Phát triển game chưa bao giờ là việc dễ dàng, một nhà phát triển game không chỉ phải làm game sao cho thật hay mà còn phải điều chỉnh sao cho phù hợp với thị hiếu thị trường. Bởi lẽ vậy, nhiều trường hợp trớ trêu đã xảy ra, trong đó một số trường hợp game bị ban đơn thuần vì những sự hiểu nhầm đầy lãng xẹt về mặt văn hóa. Một số trường hợp khác thì lại vô cùng đích đáng do sự nhảm nhí, bạo lực, đồi trụy cấp độ cao hay hàng loạt các thứ trên một lúc.
Dead Rising 3 bị cấm ở Đức vì kẻ địch trông giống nhân loại
Nếu có giải thưởng dành cho việc kiểm soát gắt gao nội dung trò chơi điện tử, không ai nghi ngờ việc nước Đức sẽ giành ngôi quán quân một cách thuyết phục. Trong một trò chơi nếu nhà sản xuất đưa vào yếu tố chém giết các thây ma hay nôm na là mô tả việc con người tàn sát những kẻ thù kiểu như xác sống, tại Anh; Pháp; Ý… đó chẳng phải là chuyện gì to tát và trò chơi sẽ dễ dàng thông quan. Tuy nhiên người Đức lại không coi việc thẳng tay bắn giết những thứ giống con người là thú vị và tựa game đó sẽ bị cấm.
Với cốt lõi của trò chơi cho phép nhân vật chính chế tạo đủ loại vũ khí với mục đích cuối cùng là làm gỏi càng nhiều xác sống càng tốt, chẳng ai ngạc nhiên khi dòng Dead Rising hoàn toàn bị từ chối cấp phép tại quốc gia này và Dead Rising 3 chính là nạn nhân mới nhất khi bị kho game của Xbox One tại Đức xóa khỏi hệ thống.
Tựa game chém giết zombie siêu bạo lực này được chấp nhận ở nhiều nơi trên thế giới bởi vì mục tiêu tàn sát của nhân vật chính không phải là con người mà chỉ là những kẻ đã từng là người nhưng giờ đây chỉ còn là những sinh vật khát máu vô hồn. Tuy nhiên Bundeprfstelle fr jugendgefhrende Medien (Ủy ban kiểm duyệt nội dung các tựa game của Đức) lại cho rằng giết người hay những thứ đã từng là con người trong game là không thể chấp nhận được.
Ở một diễn biến khác thì tựa game bắn súng đậm chất bạo lực Gears of War 3 lại dễ dàng được ủy ban này thông qua mà không có bất kỳ chỉnh sửa nào để giảm nhẹ mức độ máu lửa – điều mà GOW3 phải làm để được cấp phép tại Anh, Pháp…, quả thật logic của người Đức đôi khi khiến chúng ta khó mà hiểu được.
God of War 2 bị cấm ở Ả Rập Xê Út vì dung tục
Thực tế mà nói lệnh cấm chơi một trò nào đó tại các quốc gia Trung Đông đôi khi chỉ mang tính tượng trưng hoặc biểu hiện thái độ của nhà cầm quyền đối với tựa game đó mà không phải thực tế nhắm vào các biện pháp chế tài hay trừng phạt người chơi.
Trong phần 1 của bài viết, chúng ta có thể thấy giới đầu nậu đĩa và game thủ tại Iran hay Pakistan đã có thái độ thế nào đối với các tựa game bị cấm, à thì cấm là việc của nhà nước còn chơi là việc của chúng ta, ai cấm cứ cấm còn ai chơi thì cứ chơi thôi, chả liên quan gì đến cuộc đời của nhau hết.
Là một quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, hiển nhiên các dân chơi tại Ả Rập Xê Út cũng chẳng xem lệnh cấm God of War 2 vì dung tục và cả gan sử dụng từ Chúa (God) trong tựa của game ra gì. Thậm chi nó còn được người ta lén lút tìm mua nhiều hơn sau lệnh cấm vì người ta rỉ tai nhau là GOW2 bị cấm vì cảnh sex trong game rất nhiều.
Bully bị cấm tại Brazil vì bạo lực học đường
Trẻ em như búp trên cành, biết biết ngủ biết học hành là ngoan, nhiều người cho rằng trẻ con luôn phải đóng khung trong cái lồng ngoan ngoãn do họ tạo dựng nên và bất cứ hành vi nào bước ra khỏi cái lồng đó đều phải bị coi là tội ác. Tựa game Bully của Rockstar đã chịu cơn thịnh nộ của toàn bộ các nhà đạo đức học trên thế giới khi dám miêu tả những góc khuất của bọn trẻ trong trường học gồm: bắt nạt kẻ yếu, tẩy chay cô lập về mặt xã hội, tấn công cá nhân, body shaming…
Dĩ nhiên bọn họ không thành công ở nhiều nơi trên thế giới nhưng ít nhất các nhà chức trách tại Brazil lại cho rằng điều đó là đúng và thế là Bully bị cấm phát hành tại xứ Samba. Theo công tố viên Alcinto Bastos của bang Rio Grande do Sul, vấn đề lớn nhất của Bully chính là nó miêu tả lại những điều mà người lớn phải đối mặt hàng ngày nhưng trò chơi lại chọn nhầm địa điểm để diễn tả sự việc và trường học thì không thể nào xảy ra những điều như trò chơi mô tả.
Thật khôi hài khi Brazil có tỉ lệ phạm tội và bạo lực thuộc top cao nhất thế giới cũng như tỉ lệ phạm tội tại quốc gia này ngày càng trẻ hóa theo từng năm. Vậy mà nhà chức trách của xứ này lại cho rằng trường học lúc nào cũng phải là nơi hoàn toàn trong sạch và không thể nào bị nhiễm bẩn.
Grand Theft Auto 4 bị cấm ở Thái Lan vì kích động giết người
Trong Grand Theft Auto có hàng tá các hành động mà chắc chắn bạn sẽ sấp mặt nếu dám thực hiện chúng ngoài đời thực nhưng xét cho cùng thì đây vẫn là một trò chơi và nó không thực sự khuyến khích game thủ sử dụng bạo lực. Tuy nhiên khi game là cảm hứng để người chơi thực hiện việc sát nhân thì các thẩm phán sẽ không thể nào coi đó là một trò chơi vô hại được nữa.
Có thể nói kể từ khi ra mắt dòng game GTA vốn luôn gây sự tranh cãi bởi nội dung kể về thế giới ngầm của nó, nhưng chỉ có một quốc gia duy nhất trên thế giới cấm tiệt cả dòng game này. Bạn có đoán được đó là đâu không? Không phải Đức, Anh hay Úc, những nước nổi tiếng với việc kiểm duyệt khắt khe, mà lại là… Thái Lan, một quốc gia thường rất cởi mở với các nội dung nhạy cảm trong phim ảnh, giải trí.
Nguyên do của lệnh cấm này chính bởi vì vào năm 2008 người thanh niên tên Polwat Chino đã gọi một chiếc taxi chở anh ta đến Bangkok và khi đến nơi, thay vì rút ví tiền trả phí taxi, người đàn ông này đã rút dao và đâm chết tài xế. Khi bị cảnh sát triệu hồi, Polwat Chino đã khai rằng hành vi của mình là do ảnh hưởng bởi Grand Theft Auto và cho rằng hắn chỉ đơn giản là muốn thử xem “giết người ngoài đời có dễ như trong GTA hay không”. Chính vì lý do đó Grand Theft Auto chính thức nằm trong danh sách đen của quốc gia này.
Còn tiếp…
Nguồn : https://motgame.vn/game-va-nhung-lan-bi-cam-phat-hanh-vi-ly-khong-giong-ai-phan-2.game