Toyota luôn là bậc thầy trong việc tạo ra những chiếc xe đa dụng đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng ở những nước đang phát triển, những nơi hệ thống đường sá còn nhiều bất cập. Trước đây có mẫu Zace, sau đó là Innova, Fortuner, và giờ đây là Rush và Avanza.
Sở dĩ chúng tôi dùng từ “bậc thầy”, bởi hãng luôn hiểu tâm lý của người tiêu dùng ở những thị trường này, cần chiếc xe trang bị cơ bản và ít hỏng vặt. Nhiều người thậm chí còn nói “chẳng có gì để hỏng” để hàm ý sự đơn giản đó. Vậy mẫu Toyota Rush này ra sao?
Thiết kế và tiện ích
Toyota Rush không phải là chiếc xe có thiết kế độc đáo, thậm chí có người còn lầm tưởng nó là một phiên bản thu nhỏ của Innova đời cũ. Tổng chiều dài của chiếc xe này là 4.435mm, ngắn hơn 30cm so với Innova. Đó là mức chênh lệch rất lớn đối với hai mẫu xe đa dụng, nhưng Toyota vẫn bố trí đủ trong khoang của chiếc xe này tới 7 chỗ ngồi.
Thực sự khó hiểu khi có những chi tiết khá thô kệch còn tồn tại trên chiếc xe này. Có thể kể ra như vòi phun nước rửa kính to và thô trên capo, trong khi lưỡi gạt mưa vừa làm mất tính thẩm mỹ của chiếc xe, vừa có thể tạo cản gió và gây ồn.
Bên cạnh đó, cũng có những nét mới và hiện đại trên chiếc xe này. Đầu tiên phải kể đến là đèn chiếu xa và đèn chiếu gần đều sử dụng công nghệ LED, chiếu sáng tự động. Đèn hậu cũng sử dụng công nghệ LED, rất ấn tượng.
Bên trong, nội thất của Toyota Rush sử dụng chất liệu nhựa và nỉ. Triết lý thiết kế đơn giản và thân thiện được Toyota áp dụng triệt để.
Khoang xe rộng rãi và khá là thoải mái, với màn hình cảm ứng. Chi tiết bất ngờ và hữu ích là hệ thống đèn cảnh báo thắt dây an toàn tất cả các vị trí ngồi trong xe. Hệ thống khởi động bằng nút bấm là trang bị tiêu chuẩn.
Hàng ghế thứ hai rộng gần tương đương với mẫu đàn anh Innova, với khoảng cách giữa lưng ghế trước và lưng ghế sau là 82cm (khi người lái cao 1,7m điều chỉnh tư thế ngồi thoải mái) và đây là điều bất ngờ trên chiếc xe 7 chỗ nhỏ gọn này.
Hàng ghế thứ ba chỉ đủ cho trẻ em khi không gian giữa ghế hai và ba chỉ là 57cm. Nhưng các bạn đừng thất vọng, vì hàng ghế thứ hai có thể dịch chuyển lên 7cm, giúp người lớn tầm vóc trung bình có thể ngồi vừa ở hàng ghế sau cùng này.
Khoang hành lý cũng khá rộng, gần bằng mẫu đàn anh Innova. Tuy nhiên, cách gập ghế của Rush cũng chưa thực sự tối ưu như Kia Rondo hay Mitsubishi Xpander.
Bên cạnh những ưu điểm, người sử dụng có thể tìm thấy khá nhiều nhược điểm bên trong chiếc xe này. Có thể kể ra như màn hình cảm ứng lắp bị lệch, với các khe hở không đều, không hiểu sao chi tiết này trên xe demo lại bị lắp ráp cẩu thả đến vậy.
Khoảng cách hai ghế trước khá rộng, nhưng không có hộp chứa đồ tích hợp tỳ tay ở đây. Một số mẫu xe nhỏ hơn nhưng có hộp chứa đồ rất tiện lợi, như Honda HR-V hay Ford EcoSport.
Cụm nút bấm tổng không hề có nút bấm mở khóa, khiến người lái mỗi lần muốn mở tất cả các cửa phải móc ngón tay vào chốt.
Động lực và tính năng
Hệ thống khung gầm chính là yếu tố mà người sử dụng ở những nước đang phát triển rất thích. Cũng giống như các mẫu đàn anh, Toyota Rush cũng được trang bị hệ thống treo phía sau kiểu cầu cứng, dẫn động cầu sau, bắt nguồn từ xe tải cỡ nhỏ.
Nhược điểm của loại treo này là khi đi trên xa lộ và tốc độ cao, đặc biệt khi ôm cua, sẽ tạo cảm giác tròng trành hơn so với các loại hệ thống treo độc lập hoặc thanh chịu xoắn.
Nhưng ưu điểm của hệ thống treo này cũng rất nhiều. Đầu tiên, khi tải nặng, độ cao gầm xe thay đổi không đáng kể, tối ưu khả năng vượt chướng ngại vật. Ngoài ra, trục láp được hộp cầu bao bọc, bên trong có mỡ bôi trơn. Kết hợp với hệ thống cân bằng điện tử, hệ thống gầm của Rush khi chạy trên đường xấu có thể chống trượt và chịu va đập rất tốt, bền bỉ trong cả chục năm sử dụng nếu được bảo dưỡng định kỳ.
Do bền bỉ nhiều năm, nên chi phí bảo dưỡng hay thay thế hệ thống gầm cũng rất phải chăng. Một vài chi tiết sau dăm bảy năm sử dụng có thể phải thay như phớt chắn dầu hay bi chữ thập, với chi phí không đáng kể.
Về khả năng cách âm, độ ồn trong khoang ca-bin của Toyota Rush ở mức 57dB (tốc độ 50km/h) và 67dB (100km/h) và đây là mức trung bình, không thật sự ấn tượng.
Động cơ 1.5L công suất chỉ 102 mã lực, nhưng trên xa lộ Việt Nam, khả năng tăng tốc ở dải vòng tua thấp rất tốt, với chân ga khá nhạy bén. Tiếc rằng khi ở tốc độ trên 60km/h, sức bật của động cơ chỉ ở mức trung bình, nên người lái cần tính toán và kiên nhẫn trong những pha vượt xe. Hộp số tự động 4 cấp làm việc vụng về khi bị thúc ép và đây cũng là một điểm trừ của Rush. Nhưng hệ thống chống trượt và 6 túi khí lại là những điểm được đánh giá cao.
Kết luận
Toyota Rush có thể được ví như một “gã trai mộc mạc”. Đây là chiếc xe không có gì độc đáo về thiết kế hay tiện ích, không bắt mắt hay bảnh bao, nhưng ưu điểm là không ngại gian khó, rất linh hoạt và bền bỉ trên những địa hình xấu, và cũng rất tiết kiệm.
Chính vì những ưu và nhược điểm đó, Toyota Rush là lựa chọn lý tưởng của những người tìm kiếm một chiếc xe 7 chỗ nhỏ gọn và bình dị cho gia đình.
Thông số kỹ thuật Toyota Rush 1.5L AT
Giá (đã gồm VAT) | 668 triệu đồng |
Dài x Rộng x Cao | 4.435 x 1.695 x 1.705 |
Chiều dài cơ sở | 2.685 |
Trọng lượng không tải | 1.290 |
Động cơ | 2NR-VE (1.5L) I4, Phun xăng điện tử |
Công suất cực đại | 102 mã lực tại 6.300 vòng/phút |
Mô men xoắn cực đại (Nm / vòng / phút) | 134/4.200 |
Hệ thống dẫn động | 4AT, dẫn động cầu sau |
Hệ thống treo trước/sau | McPherson/phụ thuộc đa liên kết |
Hệ thống phanh trước/sau | Đĩa/tang trống |
Kích cỡ lốp | 215/60R17 |
Bài và ảnh: Việt Anh – Trần Dương