Theo thống kê của Diễn đàn kinh tế thế giới, lĩnh vực công nghệ giáo dục (Edtech) là thị trường đang rất nóng trên toàn thế giới chỉ xếp sau Fintech (công nghệ tài chính) và thương mại điện tử (TMĐT). Thích ứng được với bối cảnh hiện nay, cung cấp các giải pháp công nghệ mới khác biệt sẽ là 'chìa khoá' giúp các startup Edtech phát triển bền vững.
Câu chuyện của một startup Edtech Singapore
Với khoảng 700 triệu dân, trong đó có 26% đang trong độ tuổi đến trường, khu vực Đông Nam Á được coi là một thị trường tiềm năng về công nghệ giáo dục (Edtech). Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy đáng kể nhu cầu sử dụng, khai thác khả năng của Edtech, từ các ứng dụng e-learning đến các công cụ về ngôn ngữ... Các ứng dụng học trực tuyến hàng đầu trong khu vực đã chứng kiến mức độ sử dụng tăng gấp 3 lần, cụ thể là từ 6 triệu lượt cài đặt vào năm 2019 lên thành 20 triệu lượt vào năm 2020, khi các hệ thống giáo dục trên toàn cầu phải đối mặt với vấn đề đóng cửa trường học.
Theo Tracxn, tính đến tháng 7/2021, đã có 371 công ty khởi nghiệp Edtech được thành lập tại Singapore, vượt xa con số 210 công ty của Indonesia và 82 công ty của Philippines.
Số tiền trung bình mà phụ huynh học sinh các cấp tiểu học, trung học và đại học ở Singapore phải chi cho học phí là 155 - 255 SGD (115 - 190 USD) mỗi tháng. Một báo cáo của HSBC cho thấy thậm chí 52% số bậc phụ huynh này sẵn sàng vay nợ để hỗ trợ cho việc học của con cái họ. Để khai thác thị trường tiềm năng này, các công ty Edtech thành công tại Singapore đã triển khai một loạt các chiến lược nhằm tạo lợi thế và dẫn trước các đối thủ cạnh tranh.
Geniebook, một startup Edtech hàng đầu có trụ sở tại Singapore, đã thu hút được hơn 120.000 người dùng kể từ khi ra mắt tại quốc gia này vào năm 2017. Đầu năm 2021, Geniebook đã mở rộng hoạt động sang thị trường Việt Nam bằng việc thành lập một văn phòng mới. Việt Nam cũng là thị trường ngoại quốc thứ hai của Geniebook sau Indonesia.
Chia sẻ với KrASIA, Neo Zhizhong, Giám đốc điều hành (CEO) của Geniebook, cho biết: Việc tập trung xây dựng một sản phẩm được cá nhân hóa và trải nghiệm học tập hiệu quả giúp công ty luôn dẫn đầu thị trường, với đội ngũ gồm khoảng 300 nhân viên làm việc tại các văn phòng ở Singapore, Indonesia, Việt Nam.
Một lợi thế mang tính cạnh tranh của Geniebook - cũng là bước đi mang tính cách mạng trong lĩnh vực Edtech của Singapore - là tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào nền tảng. Neo cho biết: 'Chúng tôi đã xây dựng một bộ ba sản phẩm học tập độc đáo cho phép chúng tôi trực tiếp trợ giúp học sinh. Geniebook đã phát triển các trang tính được cá nhân hóa, được gọi là GenieSmart, bằng cách triển khai các thuật toán độc quyền để xác định điểm mạnh và điểm yếu của học sinh. Việc này giúp cá nhân hóa chương trình học tập, nhờ vậy học sinh có thể cải thiện điểm số nhanh chóng'. Ngoài ra, Geniebook còn xây dựng một ứng dụng trò chuyện, nhằm kết nối giáo viên với học sinh của họ.
Việc sử dụng AI và máy học kết hợp các quy trình tự động để tạo lợi thế cạnh tranh và tăng tốc độ cung cấp dịch vụ Geniebook đã giúp startup này gặt hái được thành công. Trước đó vào tháng 5/2019, Geniebook đã huy động được xấp xỉ 1,1 triệu USD trong vòng gọi vốn tiền series A do công ty đầu tư tư nhân Apricot Capital trụ sở tại Singapore dẫn đầu, chỉ hai năm sau khi ra mắt.
Mặc dù nhiều ngành nghề vẫn đang đối mặt với suy thoái do hậu quả của đại dịch nhưng ngành công nghiệp Edtech lại đảo ngược lại xu thế và thu được lợi nhuận rất lớn. Geniebook tuyên bố số lượng người dùng đã đăng ký ở nước ngoài của họ đã tăng vọt khoảng 1.000% kể từ khi COVID-19 xuất hiện. Đây là một trong 22 công ty Edtech Singapore hỗ trợ AI, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ các nền tảng hướng dẫn tiếng Anh dựa trên thiết bị di động cho trẻ nhỏ đến đào tạo phẫu thuật dựa trên VR do Kyalio cung cấp.
'Khi khả năng dự đoán về đại dịch ngày càng xấu đi và việc học tập tại nhà tiếp tục là một phần quan trọng trong cuộc sống của học sinh, chúng tôi nhận thấy tiềm năng to lớn trong việc số hóa và cá nhân hóa việc học trên thế giới và trong khu vực và thị trường Việt Nam đang tăng trưởng là bước tiếp theo của chúng tôi', CEO của Geniebook Neo Zhizhong cho biết.
Tìm kiếm những cơ hội bứt phá mới từ trong thách thức
Tuy nhiên, điều hành một công ty Edtech độc lập ở Singapore không phải lúc nào cũng dễ dàng. Chính phủ Singapore đang sắp xếp và tổ chức lại các dịch vụ Edtech cho giáo dục tiểu học đến trước đại học với Không gian học tập dành cho học sinh Singapore (Singapore Student Learning Space), một nền tảng học tập trực tuyến do Bộ Giáo dục Singapore phát triển nhằm khuyến khích 'học tập tự định hướng và tự điều chỉnh lịch học' cho học sinh, sinh viên.
Đây là một phần của Kế hoạch EdTech của Singapore, trong đó chính phủ tìm cách xây dựng một loạt 'mạng lưới hợp tác' dành cho học sinh, sinh viên, đồng thời tăng cường quan hệ với phụ huynh và các bên liên quan để hỗ trợ việc học tập. Việc triển khai kế hoạch này chắc chắn tập trung vào một số công ty Edtech hàng đầu, khiến các công ty khác gặp khó khăn hơn trong việc kinh doanh.
Ngoài sự thay đổi chính sách về Edtech trong khu vực công, đại dịch cũng đã ảnh hưởng và làm thay đổi cách thức hoạt động của một số công ty Edtech. Trong khi các startup Edtech như Geniebook chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ số lượng người dùng, thì một số khác lại kém may mắn hơn. Kalpha là một trường hợp, toàn bộ mô hình kinh doanh của startup này dựa trên việc kết nối mọi người - giữa 'người học' và 'người chia sẻ' bằng cách gặp gỡ 1-1 ở ngoài đời thực để học hỏi và chia sẻ kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm.
Theo Jack Soh, người đồng sáng lập Kalpha, sự xuất hiện của COVID-19 đã khiến doanh số của công ty trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 6 năm 2020 giảm 7%.
Soh cho biết: 'Vì sản phẩm của chúng tôi hướng đến các cuộc gặp mặt trực tiếp nên các hạn chế về khoảng cách xã hội do COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Kalpha. Việc chuyển đổi mô hình của Kalpha lên trực tuyến mất vài tháng, nhưng kể từ đó hoạt động kinh doanh đã ổn định. Đối với Kalpha, việc thích nghi với các điều kiện mà COVID-19 tạo ra là điều cần thiết cho sự tồn tại của doanh nghiệp'.
Với cơ sở hạ tầng mới mà kết nối mọi người trực tuyến, Kalpha đã quyết định thâm nhập vào một thị trường mới - Việt Nam. Theo ông Jack Soh, Kalpha đã đến Việt Nam vào tháng 11/2019 để ra mắt sản phẩm vào tháng 2/2020 nhưng dịch COVID-19 buộc công ty này phải lùi thời điểm ra mắt chính thức ra mắt vào tháng 7/2020.
Đội ngũ Kalpha tại Việt Nam.
Dù vậy, từ khi ra mắt thử nghiệm với chỉ từ khoảng 1.000 - 2.000 lượt tải xuống/tháng, hiện tại ứng dụng của Kalpha đang có từ 6.000 - 8.000 lượt tải xuống mỗi tháng. Kalpha thậm chí đã mở một quán cà phê ngay bên ngoài trung tâm TP. Hồ Chí Minh để tạo không gian cho các buổi gặp mặt diễn ra.
'Chúng tôi nhận thấy rằng mọi người ở Việt Nam dễ tiếp nhận ứng dụng hơn ở Singapore, có thể là do văn hóa của họ cởi mở hơn với việc gặp gỡ trực tiếp,' Soh nói thêm. Kalpha quan sát thấy rằng người dùng ở Việt Nam có khả năng tham gia các buổi gặp gỡ trực tiếp cao hơn gấp 4 lần so với những người ở Singapore, điều này thúc đẩy đáng kể hoạt động kinh doanh của công ty.
Soh cũng giải thích về sự khác biệt của Kalpha với tư cách là một công ty Edtech là sự sẵn sàng 'mở rộng sang nhiều ngành dọc' để cung cấp các phương thức học tập khác nhau cho người dùng. Không giống như các nền tảng trực tuyến như Duolingo, một nền tảng học ngôn ngữ, Kalpha được thiết kế để kết nối những người muốn học nhiều loại kỹ năng, từ võ thuật đến viết lách.
Hiện tại, Kalpha có 130.000 người dùng, trong đó 28.000 ở Singapore và khoảng 102.000 ở Việt Nam. Công ty đã phát triển quan hệ đối tác với các trung tâm học tập tư nhân, trường học và trung tâm dạy nghề, cung cấp các đăng ký thông qua các mối quan hệ này để tăng cường lượng khách hàng của mình.
Cả Geniebook và Kalpha đều nhận thấy sự cần thiết phải mở rộng sang các thị trường khu vực ngoài Singapore. Họ phải điều chỉnh các dịch vụ của mình để phù hợp với văn hóa địa phương và sự kỳ vọng của người tiêu dùng, do các quốc gia khác nhau có hệ thống giáo dục và chương trình giảng dạy khác nhau.
Các công ty Edtech thành công có trụ sở tại Singapore ngoài quản lý định hướng kinh doanh tổng thể còn thực hiện các điều chỉnh theo cụ thể để phù hợp với từng thị trường khu vực. Đây là cách chiến lược ban đầu giúp các công ty liên tục cải tiến nền tảng để mở rộng tiếp cận người dùng mới trê khắp Đông Nam Á./.
Nguồn: kr-asia