Tuy nhiên tình trạng này sẽ nhanh chóng thay đổi khi mới đây Lord Gaben đã chỉ thị cho đệ tử của mình tại Valve bắt tay thành lập liên minh ma quỷ cùng Perfect World để mang nền tảng Steam ra mắt tại thị trường béo bở này một cách đường đường chính chính.
Nói như kiểu đãi bôi của ông lớn này thì “Đây là thương vụ lớn đồng thời sẽ cung cấp cho game thủ và các nhà phát triển game tại Trung Quốc một cách “mới” để truy cập vào các trò chơi cũng như nền tảng giải trí rộng lớn của Steam“. Nghe ngon ăn là thế nhưng hình như đám game thủ tại chính thị trường bản địa dường như không hào hứng lắm trước viễn cảnh này. Họ đang lo ngại điều gì vậy?
Steam đang có 150 triệu khách hàng đăng ký và 18.5 triệu người sử dụng cùng lúc
Đầu tiên là vấn đề kiểm duyệt hình ảnh, chắc các fan World of Warcraft còn nhớ vụ phốt censored cực kỳ bá đạo mà Ủy ban kiểm duyệt nước này từng làm với phiên bản phát hành tại thị trường Trung Quốc của tựa game này chứ? Những gì bị coi là bạo lực hoặc trái với thuần phong mỹ tục theo đánh giá của cơ quan có thẩm quyền gồm máu me, xương xẩu, hở hang… đều nhất loạt bị gỡ bỏ hoặc thay đổi bằng những hình ảnh khác, tươi sáng và ít gợi tả hơn. Dù qua ải của cơ quan kiểm duyệt thế nhưng phiên bản censored này cũng bị đánh giá là lố bịch, ngu si và hàng tá những từ ngữ tiêu cực khác từ giang cư mận nhưng rồi sao, một là làm theo để phát hành, hai là nhấn nút biến, không quá khó để Blizzard chọn chọn nhỉ?
Không chỉ Blizzard, nhiều ông lớn cũng từng gặp khó với sở thích cũng như nhân sinh quan có phần hơi khác người từ Ủy ban kiểm duyệt. NetEase khi phát hành Diablo III đã phải đổi màu máu từ đỏ thành một thứ gì đó xám xám mà họ gọi là máu. Apple buộc phải gỡ bỏ ấn bản điện tử của New York Times ra khỏi App Store nếu không muốn gặp rắc rối. PlayStation Store China thì luôn bị cười nhạo bởi lượng game ít ỏi trong kho và kinh điển nhất là cổng WeGame của Tencent – một hình thức tương tự Steam tại Trung Quốc, chỉ có vỏn vẹn 70 đầu game, thật là đáng xấu hổ nếu so sánh với sản phẩm của Thánh Gaben.
Hàng triệu game thủ Trung Quốc dùng VPN để vượt tường lửa và phát ngôn trên Steam Community
Một vấn đề khác cũng khiến đám game thủ Trung Quốc đau đầu chính là viễn cảnh họ sẽ không thể thích gì nói đó như trước đây khi tham gia bản Steam quốc tế. Những game thủ quen thói phát ngôn vô tội vạ trên bản Steam quốc tế e ngại không chóng thì chầy họ sẽ bị khóa mõm nếu Steam áp dụng các điều khoản cũng như nguyên tắc ứng xử do Ủy ban kiểm duyệt đề ra đối với các sản phẩm văn hóa giải trí muốn thâm nhập vào đất nước này. Những tay cực đoan còn cho rằng Lord Gaben đã quá “đói” nên phải cắn răng vào Trung Quốc để tiếp tục mở rộng thị trường đồng thời gây áp lực với đối thủ tiềm năng WeGame của Tencent.
WeGame của Tencent, đối thủ cực mạnh của Steam tại Trung Quốc
Những phần tử ôn hòa hơn thì lại cho rằng đây là xu thế tất yếu bởi với quy định bất di bất dịch của nước này nếu Thánh Gaben không thỏa hiệp bằng cách hoạt động theo định hướng của cơ quan quản lý, việc Steam bị chặn tại thị trường béo bở nhất thế giới này chỉ là vấn đề thời gian. Và như thế thay vì làm lợi cho Tencent hay bất cứ con cá mập nào tại thị trường này, vì sao Valve không bắt tay cùng thằng bồ tèo chí cốt Perfect World từng đưa thành công Dota 2 về bản địa để tiến hành hợp pháp hóa việc xuất hiện của Steam tại Trung Quốc cơ chứ?
Nguồn : https://motgame.vn/valve-bat-tay-perfect-world-mang-steam-tien-cong-thi-truongtrung-quoc.game