Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ FPT Information System, cho rằng vấn đề xây dựng thành phố thông minh đang có những khoảng trống về chi phí cần lấp đầy. Ông Sơn đề xuất lập một quỹ cho mô hình thành phố thông minh, trong đó doanh nghiệp và nhà nước cùng đóng góp để tiếp sức cho các dự án thông minh.
“Xây dựng thành phố thông minh nếu chỉ dựa vào nguồn lực từ nhà nước e không đủ. Đây là vấn đề không chỉ đặt cho nhà nước mà các khối tư nhân và nước ngoài cần tham gia”, ông Sơn nói trong hội thảo Smart City Infrastructure (Hạ tầng thành phố thông minh) do công ty QDTEK tổ chức hôm 17/8.
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc công nghệ FPT Information System
Đồng tình quan điểm này, ở phiên trình bày kế tiếp, ông Vũ Anh Hưng - Giám đốc phát triển kinh doanh mảng OEM & IoT Solution công ty Dell EMC - cũng cho rằng không thể bê hết những công nghệ đang áp dụng ở Mỹ hay Singapore về Việt Nam vì như vậy giá thành rất đắt đỏ. Để giải quyết việc này, cần có các công ty nội địa đưa ra những giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tế và có chi phí vừa phải.
Ông Hưng phát biểu rằng để bắt đầu làm thành phố thông minh, có thể bắt đầu với thành phố an toàn (Safe City), dựa trên các phương tiện như camera, cảm biến mà thành phố đã lắp đặt, như vậy chi phí ban đầu sẽ tiết kiệm hơn so với các lĩnh vực khác phải đầu tư mới.
Ông Vũ Anh Hưng - Giám đốc phát triển kinh doanh mảng OEM & IoT Solution công ty Dell EMC
Bên cạnh vấn đề chi phí, các chuyên gia cũng cho rằng cần hợp nhất các dữ liệu thu được từ nhiều nguồn để từ đó xử lý thông tin, đưa ra các quyết định.
“Dù có nhiều định nghĩa khác nhau về thành phố thông minh, nhưng ai cũng đồng tình rằng bản chất của vấn đề chính là thu thập dữ liệu, phân tích chúng và đưa ra hướng xử lý”, ông Magnus Zederfeldt - Giám đốc khu vực của Axis Communications khu vực Nam châu Á Thái Bình Dương nói trong bài trình bày của mình.
Ông Sơn cho rằng để xây dựng thành phố thông minh cần hợp nhất các dữ liệu thu thập được, từ đó tạo ra một hệ sinh thái mở để các bên liên quan có thể tham gia thu thập và xử lý, khi đó sẽ đưa ra được các giải pháp thống nhất.
Giám đốc công nghệ FPT Information System đề xuất để các doanh nghiệp ngoài khối nhà nước được tham gia vào các lĩnh vực giao thông vận tải, chăm sóc sức khỏe,... Từ đó sẽ có nhiều cơ sở dữ liệu hơn và giúp chính phủ tạo được thành phố thông minh dựa trên nhiều nguồn lực khác nhau.
Ông Sơn lấy ví dụ về các phòng công chứng trước đây đều do nhà nước triển khai nhưng khi chuyển sang cho khối tư nhân được phép mở, việc công chứng giấy tờ đã ít cảnh chờ đợi hơn.
'Làm thành phố thông minh khá phức tạp nhưng cần hiểu cách vận hành của nó để đưa ra giải pháp phù hợp. Cần có nhiều bên ngồi lại với nhau bàn thảo, không chỉ bộ phận công nghệ mà nhiều ngành như giao thông, giáo dục, y tế,... cũng cần tham gia để xây dựng cơ chế thống nhất, dữ liệu hợp nhất', ông Sơn nêu ý kiến.
Ông Vũ Anh Hưng cũng cho rằng dữ liệu cần quy về một mối để đưa ra các quyết định phù hợp. Hiện nay đã có hệ thống camera công cộng, camera an ninh, camera giao thông, camera tư nhân,... do đó làm sao để dữ liệu từ tất cả camera này được quy về một đầu mối xử lý. Ở các thành phố thông minh, dữ liệu từ mọi camera sẽ tập trung lại một trung tâm điều hành duy nhất. Khi sự cố xảy ra, nhân viên ở các trung tâm này sẽ đóng vai trò điều phối giải quyết vấn đề.
Chẳng hạn khi có một đám cháy ở tòa nhà, nếu hệ thống báo cháy hiện đại và có kết nối đến trung tâm điều khiển thì nhân viên ở đây sẽ được cảnh báo. Nếu hệ thống cảm biến đủ hiện đại, nhân viên điều hành có thể biết được đám cháy có nguy cơ bùng phát hay không để điều xe chữa cháy. Người này có thể báo cho cảnh sát chữa cháy, sau đó báo cho điện lực cắt điện nhằm hạn chế đám cháy bùng phát. Nếu nắm được dữ liệu từ các camera, người điều hành có thể hướng dẫn hướng đi cho xe chữa cháy không bị kẹt xe, đồng thời thông qua các camera tòa nhà, camera chung quanh để biết hướng nào cảnh sát nên tiếp cận...
Khi đã thu thập được mọi dữ liệu về một chỗ, chỉ cần xây dựng quy trình giải quyết khi có vấn đề xảy ra.
Giả sử có một vụ rò rỉ ống nước, dữ liệu được thu thập và phân tích, sau đó quy trình xử lý (gọi cho ai, báo cho phòng ban nào, các bước tiến hành thế nào,...) được hiện thẳng lên màn hình, thì nhân viên ở bộ phận điều hành trung tâm sẽ rất dễ dàng xử lý, không bị ảnh hưởng bởi tâm lý hay trình độ người trực điều hành. Với cách làm này, nhân viên điều hành dù mới đảm nhận công việc cũng biết cách xử lý tình huống.
Ông Magnus Zederfeldt.
Để gia tăng hiệu suất của các camera an ninh, ông Magnus Zederfeldt cho biết bây giờ camera không chỉ “nhìn” mà còn có thể “suy nghĩ”. Camera có thể đo thân nhiệt, đo các tiếng ồn khả nghi (tiếng súng chẳng hạn), hoặc “nhìn” thấy đám đông trên 50 người tụ tập,... sau đó phân tích dữ liệu và gửi về cho khu vực điều khiển. Với những phát hiện mang tính khả nghi cao, camera sẽ lập tức gửi cảnh báo gây chú ý, thay vì phải có người đứng canh.
'Với việc thiết bị càng thông minh hơn, ngân sách dành cho con người sẽ hạn chế bớt, điều này có thể giúp các thành phố khi triển khai sẽ bớt một phần chi phí', ông Magnus kết luận.