Sự thay đổi đáng chú ý nhất của Ranger Raptor là động cơ diesel Eco Blue tăng áp kép, dung tích 2.0 lít hoàn toàn mới. Đây là thành viên mới nhất trong dải động cơ Panther của Ford, dải động cơ sẽ dần thay thế các động cơ Duratoq. Trên Ranger Raptor, động cơ 2.0L này sản sinh công suất lên tới 210 mã lực và 500 Nm, nhiều hơn động cơ 5 xy-lanh thẳng hàng 3.2L trên Ranger Wildtrak (200 mã lực, 470 Nm).
Sở dĩ động cơ 2.0L này mạnh mẽ đến vậy là vì nó được trang bị cổ góp khí nạp lớn hơn và kết cấu tăng áp kép bi-turbo linh hoạt vừa khiến động cơ đạt công suất lớn hơn, vừa giảm thiểu hiện tượng trễ tăng áp. Hệ thống tăng áp này bao gồm một cụm tăng áp nhỏ và một cụm tăng áp cỡ lớn. Ở vòng tua động cơ thấp, cả 2 cụm tăng áp đều hoạt động nhằm tăng sự nhạy bén của động cơ và tăng lực mô-men xoắn ở vòng tua thấp. Ngược lại, ở vòng tua cao thì cụm tăng áp nhỏ gần như không cung cấp thêm công suất cho động cơ, chỉ có cụm tăng áp lớn làm việc.
Một nâng cấp khác cũng không kém phần quan trọng là hộp số Getrag 10R80 10 cấp – linh kiện kỹ thuật duy nhất mà Ranger Raptor sử dụng chung với F-150 Raptor. Kỹ sư Ford cho biết dù thiết kế cơ khí hoàn toàn giống với hộp số F-150 Raptor nhưng hộp số 10 cấp trên “Tiểu Raptor” đã được tinh chỉnh phần mềm để phát huy tối đa công suất của động cơ 2.0L tăng áp kép. Việc có tới 10 cấp số khiến chiếc xe tăng tốc tốt hơn và mượt mà hơn. Quá trình chuyển số cũng nhanh và êm ái hơn so với hộp số 6 cấp. Hộp số này được cấu thành bởi các bộ phận bằng thép, nhôm và vật liệu composite để tối ưu cân nặng và độ bền. Trên Ranger Raptor, lẫy chuyển số trên vô lăng là trang bị tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, động cơ và hộp số chưa hẳn là những giá trị cốt lõi của một chiếc Raptor. Điều tạo nên danh tiếng của một chiếc Raptor chính là khả năng off-road. Khung gầm rời hình thang đã được “cường lực” bằng thép siêu cứng HSLA, các thanh ngang cũng được bổ sung loại vật liệu chuyên chịu lực này. Chưa hết, hệ thống treo cũng được nâng cấp triệt để. Hệ thống treo trước lớn hơn với 2 thanh giảm xóc ống lồng lớn hơn, hệ thống treo sau cũng mới hoàn toàn với hai thanh giảm xóc ống lồng đặc biệt, thay thế cho kiểu lá nhíp trên các mẫu Ranger thông thường. Hệ thống kết nối 2 bên giảm xóc cầu sau vẫn là dạng Watt linkage, cho phép 2 thanh giảm xóc ống lồng phía sau thoải mái di chuyển theo chiều dọc mà không dao động theo chiều ngang quá nhiều.
Thứ khiến fan off-road “phát sốt” chính là cặp giảm xóc ống lồng “cỡ bự” với kích thước thanh giảm chấn lên tới 46,6 mm của Fox Racing Shox đặt tại cầu trước. Giảm xóc Fox là món đồ chơi đắt tiền mà những người chơi offroad tại Việt Nam thường độ cho những chiếc Ford Ranger Wildtrak của họ. Trên Ranger Raptor, cặp giảm xóc này có tính năng Position Sensitive Damping, tức là thanh giảm chấn sẽ êm ái khi đi bình thường nhưng khi đi off-road, chúng sẽ cung cấp lực giảm chấn mãnh liệt hơn để chinh phục mọi địa hình khó khăn nhất.
Chưa hết, bộ la-zăng hợp kim 17 inch đặc biệt còn đi kèm bộ lốp BF Goodrich all-terrain kích thước 285/70, lại là một món đồ chơi ưa thích của dân sành off-road. Hệ thống phanh cũng được “tăng lực” với cùm phanh 4 piston chia đều cho hai bánh trước. Chúng có kích thước lớn hơn 9,5 mm so với cùm phanh trước của Ranger Wildtrak và nhiệm vụ của chúng là “gặm” chặt hai đĩa phanh trước có đường kính lên tới 332 mm. Hệ thống phanh sau bao gồm 2 cùm phanh piston đơn kích thước 54 mm.
Về kiểu dáng bên ngoài, Ranger Raptor gây chú ý với mặt ca lăng màu đen tuyền với dòng chữ FORD cực lớn, tấm cản trước gắn trực tiếp vào khung xe cũng cứng cáp hơn nhiều so với Ranger tiêu chuẩn và được bổ sung đèn sương mù LED và các khe hút gió đặc biệt. Vòm bánh xe nở rộng và vạm vỡ hơn nhiều so với Ranger thường để cung cấp đủ không gian cho hệ thống treo có hành trình dài hơn và bộ lốp cỡ lớn. Vòm bánh xe cũng được chế tác từ vật liệu composite thay vì bằng nhựa trên Ranger tiêu chuẩn nhằm phục vụ off-road tốt hơn. Tất cả những thay đổi ngoại thất khiến Ranger Raptor đô con hơn rất nhiều, với kích thước (dài x rộng x cao) lần lượt là 5.398 x 2.180 x 1.873 mm, vệt bánh xe trước/sau ở mức 1.710 mm, rộng hơn Ranger tiêu chuẩn tới 150 mm. Khoảng sáng gầm xe lên tới 283 mm và các thông số khác cũng rất ấn tượng: góc tới 32,5 độ, góc vượt dốc 24 độ, góc thoát 24 độ.
Bục bước lên xe cũng được thiết kế để ngăn đá văng lên phần thân sau xe. Bộ phận này được chế tạo từ hợp kim nhôm và có thể chịu được trọng lượng 100 kg tác động lên nó 84.000 lần trước khi bị biến dạng. Cả mặt trên và mặt dưới của bục lên xe được sơn nhám 2 lớp nhằm chống trầy xước và mang lại ngoại hình xù xì, mạnh mẽ hơn cho Ranger Raptor.
Bên trong cabin, chiếc Ranger Raptor được bổ sung rất nhiều chi tiết đậm chất Ford Performance. Đó là bộ ghế có thiết kế ôm chặt người ngồi để đảm bảo an toàn khi chạy đường địa hình, các đường chỉ khâu màu xanh tương phản với màu đen nội thất và tất nhiên, logo Raptor được thêu nổi bật ở mỗi ghế. Khi đề máy, logo Raptor và dòng chữ Ford Performance hiện lên ở màn hình trung tâm thay vì chỉ mỗi logo Ford thông thường. Chiếc Ranger Raptor cũng có vô lăng thể thao và lẫy chuyển số bằng ma-giê nhằm mang lại trải nghiệm thể thao hơn, “chất” hơn.
Hệ thống Quản lý Địa hình Terrain Management System có 6 chế độ lái. Đầu tiên là Normal và Sport, những chế độ dùng để đi đường nhựa. Bốn chế độ địa hình còn lại bao gồm Grass/Gravel/Snow – chế độ chạy trên cỏ, sỏi đá và tuyết; Mud/Sand – chế độ chạy trên đường bùn và cát và cuối cùng là – Baja, chế độ giải phóng toàn bộ khả năng off-road của Ford Ranger Raptor. Các trang bị tiêu chuẩn khác thì tương tự như Ranger Wildtrak, bao gồm màn hình thông tin giải trí 8 inch Sync 3, camera lùi và các tính năng an toàn như ESC, Khởi hành ngang dốc, Hỗ trợ đổ đèo và một vài tính năng khác phục vụ cho việc kéo đồ.
Có 5 tùy chọn màu sắc cho Ford Ranger Raptor bao gồm Xanh Lightning Blue, Đỏ Race Red, Đen Shadow Black, Trắng Frozen White và một màu ngoại thất đặc biệt là Xám Conquer Grey. Ford Ranger Raptor sẽ sớm trình làng khách hàng Việt Nam trong vài tháng tới với giá bán chưa được tiết lộ.
Nguồn : https://xehay.vn/ford-ranger-raptor-sinh-ra-de-chinh-phuc.html