Bắt đầu năm 2018, một loạt các chính sách mới liên quan đến lĩnh vực ô tô bắt đầu có hiệu lực. Dưới đây là 9 chính sách đáng chú ý nhất.
1. Thuế suất nhập khẩu ô tô từ ASEAN giảm về 0%
Từ ngày 1/1/2018 hiệp định thương mại tự do ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực, các mẫu ô tô có tỉ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở lên sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu bằng 0%. Điều này đồng nghĩ các mẫu xe từ các nước láng giềng Thái Lan, Malaysia, Indonesia khi nhập khẩu về Việt Nam sẽ có mức thuế nhập khẩu là 0% thay vì 30% như trước đây.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các mẫu xe đều áp dụng mức thuế này. Lượng ô tô được sản xuất trong khối ASEAN có tỉ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở lên không nhiều, chưa kể sản lượng đủ để cung cấp cho nước thứ hai trong cùng ASEAN cũng là một thách thức với những nhà sản xuất ô tô.
2. Thuế nhập khẩu linh liện ô tô còn 0%
Song song với việc giảm thuế nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN, Chính phủ cũng ban hành nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 122/2016. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ hưởng mức thuế nhập khẩu linh kiện ô tô còn 0% nếu đạt được sản lượng quy định, áp dụng cho xe con dưới 9 chỗ ngồi.
Trong giai đoạn 1 năm 2018, các doanh nghiệp muốn được hưởng mức thuế trên dành cho xe con dứoi 9 chỗ ngồi và dung tích dưới 2.5L, phải đảm bảo hai điều kiện sản lượng chung từ 8.000 xe trở lên và một mẫu xe cam kết từ 3.000 xe trở lên.
3. Thuế nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng mới
Cũng theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP, ô tô đã qua sử dụng khi nhập khẩu về Việt Nam sẽ áp dụng cách tính thuế mới.
Với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống (kể cả lái xe) và dung tích từ 1.0L trở xuống, sẽ được áp mức thuế tuyệt đối 10.000 USD/chiếc thay vì 5.000 USD/chiếc như trước đây.
Với ô tô chở người có dung tích trên 1.0L và các loại ô tô chở người từ 10 – 15 chỗ ngồi kể cả lái xe thuộc nhóm hàng 87.02 sẽ áp dụng cách tính thuế hỗn hợp.
Theo các nhà kinh doanh nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng, cách tính mới sẽ khiến các dòng xe cỡ nhỏ dung tích dưới 1.0L sẽ tăng giá gấp đôi. Trong khi những dòng xe còn lại sẽ có mức giá đội lên hàng chục thậm chí hàng trăm nghìn USD, tùy vào dung tích động cơ cũng như giá trị của xe.
4. Những quy định mới về nhập khẩu ô tô theo nghị định 116
Nghị định 116/2017/NĐ-CP thực sự trở thành rào cản với những nhà nhập khẩu ô tô. Tuy nhiên ở khía cạnh khách hàng, điều này giúp đảm bảo quyền lợi của người mua xe, lựa chọn xe nhập khẩu thay vì xe sản xuất trong nước.
Nghị định 116 quy định doanh nghiệp nhập khẩu phải có phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, bên cạnh đó còn phải cung cấp được văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh doanh nghiệp nhập khẩu được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi ô tô nhập khẩu tại Việt Nam.
Đặc biệt Nghị định 116 còn quy định doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp cho cơ quan quản lý giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài. Mỗi lô xe nhập khẩu về Việt nam phải được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra theo quy định. Mỗi ô tô đại diện cho mỗi kiểu loại trong lô xe nhập khẩu phải được kiểm tra thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật.
Ngoài ra, Nghị định 116 còn một loạt các quy định về thời hạn bảo hành cụ thể đối với từng chủng loại ô tô nhập khẩu khác nhau. Không chỉ quy định với ô tô nhập khẩu, Nghị định 116 còn buộc các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước phải xây dựng đường chạy thử có chiều dài tối thiểu 800m.
Và sau khi đạt một loạt các quy định trên, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ cho Bộ Công thương xét duyệt. Sau khi giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương có hiệu lực, doanh nghiệp mới được phép nhập khẩu khẩu ô tô về Việt Nam.
5. Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô có dung tích dưới 2.0L
Tại kỳ họp thứ 11 quốc hội khóa 13 vào tháng 4/2016, Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, kể từ 1/1/2018, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng các mẫu xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, trang bị động cơ dung tích dưới 1.5L và từ 1.5 - 2.0L sẽ được giảm 5% tương ứng mức thuế suất lần lượt là 35% và 40%.
6. Không đăng kiểm với ô tô có khí thải không đạt tiêu chuẩn Euro 4
Cũng trong năm 2017, Thủ tưởng chính phủ cũng ban hành công văn 436/2017 về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo quyết định số 49/2011/QĐ-TTg. Từ ngày 1/1/2018 tất cả các loại ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (tương đương Euro 4) trở lên.
Nếu dưới mức này, Cục đăng kiểm Việt Nam sẽ từ chối cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật đối với những phương tiện không đạt chuẩn khí thải Euro 4. Với những sản phẩm không đạt tiêu chuẩn này, Thủ tướng chỉ đạo phải tái xuất hoặc xuất khẩu, đồng thời báo cáo với Bộ Giao thông vận tải về kế hoạch trên
7. Người ngồi sau không thắt dây an toàn sẽ bị xử phạt
Từ ngày 1/1/2018, nghị định 46/2016 chính thức có hiệu lực xử phạt đối với người ngồi trên xe ô tô không thắt dây an toàn tại vị trí có trang bị dây an toàn khi xe đang chạy, mức phạt tại điểm k, khoản 1 điều 5 của nghị định trên là từ 100.000 – 200.000 đồng.
Mục đích của quy định này nhằm bảo vệ tính mạng cho người ngồi trên ô tô khi đang chạy, và đây cũng là điểm mới so với nghị định 171/2003 trước đây, chặt chẽ hơn và giúp hình thành thói quen thắt dây an toàn vốn bị xem nhẹ tại Việt Nam.
8. Thu hồi xe quá niên hạn sử dụng
Ngày 1/1/2018 cũng là thời điểm quyết định 65/2015 của Thủ tướng về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, các loại ô tô xe máy hết hạn sử dụng chính thức có hiệu lực. Quyết định nêu rõ, nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi, tiếp nhận sản phẩm thải bỏ do doanh nghiệp đã bán ra thị trường Việt Nam và được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Các nhà sản xuất có thể liên kết để cùng thực hiện thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.
Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao các sản phẩm bỏ thải theo hình thức tự chuyển đến điểm thu hồi hoặc chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ. Người tiêu dùng sau khi chuyển giao sản phẩm thải bỏ sẽ được hưởng những quyền lợi theo chính sách từ nhà sản xuất.
9. Dán nhãn năng lượng với ô tô trên 7 đến 9 chỗ
Trong năm 2017, Bộ giao thông đã ban hành thông tư 40/2017 hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng với ô tô trên 7 chỗ đến 9 chỗ ngồi. Kể từ thời điểm 1/1/2018, các ô tô từ trên 7 chỗ đến 9 chỗ ngồi được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời, hoàn toàn mới, xe nhập khẩu chưa qua sử dụng phải được dán nhãn năng lượng trước khi đưa ra thị trường.
Thông tư trên không bắt buộc áp dụng với các trường hợp sau: xe được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sử dụng trực tiếp vào mục đích quốc phòng, an ninh của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; xe tạm nhập tái xuất; xe quá cảnh, chuyển khẩu; xe của ngoại giao, lãnh sự; xe nhập khẩu đơn chiếc và không vì mục đích kinh doanh xe; xe nhập khẩu theo quy định riêng của Thủ tướng; xe sử dụng nhiên liệu không phải là xăng, điêzen, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí tự nhiên (NG).
Quang Hải