Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho rằng, 50 giáo viên sử dụng bằng trung học phổ thông giả không liên quan đến chất lượng người học lái xe.
Thông tin mới nhất PV báo điện tử Người Đưa Tin nhận được, Sở Giao thông vận tải Đắk Lắk đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận thực hành lái ôtô của 50 giáo viên tại các trường dạy lái xe trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở GTVT, qua kiểm tra, Công an Đắk Lắk đã phát hiện các giáo viên này sử dụng bằng trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông giả để làm hồ sơ được dạy thực hành lái ôtô.
Cụ thể, trong số 50 giáo viên nói trên có 8 người của trường Trung cấp nghề Bình Minh, 6 người của Trung cấp Tây Nguyên, 8 người tại Trung tâm dạy nghề cơ giới Thành Luân, 10 người tại trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên và 18 người tại Trung cấp nghề Việt Mỹ.
Dư luận lo ngại, việc các giáo viên dạy lái xe bị phanh phui dùng bằng giả sẽ để lại nhiều hệ lụy. Đặc biệt là việc những tấm bằng lái xe này liệu có đảm bảo chất lượng.
PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam xung quanh sự việc này.
Thưa ông, vụ việc 50 giáo viên dạy lái xe tại Đắk Lắk sử dụng bằng trung học phổ thông, bổ túc trung học phổ thông giả để được dạy thực hành lái ô tô, Tổng cục Đường bộ có nắm được không?
Vấn đề này phải hỏi Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk. Việc đó không liên quan đến việc đào tạo nghề. Còn về các trung tâm đào tạo lái xe, chúng tôi đã chỉ đạo Sở GTVT xử lý thật nghiêm các cơ sở đào tạo vi phạm.
Người dạy lái xe mà sử dụng bằng giả có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo học viên không, thưa ông?
Tôi nghĩ là không. Nếu cần trả lời bằng văn bản thêm về vấn đề này đề nghị gửi văn bản đến Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chúng tôi sẽ trả lời bằng văn bản.
Việc xử lý vụ việc này như thế nào, Sở GTVT Đắk Lắk sẽ làm rõ các cơ sở đào tạo tiếp nhận giáo viên dạy lái xe có đúng quy trình hay không.
Trong khi đó, cũng trao đổi với PV, TS. Vũ Đình Hiền, Phó trưởng Bộ môn Đường bộ - trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng: “Giáo viên dạy lái xe mà sử dụng bằng trung học phổ thông giả để đi dạy người khác là không được.
Về mặt thủ tục như vậy là không đúng. Năng lực người giáo viên đến đâu căn cứ vào tấm bằng người đó sử dụng. Như vậy, có thể nói việc tuyển dụng các giáo viên này vào dạy lái xe phải xem lại'.
Trước câu hỏi của PV, liệu việc này có ảnh hưởng đến chất lượng bằng lái xe, TS. Hiền nói: 'Việc người dạy lái sử dụng bằng giả không liên quan nhiều đến chất lượng người học. Bởi họ chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện kỹ năng lái xe và lý thuyết luật. Trong khi đó, để được cấp bằng có hẳn một hội đồng đánh giá, hội đồng sát hạch.
Tuy nhiên, chất lượng đào tạo của một đơn vị cũng căn cứ vào phần nào đó đội ngũ giáo viên. Bởi vậy, việc giáo viên sử dụng bằng giả cũng cho thấy chất lượng đào tạo ở trung tâm đó có vấn đề”.
Vũ Phương