Ông Preston Henn là chủ một khu chợ trời nổi tiếng tại Mỹ, một nhà chơi xế độc, xế cổ lừng danh tại xứ sở cờ hoa. Có rất nhiều siêu xe mang trên mình logo Ngựa chồm trong kho tàng xe đồ sộ của ông, bao gồm cả Ferrari FXX và LaFerrari. Thế mà khi 200 khách hàng “VIP” nhận được thư mời mua chiếc hypercar mui trần LaFerrari Aperta, ông Henn không nằm trong danh sách đó. Ngay lập tức, ông phản ứng theo đúng cách của một ông trùm chợ trời: khởi kiện.
Ông kiện Ferrari “làm tổn hại danh tiếng bản thân” và muốn hãng xe Ý làm riêng cho mình 1 chiếc LaFerrari Aperta kèm theo hơn 100.000 USD “đền bù thanh danh”. Liệu điều đó có khiến ông có được LaFerrari Aperta? Không. Tiền đền bù? Không. Hành động khởi kiện có khiến Preston mãi mãi bị loại ra khỏi danh sách khách hàng được sở hữu xe sản xuất giới hạn của Ferrari? Có.
Những tay chơi lão luyện đa phần đều đồng tình rằng việc đối đầu với các hãng sản xuất xe thường không mang lại những chiếc xe mà họ muốn. Một ví dụ điển hình là ông James Glickenhaus, nhà sưu tầm xe, đạo diễn phim lừng danh và là một người đam mê xe đich thực, nhất là xe đua Ferrari. Ông nổi tiếng là một người không khoan nhượng và được biết đến như một nhà sưu tầm “không bao giờ bán xe”. Trên thực tế, ông chưa hề bán một chiếc xe nào trong bộ sưu tập của mình kể từ năm 1972 đến nay.
James và những cỗ máy vô giá của ông
Nếu như đó chỉ là những siêu xe “thường thường bậc trung” thì đã chẳng có gì quá ghê gớm. Tuy nhiên, chúng ta đang nhắc đến những báu vật vô giá: đó là Ferrari 159 S Spyder Corsa đời 1947 – chiếc Ferrari lâu đời nhất còn tồn tại; đó là Ford GT40 Mark IV số khung 002 – chiếc thứ hai trong số sáu chiếc Mark IV được sản xuất, những chiếc GT40 “thuần Mỹ” duy nhất lên ngôi tại Le Mans. Đó còn là P4/5, chiếc xe độc nhất mà Ferrari và Pininfarina làm riêng cho James và SCG 003, chiếc xe thứ ba của hãng xe mang tên ông - Scuderia Cameron Glickenhaus.
Dù rất đam mê xe Ferrari nhưng không phải lúc nào mối quan hệ của James và hãng siêu xe Ý cũng êm thấm. Trước đây, James Glickenhaus đã có những “cuộc chiến pháp lý” với Ferrari về chiếc 308 “dở tệ” của ông hay khi ông giành quyền được đặt tên Ferrari cho chiếc P4/5 thửa riêng. Theo James, chỉ có hai cách để sở hữu chiếc xe bạn thực sự khao khát. “Một là bạn tự tạo ra chiếc xe đó như cách tôi làm, hai là cúng cho các hãng xe hàng núi tiền, biết đâu một ngày đẹp trời, họ sẽ bán cho bạn một chiếc LaFerrari thì sao, haha!”
Bất kỳ ai với túi tiền đủ lớn cũng có thể bước vào showroom và đặt mua một chiếc Ferrari Portofino hay Aston Martin Vantage. Tất nhiên, đó vẫn là những cỗ máy đáng mơ ước đối với 99% kẻ mê xe, nhưng so với những cỗ máy hiếm có hàng đầu như LaFerrari hay Lamborghini Veneno, chúng chẳng khác nào những chiến binh được chôn sống để phục vụ Pharaon ở cõi vĩnh hằng. Họ cũng ở trong kim tự tháp, nhưng không phải ở vị trí quyền lực nhất. Một triệu phú đô la bất kỳ chẳng thể nào bước vào showroom Aston Martin gần nhà và ký một tấm séc mua một chiếc Valkyrie được. Anh ta phải có tên trong The List – danh sách những khách hàng “VIP” nhất!
The List là một thứ gì đó hơi mang sắc màu huyền bí. Cũng tương tự như việc những hộp đêm “hot” nhất luôn có những khu vực riêng, ít người dám bàn về The List một cách công khai. Đơn giản vì nhất cử nhất động của những khách hàng có mặt trong danh sách quyền lực này đều ảnh hưởng tới việc họ có thể sở hữu những cỗ máy triệu đô hay không. Ba hoa về việc mình nằm trong danh sách những khách hàng chịu chi nhất của Ferrari? Rất có thể điều đó sẽ khiến bạn bị loại khỏi The List mà không được báo trước.
Cả Aston Martin, Ferrari, Lamborghini hay McLaren đều thừa nhận họ có “danh sách những khách hàng tiềm năng nhất”. “Chúng tôi hiểu rõ từng khách hàng quan trọng nhất của mình, từng người một”, Nicola Boari, Giám đốc Tiếp thị sản phẩm của Ferrari chia sẻ. “Họ là những người mà chúng tôi nhắm đến mỗi khi lên kế hoạch về một siêu xe sản xuất giới hạn. Ferrari sẽ liên hệ trực tiếp từng người một”.
The List sẽ quyết định việc có bao nhiêu siêu xe cỡ LaFerrari hay McLaren P1 được sản xuất. Bao giờ cũng vậy, các hãng xe luôn muốn cầu vượt cung, tức là mọi chiếc xe triệu đô của họ sẽ có chủ trước khi chúng thực sự lên dây chuyền sản xuất. Ví dụ, khi McLaren thông báo kế hoạch sản xuất P1 tới những khách hàng chịu chơi nhất của họ, đã có 1.500 người quan tâm đến nó, siêu xe kế nhiệm huyền thoại F1.
“Thực tế thì sẽ có khoảng 50% khách hàng chỉ nói chơi mà thôi”, John Paolo Canton, Giám đốc Quan hệ công chúng của chi nhánh McLaren Bắc Mỹ chia sẻ. “Điều đó có nghĩa là 750 người thực sự muốn sở hữu P1, nhưng không đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ sản xuất 750 chiếc McLaren P1”.
Con số thực tế chỉ là 375 chiếc. Bằng việc chỉ cho 50% lượng khách hàng tiềm năng sở hữu siêu xe P1, McLaren đã “một mũi tên trúng hai đích”: những người mua được xe thực sự cảm thấy thỏa mãn và cảm thấy họ được đối đãi đặc biệt, còn những người không thể sở hữu P1 sẽ có động lực tranh giành những chiếc xe triệu đô tiếp theo mà McLaren sản xuất.
Làm thế nào để chen chân vào The List? Đầu tiên là “tiền đâu”! Bạn phải thật giàu, ít nhất là đủ giàu để có tên trong Hồ sơ Panama. Tiếp theo, bạn cần thể hiện độ chịu chơi của mình bằng cách mua những siêu xe “chiếu dưới” một cách không tiếc tiền. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, bạn cần có mối quan hệ tốt với những người đại diện hãng và trên hết, bạn phải chủ động lên tiếng.
Kris Singh, một trong hai người sở hữu Lamborghini Veneno Coupe tại Mỹ
Kris Singh, một tay chơi xe nức tiếng tại Florida, luôn thẳng thắn tiết lộ đam mê siêu xe của anh. “Khi thấy chiếc Lamborghini Aventador J, tôi thực sự bị sốc. Nó chính là những gì Lamborghini làm tốt nhất: tạo ra những siêu xe không giống ai, và tôi thích điều đó. Vì vậy, tôi liên hệ với tất cả những người đại diện Lamborghini mà tôi biết, bao gồm Giám đốc kinh doanh Lamborghini Bắc Mỹ, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển của Lamborghini và Chủ tịch Lamborghini Bắc Mỹ. Tôi nói với họ: “Này các anh, lần sau nếu các anh tạo ra thứ gì tương tự như vậy, nhớ báo tôi biết nhé!”.
Kris không chỉ nói mà còn rất tích cực làm. Anh đã mua vài chiếc Gallardo và Murcielago và còn rất tích cực hoạt động trong các hội chủ xe Lamborghini. Nỗ lực của Kris Singh đã được ghi nhận. Năm 2013, anh gây sốc khi trở thành một trong hai người Mỹ duy nhất sở hữu siêu xế Lamborghini Veneno với giá bán gần 4 triệu USD. Kris quyết định bỏ ra nhiều triệu USD mua xe trong khi còn chưa nhìn thấy dù chỉ là 1 bức ảnh về nó!
“Chúng tôi luôn bán xe theo kiểu đến trước, phục vụ trước”, Vittorio Gabba, Giám đốc bộ phận cá nhân hóa Ad Personam của Lamborghini hé lộ. “Điều đó có nghĩa là khách hàng nào đặt tiền trước thì sẽ nhận xe trước, rất đơn giản! Chúng tôi luôn ưu tiên nhóm khách hàng trung thành trước khi liên hệ tới những người có mối quan hệ kém sâu sắc hơn. Tuy nhiên, Lamborghini không nhất thiết đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối. Chúng tôi biết có nhiều khách hàng của mình đang đồng thời sở hữu những chiếc Bugatti, McLaren P1 hay LaFerrari. Lamborghini luôn chào đón những khách hàng sở hữu nhiều thương hiệu xe khác nhau, chúng tôi luôn muốn xây dựng mối quan hệ với những khách hàng đó, dù có thể họ đang lái một chiếc Ferrari hằng ngày”.
Mark Lindee, 41 tuổi, một là đầu tư tiếng tăm tại California, là một ví dụ như thế. Ông quyết định đặt riêng một chiếc McLaren P1 trong khi vẫn đang thường xuyên sử dụng Ferrari 458 Italia. “McLaren vẫn còn là một thương hiệu khá mới lạ khi họ trình làng chiếc P1. Họ có một phòng trưng bày tại Beverly Hills và Tổng giám đốc ở đó đã từng làm việc tại Ferrari và đã trực tiếp bán cho tôi chiếc 458 Italia. Khi McLaren hé lộ về chiếc P1, vị Giám đốc này đã gọi tôi và nói: “Mark này, anh phải sở hữu một chiếc P1, tin tôi đi”.
Để có thể bước lên những nấc thang cao hơn trong The List, ngoài việc phải có nhiều tiền và quan hệ tốt thì những hành động đẹp của chủ xe cũng là rất cần thiết. Cho hãng xe mượn xe hiếm để trưng bày trong các sự kiện đặc biệt, hay dùng sức ảnh hưởng của mình để làm từ thiện cũng là những hành động giúp chủ xe nhận được sự ưu ái. Thậm chí, việc sử dụng một chiếc xe theo đúng công năng thiết kế của nó – thay vì coi nó là một đồ trưng bày đắt giá – cũng được đánh giá cao. Ông Matt Clarke, Giám đốc Marketing Aston Martin Bắc Mỹ khẳng định: “Chúng tôi không muốn những chiếc Vulcan bị cùm chân ở một gara bí mật nào đó. Chúng tôi muốn những người mua Vulcan thực sự lái nó trong trường đua”.
Khi phục vụ những khách hàng sẵn sàng bỏ vài triệu đô mua siêu xe họ còn chưa trực tiếp nhìn thấy – những người khó chấp nhận một cái lắc đầu, bài toán khó của mọi hãng xe là làm thế nào để làm vừa lòng tất cả. Số lượng sản xuất của một siêu xe siêu hiếm có thể là quá giới hạn, và đôi khi đơn giản là có quá nhiều người trong The List muốn sở hữu nó. Vittorio Gabba tiết lộ: “Những người trong danh sách thường rất quyết tâm, nhưng họ cũng biết rằng cái gì cũng có giới hạn. Với những khách hàng chưa có được mẫu xe họ muốn, chúng tôi sẽ ưu tiên họ lần sau”.
Kris Singh đã bỏ lỡ cơ hội sở hữu McLaren BP23, chiếc hypercar kế nhiệm huyền thoại F1. Anh nói: “McLaren bảo tôi rằng: anh chưa từng sở hữu một chiếc McLaren nào, chúng tôi không thể từ chối những người đang sở hữu P1 hay F1 để ưu tiên anh được”. “Bạn biết không, tôi thực sự tôn trọng quyết định đó của McLaren”, Singh chia sẻ.
Vậy đấy, bạn phải có rất nhiều tiền, phải rất chịu chi và có quan hệ tốt đối với những hãng xe như Ferrari hay Lamborghini để được sở hữu siêu xe triệu đô. Nếu thiếu những điều trên, bạn phải sẵn sàng bỏ ra gấp 3 lần giá niêm yết để mua một chiếc LaFerrari hay McLaren P1 “đã qua sử dụng” từ tay những kẻ đầu cơ!
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)
Nguồn : https://xehay.vn/mua-sieu-xe-de-hay-kho.html