có tay đua trẻ tài năng Lando Norris vừa đoạt được Pole (nhất trận đua tranh hạng – được xuất phát đầu tiên ở trận đua chính) tại Russian GP - giải đua Công Thức 1, ngày 26/09 vừa qua.
Thêm hình ảnh về chiếc McLaren Elva M1A Theme do bộ phận MSO thực hiện:
D.Linh
(Theo Nghe nhìn Việt Nam)