Bọn trẻ thường hay hát rằng: Khi xưa ta bé ta ngu, ta lấy dây thun ta bắn con… à mà hãy quay lại với vấn đề chính nhé. Ai trong đời mà chẳng vài lần chơi ngu, còn hãng game thì đặc biệt hơn bởi họ có nhiều người, có nhiều cái đầu thông minh nhưng thỉnh thoảng lại bị chạm mạch nên sinh ra một số trò chơi ngu tốn kém cả đống tiền.
Hãy cùng TCN điểm lại một số trò chơi ngu kinh điển trong quá khứ của các hãng game nhé.
Blizzard muốn tạo một MMO kết hợp FPS và pha trộn Sims
Blizzard trước giờ vốn là một hãng game danh tiếng với rất nhiều sản phẩm mang tính sáng tạo. Tất nhiên không phải sáng tạo nào cũng có thể thực hiện được, đó là khoảng cách giữa hiện thực và tưởng tượng. Project Titan là một trong số những ý tưởng “quá cao siêu” như vậy.
Một phác thảo nhân vật trong Project Titan
Từ sau thành công rực rỡ của World of Warcraft, Blizzard tiếp tục nuôi mộng dẫn đầu làng game online với một sản phẩm “bá đạo” mang tính cách mạng thay đổi bộ mặt của cả thể loại game lớn này. Hãng đã khởi động project Titan với ý tưởng làm một game MMO có cách chơi FPS và tính casual như Sims. Tất nhiên như nhiều người đã biết, sau 7 năm phát triển họ đã chính thức tuyên bố đóng cửa dự án.
Tất cả chi phí nhân công, công nghệ đổ vào cho Project Titan đều coi như tiền ngu một đi không trở lại. Cái vớt vát cuối cùng là ông lớn này đã “gỡ” phần FPS của Titan ra và chỉnh sửa lại làm thành Overwatch. Chỉ với phần đó thôi đã giúp Overwatch thành công như vậy, bạn thử tưởng tượng xem nếu Blizzard mà làm thành công Project Titan thì họ sẽ bá đạo đến cỡ nào?
Nhân vật Tracer, một trong những mẫu hero được yêu thích nhất trong Overwatch
Tuy nhiên sự thật là họ đã không làm nổi, đó là một màn chơi ngu kinh điển khi đổ hàng tấn tiền theo đuổi một thứ vượt quá xa sức thực hiện của mình. Dù sao màn chơi ngu này của Blizzard cũng rất đáng hoan nghênh vì nhờ đống tro tàn của nó mà làng game lại phát triển thêm một bậc.
Duke Nukem Forever và một tựa game khiến người ta chờ gần như “forever”
3D Realms là một hãng game danh tiếng những năm 90 với nhiều sản phẩm game bắn súng FPS siêu hay như Shadow Warrior, Wolfenstein thậm chí là series Max Payne và cuối cùng là anh cơ bắp Duke Nukem. Năm 1996, sau thành công của Duke Nukem 3D, 3D Realms nuôi mộng làm một tựa game Duke Nukem hoàn hảo để lưu truyền hậu thế nên đặt tên nó là Duke Nukem Forever.
Duke Nukem Forever chứa nhiều nội dung hài hước nhưng lại quá lỗi thời trong thể loại FPS
Cái tên nó ám vào cái vận nên tựa game này đúng nghĩa “forever”. Được phát triển ngay lúc làng game chuyển mình mạnh mẽ về công nghệ và cách làm game, Duke Nukem Forever luôn rơi vào tình trạng làm gần xong thì bị tụt hậu về công nghệ. Nó liên tục bị thay engine nhiều lần, cứ mỗi lần một game mang tính cách mạng như Halo, Half-Life ra mắt thì nó lại bị “xé nháp làm lại”.
Mãi đến tận năm 2009 sau 13 năm đổ tiền của và công sức vào Duke Nukem Forever, 3D Realms tuyên bố “tao làm hết nổi rồi!” và tuyên bố phá sản vì hết tiền. Sau nhiều năm nữa im hơi lặng tiếng, Gearbox Software đã mua được bản quyền phát triển Duke Nukem Forever và tiếp tục công cuộc trường kỳ làm game này.
Đáng nhớ nhất có lẽ là con boss Alien Queen này
Đến tận năm 2011 game này mới chính thức ra mắt nhưng nhận được kết quả đáng giá khá tệ hại với mức điểm từ 3-5 trong thang điểm 10 của hàng loạt tên tuổi như gamespot, gamespy, destructoid… Điều này một lần nữa khiến Gearbox cũng mất tiền vì chơi ngu theo người tiền nhiệm 3D Realms. Một tựa game hại 2 nhà phát triển, quá đủ cho một trò chơi ngu, eh?
GTA San Andreas uống ly café nóng giá 20 triệu USD
Công bằng mà nói GTA San Andreas là một tiền đề quan trọng cho sự thành công của dòng GTA sau các cuộc cách mạng mang tên GTA III và Vice City. Bản thân nó là một game mang tính đột phá không kém và làm tiền đề để GTA V thành công rực rỡ sau này. Tuy nhiên trong sản phẩm này Rockstar đã có một sơ xuất thuộc dạng chơi ngu khiến họ trả giá đắt.
Số là không biết ngẫu hứng hay sao mà nhà phát triển Rockstar đã tạo ra một mini game “đá phò” thuộc loại 18+ trong GTA San Andreas, tất nhiên nó đã bị cắt bỏ khi game phát hành nhưng không hiểu vì sao mã nguồn của nó còn nằm lại trong bản cài chính thức. Các hacker khi soi mã nguồn đã phát hiện ra nó và làm một bản mod đặt tên là “hot coffee” để kích hoạt nó trở lại.
Cái cảnh như đánh nhau thế này lại được thiên hạ ùn ùn đi xem
Thông tin lan truyền ra ngoài, thiên hạ đổ xô tải bản mod trên PC về cài để “trải nghiệm” cảnh nóng như “ly cà phê nóng”. Tất cả đều vui trừ Rockstar, họ đã bị khởi kiện vì đã để một nội dung sex trắng trợn trong thành phẩm bán ra và phải mất 20 triệu USD để dàn xếp rút đơn kiện. Ly cà phê trả bằng tiền triệu này đúng là đắng thật!
Diablo 3 và màn chơi ngu thu lãi lớn
Thường thì người ta chơi ngu là mất tiền, mấy ai chơi ngu lại có lãi to bao giờ. Thế mà Blizzard lại làm được chuyện đó với Diablo 3.
Diablo 3 là một siêu phẩm khiến người người chờ đợi
Ra đời sau 10 năm chờ đợi, Diablo 3 đã khiến cộng đồng điên đảo mừng vui ngay từ khi hé lộ game cho đến khi phát hành mà hàng triệu người chẳng vào được server phải điên đảo chửi rủa 3 họ Blizzard. Phốt tiếp tục bị bóc khi hãng này vận hành shop đấu giá item cho một game offline như Diablo 3. Người chơi sẽ phải móc tiền thật ra để mua các item xịn do người khác cày được và Blizzard đứng giữa ăn hoa hồng theo % tiền giao dịch.
Chức năng nhà đấu giá này mang về cho Blizzard cả tấn tiền trước khi cộng đồng chịu hết nổi và nhà đấu giá nhanh chóng mất doanh thu. Mãi cho đến 2014 Blizzard mới chính thức thông báo dẹp bỏ mô hình nhà đấu giá và điều chỉnh tỷ lệ rớt item cho phù hợp với cân bằng game khi mất nhà đấu giá. Động thái này được coi là nhằm cứu vãn danh dự của Blizzard trước làn sóng phản đối của game thủ và cứu Diablo 3 trước nguy cơ chết sớm.
Một bảng đấu giá tiền thật với đơn vị tính là đồng bảng Anh
Sau trò chơi ngu này Blizzard mất đi một nguồn thu từ tiền ăn hoa hồng nhưng qua 3 năm vận hành họ hốt được cũng không ít, có thể nói là màn chơi ngu lại có lãi. Bù lại danh tiếng bị tụt thảm hại, bị gamer chửi cho thối mặt ra.
Tạm thời chúng ta kết thúc cuộc hành trình tại đây, sẽ còn nhiều pa chơi ngu khác đến từ lòng tham, sự mù quáng và có khi là quá… thiếu suy nghĩ của hãng game khiến họ thiện hại không nhỏ. Hãy cùng đón xem tiếp ở phần sau nhé!
(Còn tiếp)
Nguồn : https://motgame.vn/nhung-pha-choi-ngu-trieu-cua-cac-hang-game-p1.game