Geely mới đây đã trở thành cổ đông cá nhân lớn nhất của công ty mẹ Mercedes. Nhiều thương hiệu nổi tiếng phương Tây đến nay cũng đã bị Trung Quốc thâu tóm một phần.
Daimler
Theo thông tin từ Bloombergm, cũng thông qua Geely, ông Li Shufu hiện đang sở hữu 9,69 % cổ phần của tập đoàn Daimler. Số cổ phần mà ông sở hữu trị giá 7,3 tỷ Euro (tương đương 9 tỷ USD). Hiện tại, ông Li Shufu đang là cổ đông cá nhân lớn nhất của tập đoàn này. Hiện nay 70,7% cổ phần của Daimler thuộc về các nhà đầu tư là tổ chức, quỹ đầu tư; 19,4% thuộc sở hữu của những nhà đầu tư cá nhân.
Đại diện của Daimler cũng đã xác nhận với Bloomberg về thương vụ này và tỏ ra rất tin tưởng đối với tỷ phú người Trung Quốc này. Tập đoàn này cho biết: 'Li Shufu là một doanh nhân Trung Quốc mà Daimler biết rất rõ và đánh giá cao về năng lực cũng như khả năng phát triển trong tương lai'.
Volvo
Theo như thông tin từ tờ New York Times, Ford và Geely đã thỏa thuận và được công bố vào ngày 28/3/2010 về thương vụ Geely sẽ trả cho Ford 1,8 tỷ USD để có được Volvo, trong đó 1,6 tỷ USD là tiền mặt, còn lại là hối phiếu. Thỏa thuận được hai bên hoàn tất vào quý 3 năm 2010.
Đây được ghi nhận là thương vụ mua lại lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công nghiệp ôtô của Trung Quốc. Nhờ tiềm lực tài chính mạnh, hãng xe Trung Quốc dần nâng tầm Volvo lên hàng xe sang, cạnh tranh với những đối thủ như Mercedes, BMW, Audi, Lexus.
Với giá bán trên Ford đã lỗ đậm bởi vào năm 1999, Ford đã mua thương hiệu này với mức giá 6 tỷ USD nhưng do quay sang phát triển các dòng xe 'bình dân' nên Ford đã bán đi khá nhiều thương hiệu trong đó có Jaguar và Land Rover được sang tay cho tập đoàn Tata của Ấn Độ với mức giá 2,3 tỷ USD.
London Taxi
Ngay sau thương vụ với Volvo, tập đoàn Geely tiếp tục mua hãng Taxi London (The London Taxi Company hay có tên cũ là Manganese Bronze). Đây chính là thương hiệu nổi tiếng với những chiếc xe đen trên đường phố thủ đô nước Anh.
Terrafugia
Đến tháng 10/2017 Geely đã xác nhận về việc mua lại hãng Terrafugia để gia nhập đội ngũ các hãng sản xuất xe bay, mặc dù vậy các kế hoạch Geely phát phiển Terrafugia vẫn chưa được hãng công bố, hiện trụ sở của hãng sản xuất xe bay này vẫn được đặt tại Mỹ.
Có thể nói thương hiệu Terrafugia là một trong những hãng tiến xa nhất trong nỗ lực phát triển xe bay trên thế giới. Thậm chí hãng đã có kế hoạch tung ra mẫu xe đầu tiên vào năm 2019. Dự án xe bay mang tên Transition đã được nghiên cứu thử nghiệm hàng trăm giờ với các xe nguyên mẫu khác nhau trong vòng 8 năm qua.
Proton
Ngoài những thương hiệu ở phương Tây, Geely cũng đã bắt đầu quan tâm đến các thương hiệu ở những thị trường khác. Vào hồi tháng 6/2017, Tập đoàn DRB - Hicom (Malaysia) và Tập đoàn Zhejiang Geely (ZGH - Trung Quốc) đã ký thỏa thuận để nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc mua 49,9% cổ phần Proton. Đây là một thương vụ đánh dấu một thời kỳ đổi mới cho Proton - hãng xe nội địa của Malaysia và đồng thời đưa Geely đặt chân vào thị trường Đông Nam Á đang vô cùng sôi động.
Được biết, Proton sẽ được phát triển thành trung tâm sản xuất các mẫu xe tay lái nghịch của Geely. Nền tảng công nghệ của Geely cũng được sử dụng đối với hãng xe nội địa này. Proton thông qua thương vụ này có thể dễ dàng tiếp cận với các thị trường bên ngoài hơn cụ thể là thị trường Đông Nam Á và thị trường Trung Quốc.
Lotus
Đây là một thương hiệu xe thể thao Anh quốc đã được thâu tóm về tay Proton vào năm 1996. Như vậy, sau thương vụ với Proton, tập đoàn Zhejiang Geely Holding cũng tiến tới sở hữu 51% cổ phần Lotus. 49% cổ phần còn lại do tập đoàn Etika Automotive nắm giữ. Jean-Marc Gales, CEO hiện tại của Lotus (gia nhập hãng vào năm 2014) tiếp tục tại vị dù công ty có chủ mới. Ba trong số trong năm vị trí của ban lãnh đạo Lotus do Geely chỉ định, còn lại là Etika.
MG
MG là một thương hiệu xe Anh quốc có tiếng và đã được hãng SAIC Motor của Trung Quốc (trụ sở tại Thượng Hải) mua lại vào năm 2005. MG đã bị hãng này dừng hoạt động nhà máy Longbridge và chuyển mọi thứ sang Trung Quốc.
Pirelli
Hãng lốp xe Pirelli của Italy đã được Tập đoàn Hóa chất Quốc Gia Trung Quốc mua lại với giá 7.1 tỷ USD vào ngày 22/3/2015. Thỏa thuận này đánh dấu cuộc chuyển giao một trong những biểu tượng công nghiệp của Italy về tay Trung Quốc.
Theo thỏa thuận, ban đầu ChemChina sẽ mua 26,2% cổ phần của Pirelli - công ty 143 năm tuổi, sau đó tiếp tục thâu tóm toàn bộ phần còn lại của công ty này.
Sunseeker
Công ty sản xuất du thuyền Sunseeker International Ltd. của Anh Quốc vào năm 2015 cũng đã bị mua lại bởi Tập đoàn Dalian Wanda Group Corp của Trung Quốc. Tập đoàn này đã mua 91,8% cổ phần trị giá 320 triệu bảng Anh (tương đương 398 triệu USD).
Sunseeker là hãng sở hữu các du thuyền cao cấp nổi tiếng từng xuất hiện trong loạt phim James Bond. Giá của một chiếc thuyền sang trọng Sunseeker không dưới 400.000 bảng Anh và những du thuyền hàng đầu mới ra có giá khoảng 20 triệu bảng.
Quỳnh Trang (Tuoitrethudo)
Nguồn : https://xehay.vn/nhung-thuong-hieu-noi-tieng-the-gioi-bi-cac-nha-dau-tu-trung-quoc-thon-tinh.html