Hà Nội lúc này đã hết những đợt nắng nóng kéo dài hay những trưa hè bước ra đường thôi cũng thấy hầm hập. Thời tiết nhẹ nhàng, trong veo, tối ập xuống sẽ hơi lạnh. Trời vừa hửng nắng khi sáng sớm, đến trưa lại có thể mưa ào một cái như trút hết cái oi oi xuống mặt đất. Đi ra đường không phải lo che chắn nhiều như tầm giữa tháng 6, tháng 7 nữa, vậy nên tâm trạng cũng phấn chấn hơn.
Nhiều người yêu mùa thu chỉ đơn giản là vì thứ tiết trời nhẹ nhàng, vui vẻ ấy thôi. Người lại nhớ đôi ba món quà vặt của mùa thu, nào hồng, nào cốm. Nhưng Hà Nội vào thu, khi mà phố Hàng Mã bắt đầu lập loè màu đỏ đèn lồng, hay những tiếng trống kêu cạch cạch khó chịu bắt đầu nhiều dần, thì cũng là lúc người ta nhìn nhau nói: Lại một mùa Trung thu... Chắc chỉ duy nhất có Tết Trung thu là cái Tết có thể biến đám người lớn trở thành lũ trẻ con, dù chỉ bằng những ký ức của những ngày đã cũ.
Những kỷ niệm của lũ người lớn bây giờ về Trung thu ngày xưa ấy bao giờ cũng có những đêm rước đèn, hay buổi phá cỗ trong sân nhà tập thể. Đấy là cái thời chưa có điện thoại, tivi nhiều khi cả xóm xem ké của một nhà, là cái thời mà cứ buổi tối - lũ trẻ con ăn vội vàng bát cơm để ùa ra sân chơi. Mà thật ra làm gì có đồ chơi, không biết các bạn thế nào, chứ tôi thường hay bứt lá rồi ngồi xé nhỏ ra, giả vờ làm lang y đang bốc thuốc, rồi khám bệnh cho thằng bạn hàng xóm. Đồ chơi không có, thế nên mỗi đêm Trung thu giống như một đại tiệc linh đình trong mắt lũ trẻ con ngày ấy.
Trong khoảnh sân rất nhỏ thôi, bác Tổ trưởng tổ dân phố cùng mọi người kê một cái bàn mica đặt giữa sân, phủ tấm khăn trải bàn màu xanh, ở trên dĩ nhiên là những thức quà mùa Trung thu mà đứa trẻ nào cũng thuộc làu: Một con chó lông xù bằng bưởi, một đĩa hoa quả thật to mà tôi nhớ nhất là có nhiều quả hồng ngâm, chuối, rồi cốm non được bọc kín trong lá sen, rất nhiều kẹo và bánh quy, và dĩ nhiên là bánh nướng, bánh dẻo, rồi thì vài ba con lợn bánh nướng béo núc đặt trong giỏ đỏ - vàng.
Bữa cỗ Trung thu năm ấy chỉ vỏn vẹn có thế, nhưng tôi nhớ như in cảm giác háo hức của mình khi ấy. Tôi thích đến mức cứ nhấp nhổm từ khi các bác trong xóm mới… bê cái bàn ra sân. Nhớ nhất là hình ảnh của mình ngồi trên cái ghế nhựa, xung quanh là các anh chị lớn, mấy đứa bằng tuổi và cả bọn chíp hôi đòi bế - tất cả đang ngồi quanh chiếc bàn mica nhỏ được phủ vải xanh, háo hức tranh giành nhau từng cái kẹo, từng miếng bánh hay con cá dẻo. Chẳng có nhạc xập xình, cũng chẳng có Tivi chiếu phim hoạt hình, thứ liên quan đến điện duy nhất là ánh đèn vàng được mắc vội từ chiều. Âm thanh duy nhất là tiếng cười nói huyên náo của lũ trẻ con, và tiếng trống đánh rời rạc khó hiểu khi cái trống rơi vào tay một đứa nhỏ tuổi. Những mảnh ký ức rất nhỏ, cũng không liền mạch, nhưng cảm xúc thì đến bây giờ nghĩ lại, vẫn còn có thể thấy sự ấm áp và niềm vui trong sáng kỳ lạ len lỏi và đập thình thịch liên hồi trong trái tim nhanh chán của một kẻ trưởng thành.
Có một năm, trong xóm không tổ chức phá cỗ, nhưng mẹ đưa tôi và hai đứa nữa trong xóm đi một vòng quanh phố để rước đèn. Thật ra rước đèn là một hoạt động rất… nhanh chán với một đứa trẻ con, chỉ đơn giản là cầm chiếc đèn lồng và đi quanh phố thôi mà. Nghĩ lại cũng thấy lạ, sao hồi đấy lại thích thế? Đèn lồng của tôi làm theo hình một nhân vật hoạt hình mà tôi không nhớ nổi tên nữa, làm bằng giấy xếp màu hồng, rất xinh. Chúng tôi cứ thế chậm rãi đi trên con đường lấp loáng ánh bạc của trăng, vừa đi vừa nói chuyện, trong xào xạc lá cây đu đưa giữa cái tiết trời êm dịu, mát mẻ của một đêm mùa thu. Bây giờ, khi viết những dòng này vào một đêm tháng 9 giao mùa, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chiếc đèn lồng toả ra thứ ánh sáng vàng dễ chịu thế nào, và những câu chuyện luyên thuyên của mẹ, của tôi và hai đứa nhóc kia vui ra sao.
Có lẽ, ngoài Tết ra thì chỉ có Trung thu mới khiến người ta có nhiều cảm xúc nhớ thương, hoài niệm về một thời tuổi thơ như thế. Chỉ khác một điều, Tết gợi về nỗi nhớ thương đoàn viên, về gia đình, về những cột mốc trong cuộc đời mỗi người. Còn Trung thu lại gợi nhắc một cái gì đấy đứng chênh vênh giữa lằn ranh của niềm vui nhẹ nhàng và sự tiếc nuối. Một cảm giác vừa hân hoan khi biết rằng một phần đẹp đẽ của tuổi thơ vẫn hiển hiện, và một rung động trầm buồn nhắc ta rằng cả một ấu thơ đã lùi xa, êm ả và chẳng bao giờ có thể quay lại được nữa.
Thật ra, tôi vốn là một kẻ cực đoan trong việc nhìn những cái gì truyền thống bị lai tạp giữa những gì hiện đại. Tôi ghét đặc thứ bánh trung thu được nhồi nhét nào vi cá, hồng sâm, bào ngư, hay vỏ bánh chocolate, bánh trung thu thạch? Tôi không chê chúng chán, tôi chỉ nghĩ rằng chúng là một loại bánh đắt tiền nào đó đội lốt bánh nướng, bánh dẻo. Bánh trung thu ngon có khi chỉ mua hết vài chục nghìn ở mấy xí nghiệp bánh kẹo quốc doanh. Những chiếc bánh chỉ nhân hạt sen xát, hay nhân đậu xanh, ở trong có 1-2 quả trứng muối. Nhắc mà thèm, chỉ thứ bánh đấy mới xứng đáng được gọi là bánh trung thu, mới xứng đáng được bày lên những mâm cỗ trông trăng, hay đặt cạnh ly trà mạn thơm như một vườn hoa sen. Thứ bánh mà chỉ cắn một miếng thôi, cả một mùa Trung thu, cả một tuổi thơ sẽ lập tức ùa về như nghìn vạn mảnh kỷ niệm vỡ tung ra trong trí óc.
Có lẽ quan điểm như vậy ở giữa thời đại này là có đôi phần ích kỉ, là khốt ta bít và không biết dung hoà với giá trị hiện đại. Nhưng nói thật đi xem nào, là một kẻ đã trải qua những mùa Trung thu nghèo với con chó lông xù bằng bưởi và cái đèn cù lấp lánh xanh đỏ, bạn có thấy Trung thu hợp tí nào với mặt nạ đủ màu, hay những món đồ chơi bóng bẩy nhập khẩu không? Bạn có thấy, Trung thu có thể kết đôi với những thứ bánh nướng nghìn lớp, bánh nướng nhân phô mai hay bánh dẻo nhân mứt hay không? Chẳng đến nỗi là tức giận trào dâng, nhưng chắc chắn những thứ đó không phải là Trung thu của Bắc Việt, không phải là Trung thu mà trái tim bạn vẫn khắc khoải nhớ thương và réo rắt báo động mỗi khi gió heo may về.
Chẳng thể đổ tại cho ai, cái sự cực đoan ấy là một sự cực đoan vô cùng ích kỷ của đám người lớn chúng ta. Lũ trẻ con thời hiện đại sinh ra giữa công nghệ và những giá trị mới, và chẳng ai bảo chúng rằng chỉ ngồi phá cỗ trông trăng với nhau thôi cũng là một niềm vui phải chờ đợi, cũng chẳng ai nói rằng chỉ cầm đèn lồng và đi quanh khu phố vào một đêm sáng trăng thôi cũng ghim lại một kỷ niệm mà có thể 10 năm, 20 năm nữa lớn lên - chúng sẽ nhớ về với một nụ cười.
Nhưng càng cực đoan, ta càng cố kéo lại những hình ảnh tuyệt đẹp của Trung thu ngày trước, để lũ trẻ con nhìn thấy và được một lần nếm trải dư vị giản đơn mà rất hạnh phúc ấy. Chắc sẽ chẳng bao giờ, những món đồ chơi loè loẹt sẽ thay thế được đèn ông sao và những chiếc mặt nạ Thị Nở bằng giấy bồi, bởi dù cuộc xâm lấn của chúng có mạnh mẽ đến đâu đi nữa, thì ít nhất cũng sẽ có những người vẫn nhớ về ngày xưa, sẽ cầm chúng lên và đặt vào tay những em nhỏ, cẩn thận như thể trao lại một mảnh tuổi thơ của chính mình.
Ngay cả bài viết này cũng vậy, cả bài viết này cũng là của một kẻ đang cố tìm cho mình những sự đồng cảm, như một tiếng gọi xuống miệng giếng sâu để lắng nghe lời hồi đáp với những hoài niệm, khi một mùa Trung thu đã lại về, và những trái tim của người đã lớn lại đập liên hồi, day dứt nhớ về một ấu thơ xinh đẹp đã để lại mãi đằng sau…
Theo Trí Thức Trẻ
Nguồn : Gamesao