Một thông cáo gần đây từ Ả Rập Xê-Út đã tiết lộ về việc áp đặt quy định về chuẩn cổng sạc cho các thiết bị điện tử. Theo quy định mới này, các thiết bị điện tử sẽ phải được trang bị cổng sạc USB-C nhằm giảm thiểu lượng cáp sạc tiêu thụ mỗi năm.
Theo thông tin từ GSMArena, bộ quy định mới của Ả Rập Xê-Út sẽ được triển khai theo hai giai đoạn trong quá trình tiêu chuẩn hóa cổng sạc. Giai đoạn đầu tiên sẽ có hiệu lực từ ngày 01/1/2025, yêu cầu các thiết bị điện tử (ngoại trừ máy tính xách tay và máy tính cầm tay) phải được trang bị cổng sạc USB-C. Mục tiêu của quy định này là cải thiện trải nghiệm người dùng bằng việc đảm bảo khả năng sạc và truyền dữ liệu với tốc độ cao. Đồng thời, quy định mới cũng hướng tới tầm quan trọng của bền vững hệ sinh thái bằng cách giảm thiểu lượng rác thải từ cáp sạc.
Giai đoạn thứ hai sẽ bắt đầu từ ngày 01/4/2026 khi áp dụng trên máy tính xách tay. Do đó, từ năm 2025 trở đi, các doanh nghiệp và hãng sản xuất tại thị trường Ả Rập Xê-Út sẽ buộc phải tuân thủ tiêu chuẩn cổng sạc USB-C nếu muốn bán các thiết bị điện tử. Theo các tổ chức của quốc gia này, quyết định này sẽ góp phần giảm lượng tiêu thụ bộ sạc và cáp sạc cho điện thoại di động và thiết bị điện tử xuống khoảng 2,2 triệu chiếc mỗi năm. Ngoài ra, người dùng sẽ tiết kiệm được khoảng 170 triệu SAR (tương đương 1 nghìn tỷ đồng).
Hiện tại, việc Ả Rập Xê-Út công bố luật để đưa USB-C trở thành chuẩn sạc chung sẽ khiến các hãng công nghệ như Apple buộc phải thống nhất tiêu chuẩn sạc trên thiết bị của họ. Trước đó, Liên minh Châu Âu (EU) và Ấn Độ cũng đã công bố bộ luật tương tự để ép buộc các hãng công nghệ sử dụng cổng USB-C trên các thiết bị điện tử di động của họ. Điều này sẽ giúp người dùng có thể sử dụng chung một bộ sạc cho nhiều thiết bị khác nhau, đồng thời cũng giúp giảm thiểu rác thải điện tử.