Tại buổi ký kết chương trình hợp tác về an toàn giao thông giữa Ủy bản ATGT quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) mới đây, 2 nghiên cứu về thực trạng giao thông ở TP HCM và Thái Nguyên được khá nhiều người chú ý. Kết quả của các nghiên cứu cho thấy, xe máy vẫn sẽ là phương tiện di chuyển chính của người dân trong 5 đến 10 năm tới.
Ký kết hợp tác giữa Ủy ban ATGT Quốc gia và VAMM.
Cụ thể, bản báo cáo nghiên cứu của Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, mỗi hộ gia đình ở thành phố này có trung bình 4,12 thành viên, trong đó 2,29 người có việc làm và sở hữu 2,33 xe máy. Đối với những người từng sở hữu xe máy, tỷ lệ người tiếp tục mua xe mới để sử dụng lên đến 94. Có thể thấy xe máy là một phần không thể thiếu và dường như khó có thể thay thế trong đời sống sinh hoạt của người dân.
PGS.TS Chu Công Minh trình bày nghiên cứu “Sở hữu và sử dụng xe máy tại TP HCM”.
Một điểm đáng lưu ý khác đó là lượng xe máy lưu hành có xu hướng gia tăng, đồng thời vấn đề sử dụng xe máy cũ được các chuyên gia đánh giá có thể khiến mức độ tai nạn trở nên nghiêm trọng hơn. Với xe sử dụng 6-10 năm, tỷ lệ xe gặp phải các mức tai nạn khác nhau là tương đối ổn định, tương ứng là 38%, 43%, 36%, 40%. Ngược lại, với xe sử dụng 1-5 năm, tỷ lệ xe gặp phải tai nạn theo mức độ tăng dần có xu hướng giảm dần, tương ứng với 51%, 43%, 49%, 30%. Những con số trên đặt ra nhu cầu cần thiết về vấn đề quản lý niên hạn xe máy, nhằm tăng tính an toàn - theo đề xuất của các chuyên gia.
Đồng quan điểm với bản nghiên cứu tại TP HCM, khi trao đổi với báo giới, ông Yano Takeshi - Tổng giám đốc Yamaha Việt Nam, Chủ tịch VAMM cho biết nhu cầu và thói quen sử dụng xe máy của người Việt vẫn còn rất cao trong tương lai. Thực tế đúng như ông Yano Takeshi chia sẻ, xét về thu nhập bình quân đầu người 45,7 triệu đồng/năm trong năm 2015, một người Việt phải mất từ 6 tháng đến một năm mới mua được một chiếc xe máy bình dân hoặc cao cấp, trong khi phải mất ít nhất 8-10 năm mới có thể sở hữu một chiếc ôtô giá rẻ nếu không có chi phí phát sinh. Chưa kể những vướng mắc trong cơ sở hạ tầng giao thông, bến bãi cũng khiến nhu cầu sở hữu ôtô vẫn là ước mơ của số đông người Việt.
Về phía VAMM, các hãng cam kết sẽ phát triển sản phẩm chất lượng, có mức tiết kiệm nhiên liệu cao, thân thiện với môi trường, an toàn cho người sử dụng, đồng thời triển khai các chương trình đào tạo, tuyên truyền kiến thức lái xe an toàn, góp phần cải thiện môi trường giao thông Việt Nam.
Đối với đề xuất hạn chế xe máy ở những thành phố lớn, Chủ tịch VAMM cũng cho biết việc hạn chế xe máy tại Việt Nam đòi hỏi có lộ trình rõ ràng, với hệ thống giải pháp đồng bộ để hài hòa với mong muốn, thói quen của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà sản xuất xe máy Việt Nam cũng cần được cân nhắc để phù hợp với thực trạng đầu tư, phát triển hệ thống giao thông công cộng thành phố trong từng thời kỳ.
Ông Yano Takeshi - Chủ tịch VAMM.
Ngoài ra, VAMM cũng bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện chia sẻ quan điểm, đóng góp kinh nghiệm và hợp tác cùng chính phủ nhằm xây dựng những dự thảo phát triển giao thông xe máy trong thời gian tới một cách toàn diện, phù hợp với thực tế và mang lại nhiều ích lợi cho người dân khi tham gia giao thông.
Trong nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý và giải quyết các vấn đề về giao thông tại Việt Nam, VAMM đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia quốc tế để đề xuất những giải pháp thiết thực, phù hợp với giao thông Việt Nam. Tại sự kiện ký kết, VAMM đã mời đến ông Shigeo Yoshizawa, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Quốc tế IMMA. Ông đã đưa ra một số giải pháp hữu ích, sáng tạo từ các quốc gia như làn xe buýt mở cho người đi xe máy ở Anh, làn dừng xe ưu tiên cho xe máy ở Indonesia và Tây Ban Nha, làn ưu tiên dành cho xe máy ở Đài Loan... Điểm đáng chú ý là các quốc gia trên đặc biệt chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao kỹ năng và ý thức tham gia giao thông của người dân mọi lứa tuổi. Đây chính là bài học kinh nghiệm giá trị, mở ra hướng đi bền vững cho các nhà quản lý Việt Nam.
2016 là năm thứ 2 Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam (VAMM) thực hiện việc ký kết hợp tác về ATGT với Ủy ban ATGT Quốc gia. Với thông điệp 'Chung tay vì một môi trường giao thông Việt Nam an toàn', chương trình năm nay sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền và đào tạo nâng cao ý thức, kỹ năng tham gia giao thông cho người dân, góp phần xây dựng môi trường giao thông an toàn hơn.