Phản ánh với phóng viên, anh Lê Công Việt (quận Gò Vấp, TP HCM) vừa mua chiếc ôtô nhập khẩu với giá 800 triệu đồng nhưng khi làm thủ tục trước bạ, cơ quan thuế căn cứ vào giá Bộ Tài chính công bố là 1 tỉ đồng để tính lệ phí trước bạ cho anh với số tiền lên tới 100 triệu đồng.
Một số người khác cũng rơi vào tình huống như anh Việt cho rằng việc tính lệ phí trước bạ như trên là bất hợp lý. Bởi, với một lô hàng ôtô nhập khẩu, hãng xe đã đưa ra mức giá bao gồm giá trị xe công với các loại thuế và chi phí liên quan như vận chuyển, kho bãi, maketing….khiến giá bán xe có khi ngang bằng hoặc cao hơn mức giá do Bộ Tài chính công bố. Thế nhưng, sau khi chào bán được một thời gian nhất định, các hãng xe bắt đầu giảm giá bán vì đã khấu trừ xong chi phí liên quan. Từ đó, giá bán của các hãng xe thấp hơn mức giá của Bộ Tài chính.
Một số người mua ôtô phản ánh gần đây họ bị áp mức phí trước bạ quá cao, không phù hợp với loại xe mà họ đã mua.
Tuy nhiên, cơ quan thuế không dựa vào giá bán này để tính lệ phí trước bạ mà căn cứ theo mức giá do Bộ Tài Chính công bố. Ngược lại, khi người dân mua ôtô cao hơn giá của Bộ Tài chính thì cơ quan thuế căn mức giá thể hiện trên hóa đơn mua hàng để tính lệ phí trước bạ.
Lãnh đạo một số chi cục thuế ở TP HCM giải thích để tính lệ phí trước bạ ô tô nhập khẩu, cơ quan thuế căn cứ vào mức giá do Bộ Tài chính công bố. Mức giá này được cấu thành từ giá trị xe cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng mà nhà sản xuất ôtô ở nước ngoài đăng ký với Bộ Tài chính.
Để giải quyết nghịch lý này, mới đây Bộ Tài chính định hướng cục thuế các tỉnh, thành phố đề xuất giá tính lệ phí trước bạ theo giá chuyển nhượng trên thị trường.
Trong khi đó, đại diện của Cục Thuế TP HCM cho biết đã đề xuất Bộ Tài chính điều chỉnh mức độ biến động giữa giá xe của bộ này công bố với giá bán của các hãng xe sao cho hợp lý.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tập hợp đề xuất của các địa phương.
Nguồn Nld