Nếu cứ bị nhầm với hàng Trung Quốc, ngành Công nghiệp CNTT ở VN sẽ chết yểu
Trong buổi toạ đàm với lãnh đạo bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), Tổng giám đốc VCCorp, ông Nguyễn Thế Tân đã chia sẻ khá nhiều thông tin thú vị về ngành Nội dung số.
Theo số liệu của VCCorp, tổng doanh thu liên quan đến ngành Nội dung số của các công ty Việt Nam tại thị trường trong nước là 8.000 – 10.000 tỷ/năm. Nếu tính cả các công ty “giả Việt Nam” hay thương hiệu Việt, con số này có thể lên đến 15.000 – 20.000 tỷ/năm.
Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp (bên trái) chia sẻ về những triển vọng của ngành Nội dung số. Ảnh: Trọng Đạt
Ngành Nội dung số tại Việt Nam chia thành hai mảng chính là game và quảng cáo. Trước đây, khoảng 80% thị phần game và quảng cáo thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên hiện tại thị phần đang có xu hướng chuyển dịch về nhóm doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.
Dù vẫn tăng trưởng đều, các công ty Việt hiện chỉ còn chiếm khoảng 50% thị phần trong nước. Mặc dù vậy, vị thế của các doanh nghiệp nội dung số nội địa đang ngày càng yếu đi. Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Thế Tân, Việt Nam sở hữu nhiều cơ hội tốt để thúc đẩy sự phát triển của ngành Nội dung số. Đây là lĩnh vực xuyên biên giới, cung cấp thông qua đường truyền Internet.
Vậy nên, ngoài việc các doanh nghiệp nước ngoài xâm nhập thị trường Việt Nam, nếu đủ sức mạnh, các doanh nghiệp nội hoàn toàn có thể tiến ra thị trường quốc tế. Bằng chứng là trường hợp của Nguyễn Hà Đông từng gây chấn động làng công nghệ thế giới và được thị trường đón nhận.
CEO của VCCorp cho rằng trong vòng 5 năm tới, giá trị thị trường Nội dung số tại Việt Nam sẽ đạt 1 tỷ USD. Nhìn vào ngành dệt may, nếu xuất khẩu được 5 tỷ USD thì phần mà người Việt Nam nhận được trong đó là khoảng 10% hay 500 triệu USD. Trong khi đó nếu xuất khẩu khẩu Nội dung số ra nước ngoài, giả sử bán được 1 tỷ USD, chúng ta đã có 700 triệu USD.
Nếu được đầu tư phát triển, ngành Nội dung số sẽ đem về cho Việt Nam nhiều tỷ USD trong tương lai. Ảnh: Internet
Theo ông Tân, giá trị mà 1 tỷ USD xuất khẩu của ngành nội dung số mang về tương ứng với 5 tỷ USD của ngành dệt may. Do đó, trong vòng 5 – 10 năm tới, nếu được chú tâm phát triển, ngành Nội dung số sẽ tạo ra một ngành công nghiệp mới chỉ đứng sau du lịch. Doanh thu từ Nội dung số lúc này sẽ bỏ xa các ngành kinh tế khác như dệt may, xuất khẩu dầu…
Muốn phát triển Nội dung số, các doanh nghiệp trong nước phải phát triển ngay chính trên sân nhà. Nếu bảo vệ được sân nhà chúng ta sẽ có nội lực để bước ra thị trường quốc tế. Còn nếu bị lấn sân ngay tại thị trường trong nước thì sẽ chẳng còn hy vọng gì nữa.
Ông Tân cũng đề xuất đưa ngành Nội dung số trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Để làm được điều này, cần phải đưa ra các chính sách ưu đãi về con người. “Ngành này sử dụng nhân lực công nghệ thông tin nhưng chỉ có 30% là thực sự làm CNTT, 60-70% còn lại là người làm sản phẩm, sản xuất nội dung, thiết kế, quảng cáo. Nên ưu đãi về thuế thu nhập cho họ, chứ không phải ưu đãi cho mấy ông làm server ở đằng sau”, ông Tân cho biết.
Cùng quan điểm với CEO VCCorp, ông Nhân Thế Luân, CEO của Nhaccuatui chia sẻ thêm rằng: “Ở Việt Nam các sản phẩm Việt hay bị sự soi mói của giới truyền thông, và các doanh nghiệp nội dung số cũng thế.” Vậy nên CEO của Nhaccuatui mong muốn rằng các sản phẩm Việt sẽ được hỗ trợ tốt hơn bởi giới truyền thông.
Ông Luân cũng bình luận thêm rằng để có thể phát triển ngành nội dung số, nhà nước nên có chính sách về thuế để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tìm kiến nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước.
Trọng Đạt