Nhắc đến cuộc chiến máy chơi game thế hệ thứ 6, bắt đầu vào khoảng những năm 1998 đến 2000, hầu hết game thủ Việt đều chỉ nhớ tới những cái tên như Xbox, GameCube hay tượng đài một thuở, PlayStation 2. Cũng chính trong cuộc đua này, PlayStation 2 đã trở thành một trong những cỗ máy chơi game thành công nhất lịch sử với 153 triệu máy đã được bán ra. Con số này, ở thời điểm hiện tại vẫn là mơ ước của rất nhiều hệ máy chơi game mới như PS4 hay Xbox One.
Ngay từ những năm 1997, khi đối thủ trực tiếp của Sega Saturn là Nintendo 64 và Sony PlayStation vẫn còn đang ngự trị trên đỉnh vinh quang với doanh số máy cao ngất ngưởng, Nintendo bán được 32 triệu máy N64, còn Sony thì hể hả với 102 triệu máy PlayStation đến tay game thủ, thì Saturn đã được cha đẻ xác định ngày “về viện bảo tàng” với vỏn vẹn 9,5 triệu máy được bán ra.
Quay lại những ngày khi mà CD-ROM còn chưa phổ biến thì game điện tử vẫn còn năm trong những chiếc 'băng' đầy màu sắc. Sony, khi đó đang làm việc với Philips, đã tạo ra chuẩn đĩa CD-ROM/XA để hỗ trợ video và âm thanh nén và nó sẽ được đọc dễ dàng bằng những phần cứng gắn thêm.
Máy tính đã bắt đầu xài chuẩn này, thế nên một cách tự nhiên các máy chơi game cũng sẽ chuyển sang sử dụng nó mà thôi. Không ai khác, Sony chính là người sẽ triển khai CD-ROM/XA vào chiếc Super NES cho Nintendo (mặc dù mẫu Super NES dùng đĩa quang không bao giờ được ra mắt). Họ gọi nó là Super Disc. Năm 1988, Nintendo và Sony ký một thỏa thuận sản xuất một phần bổ sung giúp chiếc Super NES có thể đọc được đĩa CD.
Vấn đề là, Nintendo và Sony chưa bao giờ tin tưởng nhau. Kế hoạch của Sony đó là biến Super Disc thành một chuẩn đĩa có thể chứa mọi thứ dữ liệu và khi đó Sony sẽ trở thành người cấp quyền sử dụng duy nhất của công nghệ này. Nintendo không thích chuyện đó. Mọi chuyện lên đến đỉnh điểm vào tháng 6/1991 khi Sony ra mắt chiếc Play Station đầu tiên của mình ở triển lãm CES năm đó (lưu ý, có khoảng cách giữa chữ Play và chữ Station), và tất nhiên sản phẩm này sử dụng các game chứa trên đĩa CD. Nhưng không dừng lại ở đó, chiếc Play Station còn có khả năng đọc các băng của Super NES và có thể chơi nhạc nữa.
Vài ngày sau khi Play Station ra đời, Nintendo nói rằng họ đang hợp tác với Philips để sử dụng ổ đĩa CD-ROM cho chiếc Super NES. Ngay lập tức Sony trông như một người bị lừa, và CEO Norio Ohga rất tức giận. Nhưng kinh doanh là kinh doanh, Nintendo và Sony vẫn phải tiếp tục làm việc với nhau. Sony vẫn muốn chuẩn thể các băng game của Super NES, còn Nintendo thì muốn dùng con chip âm thanh của Sony cho sản phẩm của mình.
Con chip này được một kĩ sư tên Ken Kurtaragi phát triển bí mật cho Nintendo trong lúc đang làm việc ở Sony. Nhưng Ohga vẫn rất thông minh. Ông nói Kutaragi hãy chuyển sang làm việc trên một thứ 'mới hơn', và đây là một trong những lý do mà Kutaragi được xem như 'cha đẻ của PlayStation'.
Thay vì đuổi Kutaragi, Ohga chuyển vị kĩ sư này cùng nhóm của mình sang làm việc ở một bộ phận khác: Sony Music. Trong hai năm sau đó, nhiều thứ đã diễn ra: Sony làm việc với Philips (thêm lần nữa) để tạo ra những chiếc DVD đầu tiên. Sony cũng suýt kí được hợp đồng với Sega nhưng lại đang bị kẹt với Nintendo. Về phần Play Station, Sony chưa bao giờ sản xuất được hơn 200 chiếc mặc dù hãng đã thành lập cả một nhánh Sony Computer Entertainment (SCE) tại Nhật vào tháng 11/1993 và Sony Computer Entertainment of America (SCEA) hồi tháng 5/1994.
Đây cũng là giai đoạn mà 'các máy chơi game thế hệ thứ 5' bắt đầu bùng nổ. Những thiết bị chơi game đầu tiên dùng chuẩn đĩa CD-ROM 32-bit là 3D0 và Atari Jaguar ra đời năm 1993. Cuối cùng, các quan chức Sony quyết định sẽ đi thêm một bước nữa và phát triển nên chiếc PlayStation.
Cuộc cạnh tranh thật sự bắt đầu vào cuối năm 1994 khi chiếc Sony PlayStation đời đầu tiên được ra mắt chỉ cách vài tuần so với Sega Saturn. Mẫu PlayStation có giá 299$, thấp hơn đến 100$ so với đối thủ của mình (như mãi một năm sau mới có mặt tại Mỹ, trước đó chỉ là ở Nhật). Nintendo khi đó lại đang chậm chân và mãi tới năm 1996 hãng mới tung ra chiếc Nintendo 64.
Không lâu sau đó, nhánh SCE trở thành bộ phận thành công nhất trong toàn bộ công ty Sony. Doanh số của chiếc PlayStation đời đầu trên toàn thế giới tính đến năm 2005 là 102 triệu đơn vị. Sony đạt được con số khổng lồ trong vòng 9,5 năm (trong đó tính luôn cả PSOne, một mẫu PlayStation 1 được thiết kế lại cho mục đích di động và có thêm màn hình). Còn Nintendo 64 thì sao? Chỉ 32,93 triệu chiếc, thấp hơn nhiều so với Sony. Ngay cả Bill Gates, lúc đó đang là chủ tịch Microsoft, cũng phải thừa nhận sự thành công của PlayStation.
Sau khi ra mắt, PlayStation đã thống lĩnh thị trường trong nhiều năm trời và không gặp nhiều sự cạnh tranh từ những thiết bị khác mãi cho đến khi 'thế hệ console thứ 6' bắt đầu xuất hiện. Thời điểm đó là vào năm 1998 khi Sega ra mắt chiếc Sega Dreamcast tại Nhật. Sản phẩm này tận dụng Internet và xem kết nối mạng như là một phần của game.
Máy có trình duyệt web tích hợp, kèm theo đó là modem mạng 56K. Sự thành công của Sega trông khá là hứa hẹn khi doanh số ban đầu đạt mốc 500.000 chiếc sau hai tuần bán ra vào tháng 9/1999. Dreamcast đã đóng vai trò rất quan trọng trong việc khôi phục lại danh tiếng của Sega vào thời điểm này, nhưng chỉ nhiêu đó thôi là chưa đủ, nhất là sau khi Sony công bố PlayStation 2 tại triển lãm Tokyo Game Show trong cùng tháng đó. Doanh số Dreamcast sụt giảm nhanh chóng đến nỗi Sega buộc phải dừng sản xuất sản phẩm này vào ngày 30/3/2001.
Trong khi đó, PlayStation 2 lại tiếp tục tăng trưởng đến tháng 2/2011 đã có 150 triệu đơn vị được bán chỉ 10 năm 11 tháng sau ngày bán ra đầu tiên. Tính đến tháng 3/2012 thì con số này đã đạt 155 triệu, rất ấn tượng. Việc PlayStation 2 tương thích ngược với game của PlayStation đời đầu khiến việc nâng cấp máy của những game thủ trở nên mượt mà và không gặp khó khăn gì. Nguyên cả mùa mua sắm năm 2000, PS2 hoàn toàn nắm giữ vị trí số 1.
Thấm thoát đã đến thế hệ console thứ 8 với sự xuất hiện của Nintendo Wii U vào năm 2012. Mặc dù vậy, tất cả mọi sự quan tâm của làng game và làng công nghệ đổ dồn vào hai sản phẩm lớn là PS4 và Xbox One. Cả hai sản phẩm này đều được bán ra đầu tiên ở Mỹ với giá lần lượt là 399,99$ và 499,99$.
Cả hai đều sử dụng CPU và GPU của AMD với sức mạnh tuyệt vời, cả hai đều dùng HDD 500GB, đều có Wi-Fi, Etherner và hỗ trợ độ phân giải 4K. Đáng tiếc, do sự chuyển đổi kiến trúc CPU nên cả PS4 và Xbox One đều không hỗ trợ game của các đời máy trước (nhưng vẫn có cách để chơi). Ngoài cảm biến Kinect ra thì trận chiến PS4 và Xbox One khá là cân sức.
Khó có khả năng PS4 lập lại kỉ lục 150 triệu máy như PS2, nhất là trong bối cảnh PS4 bị cạnh tranh không chỉ bởi các máy console mà sự bùng nổ của smartphone, tablet cũng là những mối đe doạn. Thế nhưng trải nghiệm trên PS4 vẫn rất khác, và người dùng vẫn có lý do để bỏ tiền ra mua cỗ máy này về phòng khách hay phòng ngủ của mình.
Nguồn : Gamesao