Người nước ngoài khi tham gia giao thông ở Việt Nam phải mang theo đủ GPLX quốc tế và GPLX quốc gia đó cấp. Anh Tùng buộc phải mang đủ GPLX quốc tế và GPLX do Đức cấp.
Chiều 21/3, thượng tá Trần Văn Thương, Phó trưởng phòng PC67, Công an TP.HCM, thông tin chính thức về việc một Việt kiều Đức bị CSGT xử phạt dù có bằng lái quốc tế.
Theo thượng tá Thương, vào trưa 18/3, Tổ công tác thuộc Đội CSGT Cát Lái (PC67, Công An TP.HCM) làm nhiệm vụ trên đại lộ Mai Chí Thọ. Lúc này, tổ CSGT phát hiện anh Vũ Thanh Tùng (30 tuổi, quốc tịch Đức, tạm trú quận Bình Thạnh) lái ôtô chạy quá tốc độ quy định (63/50 km/h). Trung úy Võ Thành Tâm kiểm tra giấy phép lái xe (GPLX) và giấy chứng nhận đăng ký ôtô.
Thượng tá Trần Văn Thương trả lời về vụ việc. Ảnh: Lê Trai.
Thời điểm kiểm tra, anh Tùng chỉ xuất trình được giấy đăng ký xe và GPLX quốc tế. Lúc này, đồng chí Tâm giải thích bên cạnh ngoài GPLX quốc tế thì phải có GPLX quốc gia Đức kèm theo thì mới đủ điều kiện điều khiển xe lưu thông ở Việt Nam. Tuy nhiên, tài xế Tùng đã không xuất trình được GPLX quốc gia do Đức cấp, cho nên CSGT đã lập biên bản tạm giữ xe.
Chiều cùng ngày, tài xế Tùng đã mang GPLX quốc gia Đức cấp đến Đội CSGT Cát Lái và được trả xe. Công an vẫn giữ GPLX của tài xế này để xử lý lỗi chạy quá tốc độ quy định.
Trả lời về việc CSGT Tâm có những phát ngôn không chuẩn mực, thượng Tá Thương cho rằng CSGT làm việc áp lực kèm theo thái độ của người vi phạm nên đôi lúc anh Tâm không kiềm chế, thiếu tế nhị. Phòng CSGT sẽ giáo dục, nhắc nhở, rút kinh nghiệm chung.
PC67 đã mời tài xế lên làm việc, đồng thời cũng yêu cầu trung úy Tâm viết tường trình vụ việc. PC67 sẽ xin ý kiến Ban giám đốc Công an TP.HCM, nếu trung úy Tâm sai sẽ có hình thức xử lý phù hợp.
Thượng tá Thương cho biết theo Thông tư 29 năm 2015 của Bộ GTVT quy định về việc cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về giao thông đường bộ năm 1968 (gọi tắc Công ước), quy định cụ thể giấy phép lái xe quốc tế là giấy phép do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, gồm cả các khu vực hành chính tham gia Công ước cấp theo mẫu mã thống nhất có tên tiếng Anh là IDP.
IDP có thời hạn không quá 3 năm từ ngày cấp và phải phù hợp với thời gian, hiệu lực của GPLX quốc tế. Người nước ngoài khi tham gia giao thông ở Việt Nam phải mang theo đủ GPLX quốc tế và GPLX quốc gia đó cấp. Trong trường hợp của anh Tùng, người này bắt buộc phải mang đủ GPLX quốc tế và GPLX do Đức cấp khi lái xe ở Việt Nam.
Theo: Otofun News