Giảm giá mạnh các mẫu xe đang bán chạy
Ngay từ đầu tháng 11, Toyota Việt Nam đã công bố giảm khá mạnh một số dòng xe ô tô được sản xuất trong nước, “châm ngòi” cho cuộc chiến giảm giá xe dịp cuối năm. Theo công bố của Toyota, xe Vios có mức giảm giá mạnh nhất lên tới 58 triệu đồng/xe đối với phiên bản Vios TRD. Trong khi đó, Toyota Vios G, Vios E CVT, Vios MT cũng giảm lần lượt 57 triệu đồng, 53 triệu đồng và 51 triệu đồng/xe.
Giảm thấp nhất là Vios Limo với 48 triệu đồng/xe. Ngoài Toyota Vios, các dòng xe Corolla, Innova cũng đồng loạt giảm giá. Xe Corolla 2.0V Sport giảm 31 triệu đồng so với giá cũ, mức giá mới là 936 triệu đồng. Corolla 2.0V CVT giá 893 triệu đồng, giảm 27 triệu đồng. Corolla 1.8 G, Corolla 1.8E (CVT và MT) cũng giảm từ 24-26 triệu đồng/xe. Tương tự, Toyota Innova cũng có mức giảm khá sâu, lên tới 50 triệu đồng so với giá cũ.
Đáng chú ý, những mẫu xe được giảm giá mạnh trên đây lại đang có doanh số bán ra cao nhất đối với hãng Toyota. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 9-2017, lượng xe Toyota Vios bán được hơn 15.000 chiếc, tăng gần 5.000 so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 30% tổng lượng xe sedan bán ra. Tương tự, mẫu xe Innova bán được hơn 8.700 chiếc, chiếm gần 80% tổng lượng xe đa dụng cỡ nhỏ (MPV) bán ra.
Chính vì lý do này mà sau đó không lâu, 2 doanh nghiệp lớn khác là Thaco Trường Hải và Hyundai Thành Công đều công bố giảm giá nhiều mẫu xe đang bán chạy. Thời hạn điều chỉnh giá từ tháng 11-2017, đồng thời 2 doanh nghiệp này công bố giá mới năm 2018. Cụ thể, Hyundai Thành Công giảm 20 - 40 triệu đồng so với thời điểm hiện tại cho mẫu xe cỡ nhỏ Hyundai Grand i10. Giá bán mới của mẫu xe này từ tháng 11-2017 sẽ từ 315 triệu đồng (đã bao gồm thuế VAT).
Trong khi đó, Thaco điều chỉnh gần như toàn bộ giá bán của các dòng xe Kia và Mazda. Giá bán được giảm giá ngay từ tháng 11 (khi thuế nhập khẩu linh kiện về bằng 0%) và sẽ giảm tiếp vào đầu năm sau khi thuế tiêu thụ đặc biệt của dòng xe 2.0 trở xuống giảm 5%. 5 phiên bản hiện tại của mẫu xe Kia đều có mức giảm giá thêm ít nhất từ 8 - 14 triệu đồng kể từ ngày 21-11 và sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm vào đầu năm sau.
Các dòng xe Mazda như: Mazda 2, Mazda 3, Mazda 6 do Trường Hải lắp ráp và phân phối cũng giảm giá từ ngày 21-11. Theo đó, Mazda 2 giảm giá 10 - 12 triệu đồng so với trước đó, đưa giá bán mới của Mazda 2 ở thời điểm hiện tại là 505 triệu đồng cho bản sedan và 550 triệu đồng cho bản hatchback. Vào đầu 2018, giá bán của 2 phiên bản Mazda 2 được điều chỉnh giảm thêm 6 và 21 triệu đồng. Trong khi đó, giá bán của mẫu sedan Mazda 3 được điều chỉnh giảm xuống thêm từ 10 - 25 triệu đồng; Mazda 6 2.0 giảm 21 triệu đồng xuống mức giá 849 triệu đồng so với trước đó.
Nhưng khó tăng sức mua
Nếu như hồi tháng 7, tháng 8-2017, khi nhiều mẫu xe của Toyota, Thaco Trường Hải giảm giá, không ít người dân đang có nhu cầu đã đổ xô đi mua và đặt cọc, thậm chí nhiều khách hàng đã không may mắn để sở hữu một chiếc xe mới cho riêng mình, thì ở lần giảm giá đồng loạt các mẫu xe đang được yêu thích tại thị trường Việt Nam này, phản ứng của người mua lại trái ngược.
Vì sao lại như vậy? Có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh ô tô, giám đốc một showroom ô tô có tiếng cho biết: “Sức tiêu thụ đang có xu hướng giảm trong những tháng cuối năm. Diễn biến hoàn toàn ngược so với những năm trước, bởi trước đây, dịp cuối năm, người dân thường có nhu cầu mua xe mới diện Tết, sợ càng cận Tết, giá càng lên cao, thậm chí hết hàng. Tuy nhiên, năm nay, người tiêu dùng lại chờ đợi, vì năm Dương lịch 2018 sắp đến, thời điểm giảm thuế nhập khẩu xe ô tô từ ASEAN về 0% sắp đến, họ vẫn kịp mua xe mới đón Tết Nguyên đán với giá thấp hơn”.
Mặc dù vậy, doanh nhân này vẫn cho rằng, thị phần ô tô năm 2018 gần như đã dự báo được, bởi lẽ 3 doanh nghiệp lớn là Toyota, Thaco Trường Hải và Hyundai Thành Công đã công bố mức giá mới hấp dẫn cho khách hàng đối với các mẫu xe đang “ăn khách” từ thời điểm này và từ đầu năm 2018. “Có thể, các mẫu xe này sẽ giảm giá thêm chút nữa khi thị trường có thêm sự cạnh tranh gay gắt của xe nhập khẩu từ ASEAN” - đại diện doanh nghiệp nhận định.
Ở góc độ người mua, sự trầm lắng tạm thời của thị trường ở thời điểm hiện tại được cho là không khó hiểu, vì tâm lý chờ giá xe giảm thêm. Anh Nguyễn Minh Hải (quận Nam Từ Liêm), người đang có nhu cầu mua xe ô tô 4 chỗ cho biết: “Nếu mua xe vào thời điểm này, tôi sợ sau khoảng 2 tháng nữa, xe sẽ mất giá. Trong 2 tháng có thể mất mấy chục triệu đồng. Sang đầu năm 2018, nếu thị trường vẫn ổn định như bây giờ đặt cũng không muộn. Trước mắt giá nhiều mẫu xe chưa thể tăng”.
Theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp ô tô hiện đang lo ngại nhất vấn đề thuế, vì từ năm 2018, nếu với thuế suất thuế nhập khẩu 0%, xe ô tô từ Thái Lan và Indonesia vào Việt Nam chắc chắn sẽ có giá bán rất cạnh tranh. Tình thế này khiến các doanh nghiệp trong nước buộc phải giảm giá để vừa giữ doanh số, giữ thị phần, vừa đảm bảo khả năng cạnh tranh. Và sự chờ đợi của người tiêu dùng là diễn biến tất yếu trên thị trường.
Quyết giữ thị phần
Trong bối cảnh đầy khó khăn của các doanh nghiệp ô tô, Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra giải pháp tháo gỡ, mà cụ thể là việc ban hành Nghị định 125, bổ sung nhóm mặt hàng linh kiện ôtô trong nước chưa sản xuất được vào danh mục hàng hóa hưởng thuế ưu đãi với mức thuế suất 0% trong vòng 5 năm (2018 - 2022) đối với dòng xe có dung tích xi lanh 2.000 cc (xe 2.0L).
Theo đó, 30 loại linh kiện, bộ và cụm linh kiện ô tô dung tích dưới 2.000 cc, mã số hải quan từ 98.49.10 đến mã 98.49.40 sẽ được bỏ thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện. Điều kiện để doanh nghiệp trong nước được hưởng mức thuế ưu đãi này là doanh nghiệp phải đáp ứng các quy định về sản lượng chung tối thiểu và sản lượng riêng từng loại xe. Doanh nghiệp phải cam kết sản xuất, lắp ráp xe ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro mức 4 (giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021) và Euro mức 5 (từ năm 2022 trở đi), đồng thời phải đáp ứng đủ sản lượng theo quy định.
Cụ thể, sản lượng chung tối thiểu đối với ô tô chở người dưới 9 chỗ, loại có động cơ từ 2.000 cc trở xuống mà các doanh nghiệp đạt được năm 2018 phải là 34.000 xe và tăng 16% theo từng năm cho đến năm 2022. Tổng giai đoạn 5 năm phải đạt 234.000 chiếc được lắp ráp trong nước. Trong đó, sản lượng riêng tối thiểu 1 mẫu xe phải đạt 20.000 xe và tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước là 20% (năm 2018) và con số này tăng lên tương ứng 36.000 xe và 40% vào năm 2022.
Linh kiện nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất 0% phải thuộc loại trong nước chưa sản xuất được và các linh kiện (các chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận) là những sản phẩm đã hoàn thiện nhưng chưa được lắp ráp hoặc chưa phải là sản phẩm hoàn thiện nhưng đã có đặc trưng cơ bản của sản phẩm hoàn thiện với mức độ rời rạc tối thiểu bằng mức độ rời rạc của các linh kiện ô tô nhập khẩu theo quy định của Bộ KH-CN.
Với quy định trên, Nghị định 125 được coi là giải pháp giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn ở thời điểm này. Ngay sau khi Nghị định này được ban hành, một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước như Trường Hải hay Hyundai Thành Công đã lập tức điều chỉnh giá bán lẻ theo thuế nhập khẩu linh kiện mới với tỷ lệ giảm dao động 3-5%. Không chỉ giúp doanh nghiệp ô tô trong nước có thêm động lực cạnh tranh, chính sách này còn tạo điều kiện cho ngành công nghiệp ô tô phát triển.
Hà Linh (ANTĐ)
Nguồn : https://xehay.vn/khong-vo-vap-o-to-giam-gia-cuoi-nam-van-cho-2018.html