A Way Out được phát triển bởi Hazelight Studios và nhà phát hành EA theo chương trình EA Originals. Được viết bởi Josef Fares, một đạo diễn, biên kịch và là nhà thiết kế game người Thụy Điển đã từng đạt giải thưởng phim xuất sắc của hội đồng Bắc Âu cho bộ phim Zozo vào năm 2005.
Năm 2013, ông chỉ đạo sản xuất tựa game đầu tiên của mình Brothers: A tale of two sons, dựa vào sự phối hợp của 2 anh em để giải cứu cha của mình. Trò chơi được giới phê bình đánh giá rất cao, đây cũng là tiền đề để ông viết tiếp tựa game thứ 2 của mình.
Được ra mắt trong sự kiện E3 2017, A Way Out nhanh chóng chiếm được sự quan tâm của khán giả nhờ lối chơi co-op độc đáo, cốt truyện hấp dẫn như “Prison Break”, trở thành một quả bom tấn ngay cả khi chưa phát hành. Ngày 23/3 vừa qua, quả bom tấn đã chính thức được “kích nổ” trên nền tảng PC, PS4 và Xbox One.
A Way Out là một game nhập vai góc nhìn thứ ba, thuộc thể loại phiêu lưu hành động. Được thiết kế một cách đặc biệt, game chia sẻ màn hình ra làm 2 để 2 người chơi có thể cùng chơi trên cùng 1 máy, cùng nhau trải qua các nhiệm vụ. Nếu không có bạn chơi cùng trên 1 máy, bạn có thể chơi qua internet mà chỉ cần 1 người mua game là người chơi kia không tốn thêm bất kì khoản tiền nào.
Tận dụng tối đa thiết kế điện ảnh, trải nghiệm chia đôi màn hình quả thật rất hấp dẫn và chân thực! Thiết kế này chính là điểm nhấn của tựa game, điều sẽ khiến người chơi nhớ nhiều hơn là câu chuyện bên trong.
Cốt truyện game xoay quanh 2 nhân vật Vincent Moretti và Leo Caruso. Vincent mới bị kết an 14 năm tù, có tính cách trầm như một ông trùm, còn Leo đã thụ án 6 tháng trong án 8 năm với tính cách nóng nảy và ít suy nghĩ hơn. Cả 2 là “hàng xóm” của nhau trong tù, từng đụng độ nhưng cuối cùng lại hợp tác với nhau để tìm cách thoát ra khỏi nhà tù. Đằng sau mỗi cá tính nhân vật là một câu chuyện khác mà người chơi sẽ trải nghiệm: quá khứ của họ là gì? Mục đích họ vượt ngục?
Các thử thách được đưa ra khá đa dạng. Từ việc phối hợp thoát khỏi nhà tù, họ trốn vào rừng, đi qua các trang trại, vào rạp chiếu phim hay khu vực cắm trại. Xuyên suốt game luôn có những pha hành động đẹp mắt, ly kì như đua xe bắn súng, đánh nhau, thoát khỏi vòng vây của cảnh sát…
Cụ thể hơn, họ tìm cách để lấy những vật dụng cần thiết cho việc vượt ngục. Một người đánh lạc hướng cai ngục cho người kia “đào tường” và ngược lại. Mỗi người đi một hướng khác nhau đến khi tìm được đường ra. Cũng tương tự như vậy, một người lái xe chạy trốn khỏi sự truy đuổi của cảnh sát, người kia thì ngồi sau bắn trả các xe truy đuổi cố gắng cản đường mình; một người khống chế chủ cửa hàng còn người kia tìm cách cướp tiền trong két sắt…
Đằng sau mỗi công việc riêng lẻ luôn có những việc cần sự hợp tác, cũng là lúc mà hai nửa màn hình trở thành một. Tựa lưng vào nhau để có thể leo lên khỏi hầm, cùng giữ thăng bằng cho một chiếc thuyền chòng chành sắp lao xuống thác, làm điểm tựa để người kia bám vào khi nhảy qua vực sâu hay cứu nhau vào những thời khắc ngàn cân treo sợi tóc. “Một mà hai, hai mà một”, gameplay chính xác là như vậy.
Các nhiệm vụ phụ cũng khá hấp dẫn và hài hước, nơi mà người chơi có thể thư giãn sau một pha thoát chết hồi hộp như chơi đàn, đánh bóng chày, trò chuyện với các nhân vật phụ. Mỗi người chơi sẽ có một trải nghiệm riêng biệt với mỗi nhân vật, cách xử lý tình huống khác nhau cũng sẽ đưa ra kết trái ngược nhưng mục đích vẫn là hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt là kết thúc của game có thể theo 2 hướng khác nhau tùy thuộc vào người chơi.
Nhìn chung điểm cộng lớn nhất của game là các tương tác co-op thú vị, điều mà có thể bạn chưa từng trải qua trước đây. Hai người, hai công việc hoàn toàn tách biệt ở hai nửa màn hình, cho đến khi số phận đưa cả hai vào chung một hành động, một mục đích và một hành trình. Phần lớn nhờ vào cách làm phim tuyệt vời của cha đẻ Josef Fares.
Vào những khoảnh khắc quyết định, những hành động quan trọng hơn, một bên màn hình của nhân vật đó sẽ to hơn hoặc bên kia sẽ bị làm mờ đi, đảm bảo cả 2 bên sẽ tập trung vào sự kiện đó. Việc này được thực hiên một cách trơn tru, không hề gây khó chịu cho người chơi. Hy vọng đây sẽ là điều mà các game tương tự sẽ phát triển và nhân rộng.
Hình ảnh 3D được chăm chút kỹ lưỡng, các pha hành động mãn nhãn, thế nhưng chi tiết khuôn mặt nhân vật lại không thực sự nổi bật. Âm thanh ổn nhưng âm nhạc lại không, có những bài nhạc phát lên không hề ăn nhập tới việc mà người chơi đang thực hiện.
Những cuộc nói chuyện bị chồng lên nhau khi 2 cuộc hội thoại khác nhau diễn ra song song. Sẽ có một bên được cho to hơn, và người chơi đơn giản là ngồi đọc phụ đề để hiểu hơn về cuộc nói chuyện của mình.
Nhưng nhược điểm lớn nhất của A Way Out không phải là âm thanh mà là cách chơi. AI quá thấp, thử thách quá dễ! Chính nhà phát hành cũng cho rằng, chỉ cần khoảng 6 đến 8 tiếng là có thể “phá đảo”, điều này làm cho một số người chờ đợi cảm thấy hụt hẫng. Có quá nhiều QTE (Quick time event), khiến A Way Out giống một bộ phim hơn là trò chơi, dù gì thì cha đẻ của nó cũng xuất thân từ đạo diễn mà!
Những nhược điểm trên nghe quá có vẻ tệ, nhưng công bằng mà nói thì A Way Out rất đáng để trải nghiệm. Từ cách chơi độc đáo, cốt truyện hấp dẫn cho đến chủ đề vượt ngục mới lạ ít được khai thác. Sẽ rất tuyệt vời khi hai người bạn ngồi cạnh nhau và tận hưởng những giây phút hồi hộp, những cuộc trò chuyện hài hước hay đơn giản chỉ là thưởng thức một bộ phim!
Cấu hình tối thiểu:
CPU: Intel core i3-2100T @ 2.5GHz/AMD FX 6100
RAM: 8 GB
Hệ điều hành: Windows 7 64-bit, 8.1 64-bit hoặc Windows 10 64-bit
VGA: NVIDIA GeForce GTX 650Ti 2GB, AMD Radeon HD 7750 2GB tương thích DirectX 11
HDD: 25 GB dung lượng trống
Nguồn : https://motgame.vn/way-loi-thoat-nao-cho-ke-vuot-nguc.game