Để đánh đổi lấy mức giá hấp dẫn, kích thước không phải là điều duy nhất mà những người trẻ phải chấp nhận 'hy sinh' với ID. LIFE. Nó là mẫu xe điện đầu tiên dựa trên nền tảng chassis MEB rút gọn của Volkswagen và chỉ được trang bị hệ dẫn động cầu trước. Tuy nhiên với mô-tơ điện mạnh tới 230 mã lực, chiếc xe vẫn có thể tăng tốc từ 0-100km/h trong 6,9 giây và mạnh hơn bất kỳ chiếc hatchback hạng A nào trên thị trường. Với khối pin 57kWh, ID. LIFE có thể đạt tầm hoạt động 400km mỗi lần sạc.
Nhưng nếu như ID. LIFE vẫn giữ lại được phần lớn những trang bị độc đáo cùng thiết kế cá tính của mình, chiếc xe có thể sẽ vẫn thu hút không ít khách hàng đến với Volkswagen. Dù là một chiếc xe hiện đại nhưng nhìn vào ID. LIFE, các fan của thương hiệu sẽ vẫn nhận ra một sự quen thuộc như các thế hệ Golf đầu tiên. Cảm giác này có được là nhờ vào thiết kế vuông vức cùng cột C dốc, to bản của chiếc xe. Không còn phải làm mát động cơ xăng hay chừa chỗ cho ống xả, Volkswagen đã tối giản thân xe của ID. LIFE trở nên liền mạch nhất có thể - ngay cả hệ thống đèn pha và đèn hậu của chiếc xe cũng được làm chìm vào thân.
Có màu trắng với vòm mái tương phản màu đen, ID. LIFE ứng dụng những công nghệ 'xanh' cho ngoại thất. Phần mui xe được làm 100% từ chai nhựa PET tái chế, trong khi phần thân xe sử dụng sơn bóng với chất tạo màu từ gỗ vụn và chất đông cứng sinh học. Bề mặt thân màu trắng có các chấm nhỏ tạo cảm giác như vân đá. Và cũng giống như bên ngoài, nội thất của ID. LIFE cũng ẩn giấu nhiều sự bất ngờ và thiết kế khác thường.
Trong đó đáng chú ý nhất đó là chiếc xe được trang bị một màn chiếu giấu gọn ở bên dưới bảng táp-lô, khi mở ra tạo thành một diện tích hiển thị lên tới 34 inch để xem phim hay chơi game. Volkswagen thậm chí còn trang bị sẵn cho xe một máy game để tận dụng máy chiếu. Với thiết kế ghế linh hoạt, người sử dụng có thể gập lưng ghế trước lại 90 độ để ghép với băng ghế sau tạo thành một chiếc giường lớn dài 2m để nằm xem phim.
ID. LIFE cũng không có màn hình hệ thống thông tin giải trí trung tâm, thay vào đó vai trò này sẽ được đảm nhiệm bởi smartphone của khách hàng. Được gắn vào bảng táp-lô bằng nam châm, chiếc điện thoại thông minh sẽ là trung tâm điều khiển phần lớn các chức năng xe. Trong khi đó bảng đồng hồ trung tâm là một màn hình nằm thẳng trên vô-lăng, và các nút cảm ứng được ẩn dưới lớp ốp gỗ trang trí của táp-lô. Ngoài gỗ ra, cabin xe cũng được làm từ nhiều vật liệu 'xanh' như dầu thực vật, cao su tự nhiên hay vỏ trấu.
Quang Nam
(Theo Nghe nhìn Việt Nam)