Công ty bảo mật của Nga giờ đây đang lâm vào thế khó khi nhiều cửa hàng tại Mỹ đang gỡ bỏ sản phẩm Kaspersky ra khỏi kệ.
Thực ra chuyện tin tặc khai thác phần mềm của Kaspersky tấn công máy tính của nhà thầu NSA xảy ra từ năm 2015. Theo một báo cáo trên WSJ thì tin tặc đã tấn công vào máy tính của một nhà thầu NSA để đánh cắp các tài liệu mật. Nhà thầu này đã đem dữ liệu mật về nhà và mở các văn bản trên máy tính cá nhân có cài đặt phần mềm bảo mật của Kaspersky. Vụ việc được đánh giá rất nghiêm trọng bởi tin tặc đã tiết lộ cho tình báo Nga cách Hoa Kỳ 'xâm nhập vào mạng lưới máy tính nước ngoài cũng như những đoạn mã được sử dụng để phục vụ cho hoạt động gián điệp và cách Mỹ đối phó trước các cuộc tấn công mạng trong nước.'
Dữ liệu bị đánh cắp đã không chỉ phơi bày cách Hoa Kỳ tự bảo vệ mạng lưới Internet quốc gia cũng như các chiến lược tấn công mạng mà tiềm năng còn vô hiệu hóa khả năng phòng thủ và tấn công của NSA. Trong khi vụ tấn công này phần nào cho thấy sự thất bại trong công tác bảo mật dữ liệu tối mật của Mỹ thì Kaspersky cũng bị vạ lây trước căng thẳng đang leo thang giữa 2 cường quốc.
Công ty bảo mật Nga cho biết 'chúng tôi đang đứng giữa cuộc chiến địa chính trị, tại đó cả 2 bên đều đang cố gắng sử dụng Kaspersky làm con tốt thí trong ván cờ chính trị của họ.' Tuy nhiên, chính quyền của Trump tin rằng dữ liệu bị đánh cắp có thể đã giúp Nga chống lại các hệ thống hack và tấn công mạng của Mỹ.
Một bảng thông báo hỗ trợ gỡ bỏ Kaspersky Total Security và thay bằng McAfee LiveSafe tại Office Depot.
Hậu quả là các nhà bán lẻ như Office Depot và Best Buy đang tiến hành chiến dịch gỡ bỏ các sản phẩm của Kaspersky. Người dùng thậm chí còn được hỗ trợ gỡ cài đặt miễn phí nếu đã mua phần mềm của Kaspersky đồng thời được thay thế bằng McAfee LiveSafe.
Lệnh cấm đầu tiên áp dụng lên sản phẩm của Kaspersky Lab bắt đầu có hiệu lực từ tháng trước khi chính phủ Mỹ chính thức cấm quân đội và các cơ quan thuộc liên bang sử dụng phần mềm Kaspersky. Trong khi đó vào tháng 8, FBI cũng đã thông báo đang thúc dục các công ty công nghệ lớn tại Mỹ cắt giảm quan hệ với Kaspersky và gỡ bỏ các sản phẩm của công ty bảo mật Nga khỏi hệ thống máy tính của mình.
Trong khi vẫn chưa rõ Kaspersky Lab có dính líu gì với chính phủ Nga như những gì Mỹ muốn mọi người tin hay không thì cuộc chiến giữa 2 ông lớn rõ ràng đang gây những tác động nhất định đến hoạt động kinh doanh của công ty này tại Mỹ. Vì dữ liệu rò rỉ từ một cá nhân nên NSA không phải đối mặt với nhiều chỉ trích trước đó và Kaspersky dường như là một con bài hợp lý để thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nhà sáng lập Kaspersky Lab - Eugene Kaspersky.
Tuy nhiên, sau khi Nga đe dọa tống cổ LinkedIn và Facebook ra khỏi nước này thì không ai có thể nài nỉ chính phủ Mỹ tiếp tục hỗ trợ cho một công ty tư nhân của Nga ngay cả khi không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy Kaspersky làm việc với chính phủ Nga. Về phần mình, Kaspersky vẫn chưa có các động thái phản hồi phù hợp với diễn biến bất lợi nhưng ít ra, người sáng lập Eugene Kaspersky đã nói một câu rất hay rằng: 'Bất kể các công nghệ và biện pháp bảo mật có tuyệt vời đến đâu thì sự an toàn của hàng triệu người có thể dễ dàng bị xâm phạm bằng một biện pháp cũ nhưng hiệu quả - một chiếc USB giá 5 đô và một tay nhân viên bất cẩn.'
Theo: WccfTech